Phát triển năng lượng nguyên tử để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thông điệp Việt Nam phát triển năng lượng nguyên tử, trong đó có điện hạt nhân, để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong thời gian tới.

Chiều 18/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành cho ý kiến về Đề án "Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình phục vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới."

Tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về năng lượng nguyên tử

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết quan điểm chủ đạo của dự thảo Nghị quyết là phát triển mạnh mẽ, ứng dụng rộng rãi năng lượng nguyên tử trong các ngành, lĩnh vực; phù hợp, đồng bộ với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan; bảo đảm an toàn cao nhất cho con người và môi trường, tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Phát triển điện hạt nhân là chương trình dài hạn, sử dụng công nghệ tiên tiến, an toàn và được kiểm chứng, góp phần đa dạng hóa nguồn cung và bảo đảm an ninh năng lượng, cung cấp nguồn điện nền ổn định phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Ưu tiên phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân, xác định công nghệ hạt nhân là công nghệ chiến lược. Tập trung phát triển năng lực, tiếp thu, làm chủ công nghệ hạt nhân, tiến tới sáng tạo công nghệ, gắn liền với chính sách đặc thù về đào tạo, sử dụng nhân lực chất lượng cao, trọng dụng đội ngũ chuyên gia, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hiện đại.

Theo dự thảo Nghị quyết, đưa ứng dụng năng lượng nguyên tử trở thành ngành kinh tế-kỹ thuật, hình thành ngành công nghiệp hạt nhân phục vụ phát triển đất nước, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc.

Hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách và hệ thống tổ chức quản lý tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, chú trọng hợp tác và hội nhập quốc tế trên cơ sở gia tăng nội lực đi đôi với tranh thủ ngoại lực.

Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, khi xây dựng đề án và dự thảo Nghị quyết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về năng lượng nguyên tử của Việt Nam. Trong từng nội dung của đề án cũng có sự tham vấn, phối hợp chặt chẽ của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế và các chuyên gia quốc tế.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành đã cho ý kiến về vấn đề phân cấp phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân; tầm nhìn tới năm 2050 của Nghị quyết; quy hoạch phát triển điện hạt nhân; đào tạo nhân lực; chế độ ưu đãi người làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; chế độ thu hút sinh viên vào học ngành điện hạt nhân và năng lượng nguyên tử.

Ứng dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình

Đánh giá cao Bộ Khoa học và Công nghệ đã khẩn trương xây dựng Đề án và dự thảo Nghị quyết, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Bộ rà soát lại các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về nội dung này trong thời gian gần đây, phối hợp với Tổ Biên tập Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế-Xã hội Đại hội XIV rà soát câu chữ cho tương thích giữa Nghị quyết với Văn kiện.

Phó Thủ tướng cũng nêu yêu cầu phải trau chuốt câu chữ, đúng văn phong Nghị quyết theo tinh thần đổi mới cách ra nghị quyết của Bộ Chính trị, vừa ngắn gọn, súc tích, vừa đảm bảo tính cụ thể, khả thi, hiệu quả. Cùng với đó, rà lại một số mục tiêu, làm rõ cơ sở tính toán đối với những mục tiêu có tính định lượng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh thông điệp Việt Nam phát triển năng lượng nguyên tử, trong đó có điện hạt nhân, để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong thời gian tới.

Vùng lõi dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 trước đây tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

"Ứng dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình, phát triển điện hạt nhân cho phát triển kinh tế, cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững," ông nêu rõ.

Cho ý kiến cụ thể về vấn đề phê duyệt chủ trương đầu tư, quy hoạch chương trình năng lượng nguyên tử, chính sách thu hút chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Khoa học và Công nghệ tranh thủ học hỏi kinh nghiệm các chuyên gia, tổ chức quốc tế, hợp tác với các nước phát triển đã làm chủ công nghệ và sẵn sàng có lộ trình chuyển giao, tìm hiểu tại sao họ thành công, tại sao thất bại, những khuyến cáo cho Việt Nam, tầm nhìn dài hạn đến năm 2050 và lộ trình, bước đi từng giai đoạn phù hợp với điều kiện, đặc điểm của nước ta./.