Hàn Quốc đối mặt với tình trạng thiếu kim chi khi giá cải thảo tăng cao kỷ lục
Sự gia tăng giá cải thảo - nguyên liệu sản xuất kim chi - đã tạo ra hiệu ứng gợn sóng trên toàn nền kinh tế Hàn Quốc, ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng và các ngành công nghiệp.
Ngành nông nghiệp Hàn Quốc đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt kim chi do mất mùa và giá cải thảo tăng lên ngưỡng cao kỷ lục.
Theo truyền thông Hàn Quốc, giá của một cây cải thảo hiện đã tăng tới 80% so với một năm trước, lên hơn 9.500 won (6,84 USD). Điều này gây lo ngại cho các hộ gia đình, khi mùa làm dưa cải chua (kim chi) - một truyền thống văn hóa gắn liền với lối sống của người Hàn Quốc - sắp tới.
Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp Hàn Quốc ngày càng dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Liên tiếp xuất hiện những đợt nắng nóng kéo dài và dữ dội hơn, cũng như những đợt hạn hán gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản lượng cây trồng.
Năm 2024, thời tiết khắc nghiệt đã làm giảm mạnh năng suất trồng cải thảo. Hiện tượng này, thường được gọi là "lạm phát nhiệt," mô tả áp lực lạm phát do thời tiết khắc nghiệt, đẩy giá các mặt hàng lương thực thiết yếu như cải thảo tăng cao.
Đáng chú ý, phản ứng của Chính phủ Hàn Quốc đối với sự gia tăng giá cải thảo, nguyên liệu sản xuất kim chi - một món ăn truyền thống nổi tiếng của Hàn Quốc, đã bị chỉ trích.
Nhiều người lập luận rằng các nhà chức trách đã chậm trễ trong việc giải quyết khủng hoảng, chỉ thực hiện các biện pháp ổn định giá sau khi giá cải thảo đã leo lên mức kỷ lục.
Các nhà phê bình chỉ ra quyết định trì hoãn nhập khẩu cải thảo Trung Quốc, một động thái nhằm giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong nước, là minh chứng cho cách tiếp cận phản ứng thay vì chủ động.
Ngoài ra, một số chuyên gia chính sách đang kêu gọi những thay đổi cấu trúc trong cách thức quản lý khủng hoảng nông nghiệp của đất nước.
Lời kêu gọi can thiệp sớm hơn, các công cụ dự báo tốt hơn và đầu tư nhiều hơn vào các phương pháp canh tác chống chịu biến đổi khí hậu đang ngày càng phổ biến, khi sự gia tăng giá cả của mặt hàng nông nghiệp chủ lực trong năm nay làm nổi bật những lỗ hổng trong khuôn khổ quản lý khủng hoảng của Hàn Quốc.
Sự gia tăng giá cải thảo đã tạo ra hiệu ứng gợn sóng trên toàn nền kinh tế, ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng và các ngành công nghiệp.
Sản phẩm kim chi đã chứng kiến chi phí sản xuất tăng vọt khi cải thảo trở nên đắt đỏ hơn. Các nhà sản xuất đang cảnh báo rằng sự gia tăng giá nguyên liệu thô có thể sớm dẫn đến giá bán lẻ kim chi tăng cao, tạo thêm gánh nặng cho người tiêu dùng.
Ngành dịch vụ ăn uống của Hàn Quốc cũng cảm nhận được sức ép. Nhiều doanh nghiệp nhỏ dựa vào các món ăn có cải thảo, bao gồm kim chi, đã phải vật lộn để hấp thụ chi phí tăng cao, khiến một số nhà hàng tăng giá menu (thực đơn) hoặc giảm khẩu phần ăn.
Điều này có thể dẫn đến giảm chi tiêu chung của người tiêu dùng, làm trầm trọng thêm áp lực kinh tế mà đất nước đang phải đối mặt.
Hàn Quốc là quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực, với hơn một nửa nhu cầu lương thực của đất nước được đáp ứng bởi các nhà cung cấp quốc tế.
Sự phụ thuộc này khiến đất nước đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những gián đoạn trên thị trường lương thực toàn cầu.
Tình hình càng trở nên phức tạp do ngành nông nghiệp trong nước đang thu hẹp. Đất canh tác của Hàn Quốc bị hạn chế, và dân số trong lĩnh vực nông nghiệp đang già đi, tiếp tục làm giảm năng lực sản xuất lương thực trong nước.
Những yếu tố này kết hợp lại đặt an ninh lương thực của Hàn Quốc vào một thời điểm quan trọng. Khủng hoảng cải thảo hiện tại chỉ là một ví dụ về cách biến đổi khí hậu và sự phụ thuộc toàn cầu có thể đe dọa sự ổn định của nguồn cung lương thực./.