IMF: Đồng yen yếu có lợi cho nền kinh tế Nhật Bản

Trưởng phái đoàn IMF tại Nhật Bản cho biết đồng yen yếu có lợi cho nền kinh tế Nhật Bản do tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hơn so với sự gia tăng chi phí nhập khẩu.

Đồng 1000 yen của Nhật Bản. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bà Nada Choueiri, Trưởng phái đoàn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Nhật Bản, cho biết đồng yen yếu có lợi cho nền kinh tế Nhật Bản do tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hơn so với sự gia tăng chi phí nhập khẩu.

Trong một cuộc phỏng vấn, bà Choueiri khuyến nghị Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nên tiếp tục thận trọng, như họ đã làm từ trước đến nay, và nên thực hiện việc tăng lãi suất một cách từ từ, do triển vọng lạm phát vẫn còn nhiều bất ổn.

Đồng yen gần đây đã tiếp tục giảm so với đồng USD do kỳ vọng chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ vẫn ở mức cao. Điều này khiến Chính phủ Nhật Bản lo ngại về tác động tiêu cực đến các hộ gia đình do chi phí nhập khẩu tăng cao.

Tuy nhiên, bà Choueiri cho rằng lợi ích từ việc xuất khẩu tăng do đồng yen yếu đã vượt qua chi phí nhập khẩu tăng đối với Nhật Bản, một nền kinh tế "rất hướng ngoại." Do đó, sự mất giá của đồng yen về cơ bản có lợi cho tăng trưởng của Nhật Bản.

Sự sụt giảm của đồng yen đã khiến Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato đưa ra cảnh báo rằng những biến động "đơn phương, nhanh chóng" gần đây của đồng yen cần được "theo dõi chặt chẽ."

Sau khi kết thúc chương trình kích thích kinh tế kéo dài 10 năm hồi tháng 3/2024, BoJ đã tăng lãi suất ngắn hạn lên 0,25% vào tháng 7/2024 và báo hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu nền kinh tế tiến triển tốt hướng tới mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững.

IMF dự báo lạm phát của Nhật Bản sẽ đạt mức 2% một cách bền vững, nhờ nhu cầu trong nước, qua đó đáp ứng điều kiện tiên quyết cho việc tăng lãi suất.

Tuy nhiên, BoJ cần thận trọng trong việc tăng lãi suất do nhiều rủi ro khác nhau, chẳng hạn như tác động tiêu cực tiềm ẩn đến xuất khẩu từ sự phân mảnh thương mại, khả năng suy yếu của tiêu dùng và tăng trưởng tiền lương, cũng như tác động của biến động đồng yen lên lạm phát.

BoJ được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ngắn hạn ở mức 0,25% tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào tuần tới. Hầu hết các nhà kinh tế được Reuters thăm dò ý kiến đều dự báo BoJ sẽ tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 3/2025.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới được công bố trong tháng này, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản sẽ tăng tốc từ mức 0,3% trong năm nay lên 1,1% vào năm 2025 do tiền lương thực tế tăng thúc đẩy tiêu dùng.

Tân Thủ tướng Nhật Bản, ông Shigeru Ishiba đã cam kết sẽ lập ngân sách bổ sung để tài trợ cho một gói chi tiêu quy mô lớn khác sau cuộc tổng tuyển cử hôm 27/10.

Bà Choueiri cho biết việc lập ngân sách bổ sung nên được dành cho những thời điểm nền kinh tế gặp cú sốc lớn. Bất kỳ sự gia tăng chi tiêu nào cũng phải hướng vào các lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng, và nhắm mục tiêu vào những người cần hỗ trợ hơn là các khoản trợ cấp bao trùm như những khoản trợ cấp để kiềm chế chi phí nhiên liệu./.