Thị trường hàng hóa châu Á ngóng chờ cuộc họp chính sách của Fed
Tại châu Á, giá dầu tăng do đồng USD mạnh lên; giá vàng đi ngang sau phiên lao dốc trước đó, trong khi chứng khoán đi xuống khi các nhà giao dịch giảm tỷ lệ đặt cược vào việc Fed cắt giảm lãi suất.
Giá dầu tại châu Á đi lên
Giá dầu tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 10/6, được hỗ trợ bởi kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu tăng trong mùa Hè này. Dù vậy, đồng USD mạnh lên được thúc đẩy bởi khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn cắt giảm lãi suất đã hạn chế đà tăng.
Cuối phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 15 xu Mỹ, tương đương 0,2%, lên 79,77 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,1%, tương đương 10 xu Mỹ, lên mức 75,63 USD/thùng.
Cuối tuần trước, dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bổ sung thêm nhiều việc làm hơn dự kiến vào tháng 5/2024, khiến các nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất, điều này đã giúp đồng USD tăng giá.
Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này như dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Trong khi đó, đồng euro chịu áp lực giảm giá trong phiên này, phản ánh sự bất ổn trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các cuộc bầu cử lập pháp nhanh chóng vào cuối tháng 6/2024.
Ông Tony Sycamore, một nhà phân tích của sàn giao dịch hàng hóa IG cho biết, thị trường hiện đang tập trung vào cuộc họp của Fed và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong tuần này.
Dầu Brent và dầu WTI đã ghi nhận tuần giảm thứ ba liên tiếp vào tuần trước do lo ngại rằng kế hoạch dỡ bỏ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, từ tháng 10/2023 sẽ làm tăng thêm nguồn cung toàn cầu.
Saudi Arabia đã sẵn sàng huy động hơn 11,2 tỷ USD bằng cách bán thêm cổ phiếu của công ty dầu mỏ khổng lồ Aramco, gây quỹ mới cho các kế hoạch chi tiêu của quốc gia này.
Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs kỳ vọng giá dầu Brent sẽ tăng lên 86 USD/thùng trong quý 3/2024.
Giá vàng ổn định phiên đầu tuần
Giá vàng đi ngang phiên giao dịch ngày 10/2, sau khi lao dốc trong phiên trước đó, do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) tạm dừng mua vàng và dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Mỹ làm giảm hy vọng về việc Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Cụ thể, chiều phiên này, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay không đổi so với phiên trước đó, đứng ở mức 2.296,17 USD/ounce. Trong khi giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,5%, xuống 2.313,30 USD/ounce.
Giá vàng giảm 3,5% vào phiên cuối tuần trước (7/6), mức giảm theo ngày lớn nhất kể từ tháng 11/2020, sau báo cáo việc làm tốt hơn mong đợi của Mỹ và PBoC tạm dừng mua vàng dự trữ vào tháng 5/2024, sau 18 tháng mua ròng liên tiếp.
Ông Kelvin Wong, nhà phân tích thị trường cấp cao khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại công ty tài chính OANDA, cho biết: “Xu hướng tăng trung hạn đã hình thành kể từ tuần trước hoặc lâu hơn đang có nguy cơ quay đầu dưới góc độ kỹ thuật.”
Tỷ lệ đặt cược về việc Fed cắt giảm lãi suất trong tháng 9/2024 đã giảm từ 70% xuống khoảng 50%, trước khi có dữ liệu việc làm tháng Năm của Mỹ.
Fed dự kiến sẽ không thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong cuộc họp chính sách sắp tới, nhưng trọng tâm sẽ là các nhận xét từ Chủ tịch Fed Jerome Powell và những thay đổi đối với dự báo kinh tế từ các nhà hoạch định chính sách.
Dữ liệu lạm phát của Mỹ cũng sẽ được công bố vào ngày 12/6.
Phiên này, giá bạc giao ngay tăng 1,4% lên 29,58 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 1%, lên mức 973,40 USD/ounce và giá palladium tăng 0,2%, lên 914,21 USD/ounce.
Còn tại Việt Nam, phiên chiều 10/6 Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Chứng khoán châu Á ảm đạm khi kỳ vọng hạ lãi suất của Mỹ giảm
Chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 10/6, khi các nhà giao dịch giảm mạnh tỷ lệ đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất của Fed trong năm nay, do thị trường lao động Mỹ vẫn còn thắt chặt.
Trong khi đó, cuộc kêu gọi bầu cử nhanh chóng ở Pháp đã làm dấy lên những lo ngại về bất ổn chính trị rộng lớn hơn và đè nặng lên đồng euro.
Ông Rob Carnell, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ING cho biết: “Sẽ rất khó để tiếp tục theo đuổi dự đoán Fed sẽ thực hiện ba lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.”
Phiên này, nhìn chung giao dịch tại các thị trường châu Á diễn ra khá thưa thớt, khi các sàn chứng khoán tại Australia, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) đồng loạt đóng cửa nghỉ lễ.
Tuy nhiên, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) vẫn giảm 0,33%.
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 354,23 điểm, tương đương 0,92%, lên 39.038,16 điểm, dẫn dắt bởi các cổ phiếu liên quan tới xuất khẩu, hưởng lợi từ việc đồng yen suy yếu so với đồng USD.
Chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa giảm điểm vào phiên 10/6, khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi cuộc họp ấn định lãi suất của Fed vào cuối tuần này.Khép phiên, chỉ số Kospi mất 21,5 điểm, tương đương 0,79%, đóng cửa ở mức 2.701,17 điểm.
Chốt phiên giao dịch ngày 10/6, tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 3,09 điểm lên 1.290,67 điểm.
Khối lượng giao dịch đạt hơn 858,6 triệu đơn vị, tương ứng gần 21.628 tỷ đồng. Toàn sàn có 243 mã tăng giá, 193 mã giảm giá và 64 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 0,59 điểm lên 245,58 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 89 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.851 tỷ đồng.
Toàn sàn có 109 mã tăng giá, 68 mã giảm giá và 69 mã đứng giá. UPCOM-Index tăng 0,7 điểm lên 99,56 điểm.Khối lượng giao dịch đạt hơn 79,8 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.302,7 tỷ đồng.
Toàn sàn có 204 mã tăng giá, 108 mã giảm giá và 81 mã đứng giá./.