Nhật Bản-Indonesia tăng cường tiếp xúc với Mỹ, "tìm kiếm đồng thuận thuế quan"

Nhiều nước trong đó có Nhật Bản và Indonesia đang đẩy mạnh các cuộc tiếp xúc kinh tế cấp cao với Mỹ nhằm tìm kiếm sự đồng thuận về thuế quan.

Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục siết chặt chính sách thương mại, nhiều nước trong đó có Nhật Bản và Indonesia đang đẩy mạnh các cuộc tiếp xúc kinh tế cấp cao nhằm tìm kiếm đồng thuận về thuế quan và ổn định tiền tệ.

Tại Tokyo, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato ngày 18/4 cho biết ông đang cân nhắc tổ chức cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent trong chuyến thăm Washington vào tuần tới.

Chuyến công du này diễn ra bên lề các cuộc họp mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), đồng thời dự kiến có các cuộc đàm phán đa phương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và hàng đầu thế giới (G20).

Theo ông Kato, các cuộc thảo luận với người đồng cấp Mỹ, nếu được sắp xếp, sẽ đề cập đến vấn đề ngoại hối, vốn từng được hai bên thống nhất duy trì tham vấn chặt chẽ từ cuộc họp trực tuyến hồi tháng Một.

Đây là nội dung trọng tâm trong bối cảnh Nhật Bản đang tìm cách xem xét lại các mức thuế quan toàn diện mà Mỹ đang áp dụng.

Cùng thời điểm, tại Washington, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto tuyên bố quốc gia Đông Nam Á này sẽ tăng cường nhập khẩu thực phẩm và hàng hóa từ Mỹ, đồng thời giảm đơn đặt hàng từ các quốc gia khác.

Động thái này là một bước đi nhằm xóa bỏ thặng dư thương mại với Washington và tránh mức thuế 32% mà Mỹ đang tạm hoãn trong 90 ngày.

Phát biểu qua nền tảng hội nghị trực tuyến Zoom, ông Airlangga cho biết Indonesia có kế hoạch tăng nhập khẩu từ Mỹ lên tới 19 tỷ USD, trong đó khoảng 10 tỷ USD dành cho lĩnh vực năng lượng.

Jakarta đặc biệt chú trọng mua lúa mỳ, đậu nành và máy móc chế biến nông sản, cũng như đàm phán đơn giản hóa thủ tục nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp Mỹ.

Ngoài ra, Indonesia sẽ đàm phán về các khoáng sản quan trọng và đơn giản hóa quy trình nhập khẩu các sản phẩm trồng trọt từ Mỹ.

Theo ông Airlangga, Indonesia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Mỹ đã và đang hoạt động tại Indonesia, trong các vấn đề liên quan đến giấy phép và ưu đãi.

Sau cuộc họp với Đại diện Thương mại và Bộ trưởng Bộ Thương mại của Mỹ, hai nước đã nhất trí hoàn tất các cuộc đàm phán trong vòng 60 ngày tới.

Trước đó, hôm 16/4, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio đã hội đàm với người đồng cấp Indonesia Sugiono để bàn về các chính sách thuế quan, hợp tác quốc phòng và an ninh khu vực.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hai bên đã thảo luận các biện pháp bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, đồng thời hoan nghênh nỗ lực cải cách kinh tế của Indonesia nhằm hướng tới mối quan hệ thương mại công bằng, cân bằng hơn./.