Niềm tin của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế 12 tháng tới
Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế ngành trong 12 tháng tới “rất tích cực” là 2,8%, gấp 4 lần so với khảo sát tháng 4/2023.
Niềm tin của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế 12 tháng tới có sự cải thiện ở tất cả các mặt, phù hợp với các dữ liệu kinh tế vĩ mô.
Nhận định trên được Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đưa ra trong báo cáo gửi Thủ tướng mới đây, sau khi khảo sát gần 900 đại diện lãnh đạo doanh nghiệp.
Theo Ban IV, dù còn không ít doanh nghiệp nhận định tiêu cực về nền kinh tế nhưng khi so sánh với hai kỳ khảo sát tháng 4/2023 và tháng 12/2023, niềm tin của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế vĩ mô, triển vọng kinh tế ngành, khả năng tiếp cận thị trường vốn, triển vọng thị trường cho sản phẩm kinh doanh, dự kiến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khảo sát lần này đã thể hiện sự tích cực ở tất cả các mặt.
Trong số đó, đối với đánh giá về triển vọng kinh tế vĩ mô, khi so với khảo sát tháng 4/2023, các chỉ số cho thấy sự cải thiện rất nhiều: tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế “rất tích cực” gấp 5 lần, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế “tích cực” gấp gần 6 lần, trong khi lựa chọn “tiêu cực” và “rất tiêu cực” cũng giảm với tỷ lệ lớn (35,1% so với 58,4% và 9,9% so với 23%).
Tuy nhiên, khó khăn và thách thức dự báo vẫn hiện hữu khi tỷ lệ các doanh nghiệp lựa chọn các đáp án “tiêu cực/rất tiêu cực” còn ở mức khá cao: 45% doanh nghiệp đánh giá “tiêu cực/rất tiêu cực” về triển vọng kinh tế vĩ mô; 54,6% doanh nghiệp đánh giá “tiêu cực/rất tiêu cực” về triển vọng kinh tế ngành; 49,6% đánh giá “tiêu cực/rất tiêu cực” về triển vọng tiếp cận vốn; 50,5% đánh giá “tiêu cực/rất tiêu cực” về triển vọng tiếp cận thị trường.
Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn
Kết quả khảo sát cho thấy, doanh nghiệp vẫn đánh giá tiêu cực về triển vọng của nền kinh tế trong 12 tháng tới với 45% doanh nghiệp lựa chọn kịch bản “tiêu cực/rất tiêu cực” và chỉ có 23,5% lựa chọn các kịch bản “tích cực/rất tích cực.”
Xét theo điểm, điểm trung bình đạt 2,72/5 cho thấy góc nhìn vẫn còn khá bi quan của doanh nghiệp về triển vọng kinh tế trong 12 tháng tiếp theo.
Doanh nghiệp ngành công nghiệp thể hiện niềm tin tích cực nhất với điểm trung bình là 2,82, trong khi ngành xây dựng thể hiện sự bi quan nhất với điểm trung bình 2,55, là ngành duy nhất thấp hơn mức trung bình chung cả nước.
Ngành dịch vụ có đánh giá về triển vọng 12 tháng tới chỉ cao hơn mức điểm trung bình chung một chút.
Xét theo loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thể hiện sự tích cực nhất với điểm trung bình là 3,15/5.
Đây là lần đầu tiên điểm trung bình của loại hình doanh nghiệp này vượt trên mức 3 (mức bình thường) trong 3 kỳ khảo sát Ban IV đã tiến hành.
Trong khi đó, niềm tin của doanh nghiệp FDI cũng ở mức khá tích cực là 2,93/5. Doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn có điểm trung bình thấp nhất với 2,68/5, thể hiện niềm tin ít tích cực hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác.
Nếu so sánh qua 3 kỳ khảo sát, điểm trung bình đánh giá của doanh nghiệp ngoài nhà nước đều thấp nhất, đồng thời tốc độ phục hồi cũng chậm hơn so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.
Trong bối cảnh niềm tin của doanh nghiệp nhà nước và FDI đã gần như trở lại ở mức bình thường thì niềm tin của doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn còn khá tiêu cực.
Doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá về triển vọng kinh tế 12 tháng tới không tích cực bằng doanh nghiệp tại Hà Nội và mức trung bình chung cả nước.
Qua 3 kỳ khảo sát, sự phục hồi của đầu tàu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được như mong đợi, thể hiện qua niềm tin của doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn ở mức bi quan nhất.
Xét theo quy mô lao động, doanh nghiệp có quy mô lao động trên 1.000 thể hiện sự tích cực nhất với điểm trung bình đạt 2,95/5, trong khi các doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 50 có điểm trung bình thấp nhất.
Kết quả này cũng cho thấy các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn nên niềm tin của doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực.
