IMF cảnh báo về “cái giá” của chủ nghĩa bảo hộ thương mại

Tổng Giám đốc IMF Georgieva nhận định những chính sách bảo hộ đang gây thiệt hại cho các nền kinh tế nhỏ hơn và các thị trường mới nổi, làm tăng giá cả trên toàn thế giới và làm giảm năng suất.

Theo bài viết trên tờ New York Times ngày 17/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến công bố các dự báo mới cho thấy kinh tế thế giới năm nay sẽ tăng trưởng chậm hơn và lạm phát cao hơn so với dự báo trước đây.

Điều này phản ánh hệ lụy toàn cầu từ cuộc chiến tranh thương mại của Mỹ.

Các dự báo tăng trưởng, dự kiến được công bố vào đầu tuần tới, sẽ cung cấp chỉ dấu rõ ràng nhất cho đến nay về thiệt hại mà các chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây ra đối với nền kinh tế toàn cầu.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1/2025, ông Trump đã áp đặt hàng loạt thuế quan lên hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ, đồng thời tăng mạnh thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Canada và Mexico.

Phát biểu hôm 17/4 trước thềm các cuộc họp mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB), Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết: "Các dự báo tăng trưởng mới của chúng tôi sẽ bao gồm những điều chỉnh giảm đáng kể, nhưng chưa đến mức suy thoái. Chúng tôi cũng điều chỉnh tăng trong dự báo lạm phát đối với một số quốc gia.”

Bà Georgieva cũng bày tỏ lo ngại về “cái giá” của chủ nghĩa bảo hộ. Bà cho rằng: "Suy cho cùng, thương mại cũng giống như nước. Khi các quốc gia dựng lên những trở ngại dưới dạng hàng rào thuế quan và phi thuế quan, dòng chảy sẽ chuyển hướng."

Bà dự đoán một số lĩnh vực ở một số quốc gia có thể bị tràn ngập bởi hàng nhập khẩu giá rẻ, trong khi những lĩnh vực khác có thể bị thiếu hụt. Theo bà, thương mại vẫn tiếp diễn, nhưng sự gián đoạn sẽ làm phát sinh nhiều chi phí.

Bà lập luận rằng những chính sách bảo hộ đang gây thiệt hại cho các nền kinh tế nhỏ hơn và các thị trường mới nổi, làm tăng giá cả trên toàn thế giới và làm giảm năng suất.

Tăng trưởng toàn cầu chậm lại được dự đoán sẽ gây tác động đặc biệt nặng nề đối với các nước đang phát triển, vốn đã chậm phục hồi sau đại dịch. Khó khăn của các nước này càng thêm chồng chất khi phải đối mặt với sự cắt giảm viện trợ nước ngoài từ Mỹ.

Trước bà Georgieva, các quan chức kinh tế hàng đầu, bao gồm cả Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Chủ tịch WB cũng đã đưa ra cảnh báo trong tuần này về tác hại tiềm tàng từ các chính sách của ông Trump.

Chủ tịch Fed Jerome Powell mới đây cho biết Fed cũng đang cân nhắc cách điều hướng chính sách trong bối cảnh thuế quan của ông Trump có thể dẫn đến tăng trưởng chậm hơn và lạm phát cao hơn.

Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago, ông cho biết nhiệm vụ kép của Fed - tối đa hóa việc làm và ổn định giá cả - giờ đây đã trở nên khó khăn hơn.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 17/4 đã hạ lãi suất, cho rằng "triển vọng tăng trưởng đã xấu đi do căng thẳng thương mại gia tăng."

Ông Ajay Banga, Chủ tịch WB, trong tuần này đã hối thúc các nước đang phát triển hạ thấp rào cản thương mại để tránh thuế quan cao hơn của Mỹ và duy trì các mối quan hệ thương mại khu vực của riêng mình, khi hệ thống thương mại quốc tế đang chịu áp lực.

Ông cũng lưu ý rằng ông dự đoán tăng trưởng toàn cầu năm nay sẽ yếu hơn các dự báo trước đó. Ông Banga khuyến nghị các quốc gia cần quan tâm đến đàm phán và đối thoại - điều thực sự quan trọng trong giai đoạn này./.