Đầu tư chế biến sâu, xây dựng thị trường tiêu thụ sản phẩm càphê

Kon Tum xác định tập trung phát triển các diện tích càphê hiện có theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị; đồng thời, đẩy mạnh thu hút chế biến sâu đối với loại nông sản chủ lực này.

Niên vụ 2024 được xem là vụ thu hoạch mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân trồng càphê tại Kon Tum nói riêng, cũng như bà con trồng càphê tại khu vực Tây Nguyên nói chung, khi giá càphê liên tục “lập đỉnh” trong giai đoạn chính vụ.

Tuy nhiên, việc càphê tăng giá cũng mang đến nguy cơ cao trong việc phát triển ồ ạt, phá vỡ quy hoạch cây trồng. Vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum xác định tập trung phát triển các diện tích càphê hiện có theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị trên cùng một đơn vị diện tích; đồng thời, đẩy mạnh thu hút chế biến sâu đối với loại nông sản chủ lực này.

Nông dân thắng lớn

Hợp tác xã Nông Nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) có tổng diện tích khoảng 300ha càphê; trong đó, niên vụ 2024 thu hoạch 280ha.

Với sản lượng khoảng 20 tấn càphê tươi/ha, cùng giá cao, bình quân 26.000 đồng/kg càphê tươi, hợp tác xã đã thu về không dưới 500 triệu đồng/ha. Đây được xem là một trong những vụ thu hoạch càphê mang lại giá trị cao nhất từ trước tới nay của hợp tác xã.

Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc Hợp tác xã Nông Nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung, cho biết niên vụ 2024, nhờ vào công tác chăm sóc tốt, nên sản lượng càphê của đơn vị đạt mức cao.

Nông dân huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum thu hoạch càphê xứ lạnh. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Bên cạnh giá càphê cao, nhân công thuận lợi cũng là một yếu tố giúp niên vụ 2024 được xem là vụ thu hoạch “thắng lớn,” với lợi nhuận ước đạt từ 65-70%, trong khi những niên vụ trước, lợi nhuận chỉ khoảng 30-35%.

Tương tự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Khang Nông (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) cũng có 25ha càphê Arabica thu hoạch trong niên vụ 2024.

Với sản lượng 150-170 tấn càphê tươi, giá bán trung bình 28.000 đồng/kg, doanh nghiệp này thu về không dưới 4,2 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Nam, Quản lý tại Trang trại càphê Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Khang Nông, cho biết trong niên vụ 2024, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đặc biệt là thời tiết, nên năng suất càphê của đơn vị đã giảm 30% so với niên vụ trước.

Tuy nhiên, nhờ giá cao, càphê vẫn mang về khoản doanh thu lớn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, với chính sách hái càphê có tỷ lệ quả chín trên 90%, các đơn vị thu mua với giá từ 30.000-33.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao, gấp hơn 2 lần so với niên vụ trước, giúp công ty có được mức thu lớn so với các niên vụ trước.

Không chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã, những người nông dân trồng càphê nhỏ lẻ cũng không giấu được niềm vui với một niên vụ càphê mang lại giá trị lớn.

Ông Nguyễn Văn Hùng, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, cho biết gia đình ông có khoảng 1ha càphê.

Niên vụ năm nay, ông thu được khoảng 15 tấn càphê tươi, với giá thu mua khoảng 26.000 đồng/kg, gia đình ông cũng có được khoản lợi nhuận từ 150-200 triệu đồng từ diện tích càphê này.

Ông Bùi Đức Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum, cho rằng sản lượng càphê nhân trong niên vụ 2024 của tỉnh đạt gần 70.000 tấn, tương đương so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ giá càphê cao, gấp hơn 2 lần so với niên vụ 2023, nên lợi nhuận tăng trên cùng một diện tích, đạt khoảng 200 triệu đồng/ha, thậm chí có những hộ gia đình lợi nhuận đạt trên 350 triệu đồng/ha.

Thu hoạch càphê xứ lạnh chín tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Phát triển bền vững

Mặc dù niên vụ 2024, người nông dân trồng cà phê tại Kon Tum “thắng lớn,” nhưng ngành nông nghiệp tỉnh xác định sẽ tập trung phát triển các diện tích càphê sẵn có, khuyến cáo nông dân không tự ý mở rộng các diện tích nằm ngoài quy hoạch chung của tỉnh.

Cùng với đó, tập trung vào sản xuất theo hướng hữu cơ, bền vững, chế biến sâu để nâng cao giá trị, thương hiệu cho càphê Kon Tum.

Ông Đặng Thế Quyết, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, cho biết huyện hiện có gần 12.400ha càphê.

Trong quy hoạch phát triển càphê, huyện xác định sẽ ổn định ở mức 12.000-13.000ha. Đối với các vườn già cỗi và kém hiệu quả, ngành nông nghiệp khuyến khích bà con nông dân tái canh bằng các giống càphê mới cũng như áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cho vườn cây.

Hiện nay, huyện Đăk Hà cũng tập trung vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đồng thời, các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với các hộ dân sản xuất càphê với quy mô lớn như Hợp tác xã Nông Nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung liên kết với các hộ dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê 300ha, sản lượng hàng năm 1.000 tấn/năm; Hợp tác xã Công Bằng Pô Cô liên kết với các hộ dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm càphê 220ha, sản lượng hàng năm 900 tấn/năm.

Ngoài ra, hình thành được 9 tổ hợp tác phát triển càphê bền vững trên, với tổng quy mô hơn 1.340ha với 760 hộ tham gia.

Đối với càphê xứ lạnh Arabica, tỉnh Kon Tum cũng đã ban hành Đề án “Khôi phục và Phát triển cây càphê xứ lạnh tại các huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” để phát triển loại cây trồng đặc hữu, có giá trị cao này.

Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh đã có hơn 4.300ha cây càphê xứ lạnh; trong đó, trồng mới 750ha tại ba huyện thuộc đề án.

Ông Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông, cho hay đến cuối năm 2024, tổng diện tích càphê Arabica của toàn huyện là gần 900ha; trong đó, diện tích cho thu hoạch hơn 556ha, năng suất bình quân đạt 14,2 tạ nhân/ha; tổng sản lượng gần 800 tấn.

Huyện cũng đã xây dựng riêng một đề án phát triển càphê xứ lạnh, với mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 2.000ha càphê Arabica, hình thành vùng càphê trọng điểm, gắn với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, nâng cao thu nhập cho người nông dân trên một đơn vị diện tích, xây dựng và phát triển thương hiệu càphê xứ lạnh Măng Đen.

Theo ông Bùi Đức Trung, ngành nông nghiệp tỉnh xác định sẽ giữ diện tích càphê ổn định ở mức 32.000-33.000ha; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho bà con không phát triển các diện tích tự phát, phá vỡ quy hoạch cây trồng do giá cao, nhất là đối với các vùng không phù hợp với cây càphê về điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước.

Cùng với đó, sẽ tập trung vào chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo đầu ra cho người nông dân; xây dựng kế hoạch và yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện thu hái quả có tỷ lệ chín cao để nâng cao giá trị.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến sâu, tạo ra thành phẩm càphê để nâng cao giá trị, giảm chi phí sản xuất, vận chuyển, giúp tăng lợi nhuận cho người nông dân.

Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân đầu tư cho chế biến sâu, xây dựng thị trường tiêu thụ các sản phẩm cà phê tinh, dần chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Qua đó, giúp tăng giá trị và phát triển thương hiệu cho cà phê, là hướng đi bền vững trong tương lai cho loại nông sản chủ lực này của tỉnh Kon Tum./.