Xét theo quy mô doanh thu năm 2023, các doanh nghiệp quy mô lớn thể hiện niềm tin tích cực nhất, đặc biệt nhóm doanh nghiệp có doanh thu trên 1.500 tỷ đồng có điểm trung bình 3,05/5, trong khi đó các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có điểm trung bình thấp hơn mức trung bình chung.
Doanh nghiệp có doanh thu dưới 3 tỷ đồng có điểm trung bình thấp nhất, chỉ đạt 2,62.
Xét theo điểm trung bình, kết quả tích cực thể hiện đều ở các ngành và toàn bộ các khía cạnh trong triển vọng kinh tế vĩ mô của khảo sát này so với các khảo sát năm 2023.
Mặc dù doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn tỏ ra bi quan nhất về triển vọng kinh tế vĩ mô nhưng điểm trung bình đã cao hơn rất nhiều.
Điểm trung bình chung của các doanh nghiệp tham gia khảo sát này là 2,72, cao hơn 0,39 điểm so với khảo sát tháng 12/2023 và cao hơn 0,72 so với khảo sát tháng 4/2023. Điều đó cho thấy, triển vọng kinh tế đang phục hồi một cách ổn định qua các kỳ khảo sát.
Triển vọng kinh tế ngành tích cực hơn
Về triển vọng kinh tế ngành, Ban IV cho biết so với hai kỳ khảo sát năm 2023, đánh giá về triển vọng kinh tế ngành của kỳ khảo sát này thể hiện sự tích cực hơn, tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn “rất tích cực” và “tích cực” cao hơn và tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn “tiêu cực/rất tiêu cực” đều giảm.
Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế ngành trong 12 tháng tới “rất tích cực” là 2,8%, gấp 4 lần so với khảo sát tháng 4/2023; tỷ lệ đánh giá “tích cực” gấp gần 5 lần; tỷ lệ đánh giá “bình thường” cũng gấp 2 lần.
Các tỷ lệ đánh giá “tiêu cực” hoặc “rất tiêu cực” đều thấp hơn nhiều.Tuy nhiên, về tổng thể, kết quả khảo sát cho thấy, doanh nghiệp vẫn đánh giá chưa được tích cực về triển vọng kinh tế ngành trong 12 tháng tới.
Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế ngành “tiêu cực/rất tiêu cực” vẫn ở mức 54,6%, trong đó tỷ lệ đánh giá “rất tiêu cực” là 15,8%.
Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “tích cực/rất tích cực” về triển vọng kinh tế ngành chiếm 17,3%, trong đó “rất tích cực” là 2,8%.
Theo điểm trung bình, mức điểm các doanh nghiệp đánh giá mới chỉ đạt 2,5/5, trong đó doanh nghiệp ngành công nghiệp và ngành dịch vụ có niềm tin tích cực hơn về triển vọng kinh tế ngành so với các ngành khác. Doanh nghiệp ngành xây dựng có điểm trung bình thấp nhất 2,21, thể hiện sự bi quan nhất về triển vọng kinh tế ngành trong 12 tháng tới.
Doanh nghiệp nhà nước đánh giá về triển vọng kinh tế ngành 12 tháng tới tích cực nhất với điểm trung bình 3,0/5, còn doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn là nhóm bi quan nhất về triển vọng kinh tế ngành với điểm trung bình là 2,46/5.
Đánh giá của doanh nghiệp cho thấy, triển vọng tươi sáng hơn trong tiếp cận vốn của các doanh nghiệp nói chung và từng ngành nói riêng trong 12 tháng tiếp theo. So với khảo sát tháng 4/2023, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá “rất tích cực” gấp gần 4 lần, tỷ lệ đánh giá “tích cực” gấp 6,5 lần.
Trong khi đó, các đánh giá “tiêu cực” giảm gần 1,3 lần, đánh giá “rất tiêu cực” giảm chỉ còn hơn một. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng cho thấy triển vọng tiếp cận vốn qua đánh giá của doanh nghiệp tham gia khảo sát vẫn còn tiêu cực. Vẫn có 49,6% doanh nghiệp đánh giá triển vọng tiếp cận vốn trong 12 tháng tới “tiêu cực/rất tiêu cực.”
Tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn “tích cực/rất tích cực” vẫn dưới 20%. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đánh giá khá tích cực về triển vọng thị trường. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá triển vọng thị trường “rất tích cực” của khảo sát này gấp 3 lần khảo sát tháng 4/2023; tỷ lệ đánh giá “tích cực” gấp hơn 4,5 lần, trong khi đó tỷ lệ đánh giá “tiêu cực” và “rất tiêu cực” đều giảm sâu.
Song,bên cạnh đó, theo đánh giá của doanh nghiệp, triển vọng thị trường vẫn còn khá tiêu cực khi vẫn có đến 50,5% doanh nghiệp đánh giá “tiêu cực/rất tiêu cực”, trong khi tỷ lệ đánh giá “tích cực/rất tích cực” mới ở mức 19,2%.
Đánh giá này khá nhất quán với các đánh giá về triển vọng kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành hay triển vọng tiếp cận vốn./.