Canada chạy đua để đón đầu cơ hội thành nước sản xuất uranium lớn nhất thế giới

Canada không chỉ khai thác đủ uranium để cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng trong nước, mà Canada còn có thể cung cấp uranium để cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng của các đồng minh G7.

Canada đang chạy đua để trở thành nhà sản xuất uranium lớn nhất thế giới khi giá kim loại này tăng vọt do nhu cầu năng lượng hạt nhân không phát thải tăng cao và căng thẳng địa chính trị đe dọa nguồn cung.

Sự phục hồi của ngành uranium Canada không chỉ là câu chuyện về tăng trưởng kinh tế, mà còn là sự chuyển dịch trong cán cân năng lượng toàn cầu.

Canada chạy đua đón đầu cơ hội

Cameco, nhà sản xuất khoáng sản lớn nhất của Canada, cho biết sản lượng uranium ước tăng khoảng 30% trong năm 2024 lên 37 triệu pound (1 pound = 0,454 kg) tại hai mỏ của công ty ở trung tâm ngành công nghiệp uranium của đất nước ở phía Bắc Saskatchewan.

Theo ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets, dựa trên kế hoạch khai thác mới, sản lượng uranium trong nước có thể tăng gấp hai lần vào năm 2035.

Ông Jonathan Wilkinson, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên của Canada, cho biết mức đầu tư vào thị trường uranium của nước này đang ở mức cao nhất trong 20 năm, trong đó hoạt động chi tiêu cho thăm dò và đánh giá mỏ tăng 90% lên 232 triệu CAD (160 triệu USD) vào năm 2022 và tăng thêm 26% vào năm 2023 lên 300 triệu CAD.

Trả lời phỏng vấn FT, ông Jonathan Wilkinson cho biết Canada không chỉ khai thác đủ uranium để cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng trong nước, mà Canada còn là quốc gia duy nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có thể cung cấp uranium để cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng của các đồng minh. Mỗi năm, Canada xuất khẩu hơn 80% sản lượng uranium, đưa đất nước trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trên thị trường này.

Giá uranium đã tăng vọt lên mức kỷ lục hơn 100 USD/pound vào đầu năm 2024, khiến các công ty khai thác uranium ráo riết tận dụng cơ hội này. Dù giá đã điều chỉnh về mức 73 USD/pound, nhưng con số này vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình dưới 50 USD/pound trong suốt thập kỷ qua, báo hiệu một sự hồi sinh mạnh mẽ của thị trường.

Từ ngôi vị dẫn đầu đến sự trỗi dậy mới

Canada từng là nhà sản xuất uranium lớn nhất thế giới cho đến năm 2008. Tuy nhiên, giá uranium đã giảm mạnh sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2010 ở Nhật Bản ảnh hưởng tiêu cực đến ngành năng lượng hạt nhân trên toàn thế giới.

Nhưng sự suy giảm của ngành sản xuất uranium của các nước khác đã tạo điều kiện cho Kazatomprom của Kazakhstan vươn lên trở thành nhà sản xuất uranium hàng đầu thế giới.

Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, năm 2022, Kazakhstan sản xuất 43% tổng số uranium khai thác, thị phần lớn nhất trên toàn cầu, với Canada đứng thứ hai ở mức 15%, tiếp theo là Namibia ở mức 11%.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, tình hình dường như đang chuyển biến theo hướng tích cực với Canada, khi nhu cầu uranium dự kiến tăng vọt sau khi 31 quốc gia cam kết tăng gấp ba lần nguồn năng lượng hạt nhân vào năm 2050 để ứng phó với Biến đổi Khí hậu.

Các “gã khổng lồ” công nghệ như Amazon, Google và Meta cũng đang chuyển sang năng lượng hạt nhân để vận hành các trung tâm dữ liệu tiêu thụ nhiều năng lượng của họ, vì nhiên liệu này không tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

NexGen, công ty đang phát triển mỏ Rook1 ở lưu vực Athabasca phía Bắc Saskatchewan, ước tính họ có thể vượt qua sản lượng của Kazakhstan trong vòng 5 năm tới, củng cố an ninh năng lượng cho ngành công nghiệp hạt nhân của phương Tây.

Giám đốc điều hành của NexGen, ông Leigh Curyer, cho biết dự án của NextGen có khả năng đưa Canada trở lại vị trí dẫn đầu là nhà sản xuất uranium hàng đầu thế giới.

Ông nói thêm các công ty điện lực của Mỹ đang xếp hàng để mua uranium từ Rook1, mà đang trong giai đoạn cuối của quá trình cấp phép và có thể bắt đầu xây dựng vào giữa năm 2025 nếu các phê duyệt và tài chính được đảm bảo.

NexGen dự đoán mỏ này sẽ có chi phí 1,6 tỷ USD và sản xuất 30 triệu pound uranium mỗi năm ở mức sản xuất tối đa, gần 20% sản lượng toàn cầu hiện tại.

Trong khi đó, công ty thăm dò, phát triển và sản xuất uranium Denison Mines đang phát triển dự án Wheeler River và công ty Paladin Energy đang phát triển Patterson Lake, cả hai đều ở Saskatchewan và cùng nhau có thể sản xuất tới 18 triệu pound uranium mỗi năm. Cameco đang xem xét việc mở rộng sản xuất thêm tại McArthur River, thêm hơn 30% lên 25 triệu pound mỗi năm.

Canada đang đứng trước cơ hội lớn để "tái xuất" ngôi vương trong ngành uranium toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Canada sẽ phải vượt qua nhiều thách thức và rủi ro.

Câu chuyện về sự trỗi dậy của ngành uranium Canada không chỉ phản ánh những biến động trong thị trường năng lượng, mà còn là một phép thử về khả năng thích ứng, đổi mới và chiến lược của một quốc gia trong bối cảnh thế giới đầy biến động./.