Singapore kiểm tra kỹ lưỡng nhóm khách hàng giàu có sau bê bối rửa tiền 3 tỷ USD
Các ngân hàng đang “bịt kín” những lỗ hổng trong các giao dịch tương lai sau khi cảnh sát triệt phá một đường dây rửa tiền quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại nước này năm 2023.
Nhiều ngân hàng “tên tuổi” ở Singapore đang đẩy mạnh kiểm tra kỹ lưỡng nhóm khách hàng giàu có cũng như khách hàng tiềm năng nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn những giao dịch liên quan đến rửa tiền.
Động thái này nhằm “bịt kín” những lỗ hổng trong các giao dịch tương lai sau khi cảnh sát Singapore triệt phá một đường dây rửa tiền quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại quốc gia Đông Nam Á này năm 2023.
Tờ Strait Times ngày 10/6 dẫn các nguồn thạo tin cho biết những ngân hàng đang đẩy mạnh bước đi như vậy sau khi vướng vào đường dây nói trên bao gồm chi nhánh tại Singapore của Citigroup - tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng đầu tư đa quốc gia có trụ sở ở New York (Mỹ) và DBS Group Holdings (thuộc tập đoàn dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia có trụ sở ở Vịnh Marina, Singapore).
Bên cạnh đó, một số tổ chức tài chính khác cũng đang triển khai đào tạo cho bộ phận liên quan làm việc tại ngân hàng tư nhân ở Singapore, giúp nhanh chóng phát hiện những thủ đoạn mà tội phạm rửa tiền thường sử dụng để che giấu lý lịch cá nhân và nguồn tiền.
Bước đi trên, được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, là nỗ lực mới nhất của ngành ngân hàng Singapore trong việc ngăn chặn hoạt động giao dịch bất hợp pháp sau khi cảnh sát nước này triệt phá vụ bê bối rửa tiền trị giá hơn 3 tỷ USD hồi tháng 8/2023.
Một nhóm tội phạm nước ngoài thu được số tiền này từ đánh bạc bất hợp pháp từ xa và sau đó rửa tiền thông qua ít nhất 16 thể chế tài chính ở Singapore.
Gần đây, Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS - ngân hàng trung ương) đã hoàn thành đợt thanh tra trực tiếp tại một số ngân hàng vướng vào vụ việc nói trên. Khi xem xét kết quả thanh tra, MAS sẽ đánh giá liệu các thể chế tài chính đã thực hiện đầy đủ và thích hợp các biện pháp kiểm soát hoạt động rửa tiền hay chưa.
Nếu chưa, MAS có thể áp đặt những biện pháp cứng rắn đối với những ngân hàng vướng vào các giao dịch lớn nhất trong vụ bê bối trên, thông qua tài khoản tiền gửi, khoản vay và các dịch vụ tài chính khác. Cơ chế cứng rắn này có thể là phạt tiền hoặc các xử lý hành chính khác.
Sau vụ bê bối rửa tiền năm ngoái, Chính phủ Singapore đã thiết lập một ủy ban liên bộ để đánh giá về chính sách chống rửa tiền và tăng cường các biện pháp bảo vệ không chỉ trong ngành ngân hàng tài chính mà còn trong lĩnh vực khác như bất động sản và giao dịch kim loại quý./.