Cà Mau: Kiểm soát chặt chẽ tàu cá ‘‘3 không’’ ở Cà Mau
Việc sang bán tàu cá không khai báo, không thực hiện thủ tục đăng ký lại với cơ quan có thẩm quyền dẫn đến công tác quản lý, điều tra, xác minh đối với các trường hợp vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.
Tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh các biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động tàu cá, đặc biệt tàu cá thuộc diện ‘‘3 không’’ (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép).
Qua rà soát, tỉnh còn 274 tàu cá thuộc diện ‘‘3 không,’’ 65 tàu cá đã sang bán nhưng chưa thực hiện thủ tục sang tên.
Phần lớn các tàu cá ‘‘3 không’’ làm nghề ngư cụ cấm khai thác thủy sản, không theo định hướng quản lý nghề cá của tỉnh.
Việc sang bán tàu cá không khai báo, không thực hiện thủ tục đăng ký lại với cơ quan có thẩm quyền…, dẫn đến công tác quản lý, điều tra, xác minh đối với các trường hợp vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, các tàu cá này đã được ngành chức năng lập hồ sơ số hóa để theo dõi chặt chẽ theo đúng quy định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tăng cường phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm thực hiện có hiệu quả công tác chống khai thác IUU, tháo gỡ ‘‘Thẻ vàng’’ của Ủy ban châu Âu (EC) theo đúng tiến độ đề ra; trong đó nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát tàu cá ‘‘3 không,’’ khắc phục tình trạng này trong thời gian sớm nhất có thể.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết tỉnh hiện có hơn 4.330 tàu cá tàu cá hoạt động khai thác hải sản; trong đó 1.551 tàu cá có chiều dài trên 15 mét. Do số lượng tàu cá lớn nên công tác quản lý, kiểm soát hoạt động tàu cá được địa phương thực hiện bằng nhiều hình thức, giải pháp linh hoạt.
Cụ thể, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm soát tàu cá thông qua phần mềm quản lý liên thông kiểm soát tàu cá và ứng dụng bảng dữ liệu Excel Online trên nền tảng Google Sheets.
Cơ quan chức năng theo dõi, quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển và tàu cá nằm bờ. Đây là giải pháp ngăn chặn hữu hiệu tình trạng tàu cá vi phạm chống khai thác IUU, cũng như vi phạm vùng biển nước ngoài.
Cùng với đó, tỉnh triển khai các đề án, dự án nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản; trong đó quan tâm chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi, môi trường sinh thái, các dự án thuộc Khu bảo tồn biển của tỉnh.
Liên quan đến công tác quản lý hoạt động tàu cá trên biển, Đại tá Phạm Anh Chương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cho biết Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp chống khai thác IUU, sớm chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trên địa bàn tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác hải sản trái phép.
Bộ đội Biên phòng phát huy có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý, kiểm soát tàu cá phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát tàu cá trên địa bàn tỉnh và chống khai thác IUU; tuyên truyền, vận động 100% chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, không khai thác hải sản trái phép, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về chống khai thác IUU.
Cùng với đó là duy trì nghiêm quy trình công tác kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại các Trạm Kiểm soát Biên phòng; kiểm soát lưu động chốt, chặn tại các cửa sông không có Trạm Kiểm soát Biên phòng; kiên quyết không để tàu cá không đảm bảo thủ tục theo quy định, tàu cá “3 không” ra biển hoạt động và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chống khai thác IUU.
Bộ đội Biên phòng phát huy có hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ, nắm chắc tình hình trên biển, vùng biển giáp ranh, kịp thời phát hiện, xác minh, điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân môi giới, tổ chức đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; phối hợp với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển và các cơ quan chức năng của địa phương triển khai, rà soát, quản lý, theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu cá khai thác hải sản xa bờ, dài ngày trên biển./.