Lộ diện Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2024
Đánh giá về hoạt động của ngành ngân hàng trong năm nay, Tổng giám đốc Vietnam Report cho hay sang năm nay, thị trường đã ghi nhận mức đáy lãi suất ngân hàng do lạm phát cơ bản được duy trì ổn định.
Ngày 10/6 tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố danh sách Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2024.
Danh sách các ngân hàng được vinh danh năm nay gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong.
Ngoài ra, Vietnam Report còn công bố Top 10 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân uy tín năm 2024, bao gồm Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Hà Nội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á.
Các ngân hàng được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính là năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất, uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về ngân hàng trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng và kết quả khảo sát đối tượng nghiên cứu cùng các bên liên quan được thực hiện cập nhật đến tháng Năm vừa qua.
Đánh giá về tình hình hoạt động của ngành ngân hàng trong năm nay, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho hay sang năm 2024, thị trường đã ghi nhận mức đáy lãi suất ngân hàng do lạm phát cơ bản được duy trì ổn định. Điều này rất quan trọng giúp kích thích tăng trưởng tín dụng, đưa dòng vốn luân chuyển, nhanh chóng lấy lại nhịp tăng trưởng của nền kinh tế.
Cùng với đó, thị trường cũng đã có sự thích ứng với những chính sách cứng rắn từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để điều tiết thị trường phát triển lành mạnh; trong khi đó, một số chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng bắt đầu cho thấy hiệu quả.
Ngành ngân hàng đã có những kết quả lạc quan hơn trong quý 1 vừa qua. Tổng thu từ hoạt động ngân hàng đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giảm gần 3,3% so với quý 4 năm ngoái. Điểm tích cực nằm ở mức lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp ngân hàng đã tăng 10,2% so với cùng kỳ và tăng 7,9% so với quý trước.
Để có thể duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận trong điều kiện lãi suất ổn định ở mức thấp, các ngân hàng cần có mức biên lãi ròng (NIM) đủ để chống đỡ khi lãi suất tiếp tục là công cụ để cạnh tranh nhằm tận dụng lợi thế chi phí vốn thấp hoặc nguồn vốn dồi dào. Việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn trong thời kỳ trước cũng có thể làm giảm áp lực trích lập trong năm 2024, từ đó hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến mức lợi nhuận của ngân hàng. Ngoài ra, mức lợi nhuận cao còn có thể đạt được khi ngân hàng có tăng trưởng tín dụng mạnh
Theo ông Vinh, mức tăng trưởng tín dụng đầu năm nay còn ở khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra. Đến cuối tháng Năm vừa qua, tín dụng chỉ tăng 2,41% so với cuối năm ngoái (tương đương với mức tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái.) Dư nợ tín dụng đã tăng thêm gần 327.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay nhưng vẫn xa so với mục tiêu khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế trong năm nay.
Tăng trưởng tín dụng yếu đang làm trầm trọng thêm áp lực suy giảm chất lượng tài sản, nhất là khi những con số về nợ xấu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hơn nữa, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ mức lãi suất 5,25-5,5% liên tục từ tháng 7/2023 và bác bỏ khả năng giảm lãi suất trong thời gian tới, trung bình lãi suất huy động tại các ngân hàng trong nước đang thấp hơn con số trên làm tăng áp lực tỷ giá, có thể tạo hiệu ứng bán ròng của khối ngoại.
Ngay trong tháng Năm năm nay, khối ngoại bán ròng khoảng 19.000 tỷ đồng trên toàn thị trường chứng khoán, nâng con số bán ròng từ đầu năm đến nay lên tới 36.000 tỷ đồng, đây là mức bán ròng kỷ lục.
Lãi suất của Fed là chỉ báo quan trọng về nhiều khía cạnh, nếu mức lãi suất Fed neo ở mức cao, ngành ngân hàng vẫn có thể còn giảm sút hơn nữa trong năm nay. Tuy nhiên, dù thị trường có thể chưa hoàn toàn thuận lợi nhưng với mức nền thấp của năm ngoái, ngành ngân hàng Việt Nam vẫn sẽ có mức tăng trưởng tương đối tích cực.
Theo kết quả khảo sát chuyên gia và các ngân hàng trong năm 2024 do Vietnam Report thực hiện cho thấy triển vọng tăng trưởng của ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm nay sẽ cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái với tỷ lệ 67,8%, tăng vượt bậc so với mức 14,3% trong khảo sát tương tự vào năm ngoái và cao hơn những gì đã được ghi nhận ở năm 2021 và năm 2023./.