Giải pháp cấp bách khơi thông, lan tỏa hàng Việt tới người tiêu dùng
Là địa phương lớn của cả nước, Hà Nội với dân số gần 10 triệu người, nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội rất lớn trong khi doanh nghiệp chỉ đáp ứng được từ 30-65% nhu cầu của người dân.
Người tiêu dùng Việt tiếp tục cắt giảm mua sắm đang là mối lo hiện hữu khi nhìn vào kết quả khảo sát mới nhất. Đằng sau mối lo này là sức cạnh tranh đầy khốc liệt trên sân nhà đang cần doanh nghiệp nội địa đủ sức để chống đỡ, tính toán lại về chiến lược và mô hình kinh doanh, thích ứng linh hoạt phương thức bán hàng bằng công nghệ mới hiệu quả.
Do đó, việc xây dựng chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp phân phối là việc làm cấp bách giúp khơi thông đầu ra cho hàng hoá cũng như tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn.
Tại một cuộc khảo sát mới đây về hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2024 cho thấy có tới 40% người tiêu dùng trong nước chia sẻ sẽ tiếp tục cắt giảm chi tiêu trong thời gian tới. Cùng đó, khoảng gần 1/3 số người tiêu dùng được khảo sát (30%) cho biết mức chi tiêu mua sắm năm 2024 sẽ tăng hơn chút ít và 30% người tiêu dùng cho biết không thay đổi mức mua sắm so với năm 2023.
Nhận định xung quanh vấn đề này, các chuyên gia thương mại bày tỏ lo ngại bởi ít nhất trong nửa năm đầu 2024 doanh nghiệp Việt sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong việc chủ động liên kết, tạo đầu ra cho sản phẩm và chinh phục người tiêu dùng trong nước. Hơn nữa, nhiều địa phương mặc dù có mô hình sản xuất sản phẩm tốt nhưng rất khó khăn trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp bán lẻ.
Nguyên nhân là do sản xuất quy mô nhỏ nên doanh nghiệp phân phối thiếu thông tin để có thể liên kết tiêu thụ sản phẩm. Cùng đó, khoảng trống giữa doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong chuỗi liên kết hiện nay ở thế mạnh ai nấy chạy nên khó xây dựng chuỗi cung ứng.
Là địa phương lớn của cả nước, Hà Nội với dân số gần 10 triệu người, nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội rất lớn trong khi doanh nghiệp chỉ đáp ứng được từ 30-65% nhu cầu của người dân.
Bởi vậy, Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối cung-cầu giữa các tỉnh, thành trên cả nước qua đó hỗ trợ các địa phương đưa sản phẩm về Thủ đô tiêu thụ.
Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh: Hà Nội cùng với 30 tỉnh, thành phố triển khai nhiều hoạt động kết nối cung- cầu hàng hóa phục vụ thị trường Thủ đô.
Cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Trị, Bắc Kạn, Tây Ninh, Hải Dương... làm việc trực tiếp với hệ thống phân phối Hà Nội để giới thiệu, kết nối sản phẩm đặc sản, đặc trưng.
Ngoài ra, thành phố đã tổ chức trên 40 hoạt động giao thương, hội chợ, tuần hàng tại Hà Nội và các tỉnh tổ chức qua đó giới thiệu 3.000 sản phẩm của 30 tỉnh, thành đến hệ thống phân phối Hà Nội. Qua đó, riêng năm 2023 thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các tỉnh, thành tiêu thụ trên 500.000 tấn sản phẩm hàng Việt.
Khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Co.opmart, Vinmart, Hapro… cho thấy, hàng Việt đang chiếm tỷ lệ áp đảo với 90-95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ từ 60-90%.
Thực tế, doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị điện máy lớn như Big C, Aeon Mall, Winmart, Pico... đã bám sát chương trình khuyến mại của Bộ Công Thương, Sở Công Thương liên tục triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại, giảm giá sản phẩm Việt Nam; từ đó góp phần kích cầu tiêu dùng hàng Việt.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung- Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội, qua chương trình khuyến mại, kết nối tiêu thụ hàng hóa, siêu thị Co.opmart có thêm nhà cung cấp mới, tạo cơ hội để doanh nghiệp, hợp tác xã đưa hàng hóa, nông sản Việt vào hệ thống siêu thị lâu dài, ổn định.
Đại diện một số siêu thị trên địa bàn cũng nêu rõ, thực tế quá trình thu mua nông sản cho thấy các tỉnh còn ít doanh nghiệp đầu mối quy mô lớn thu mua hàng hóa, khiến doanh nghiệp Hà Nội gặp khó khăn trong quá trình thu mua lượng hàng lớn khi có nhu cầu.
Hơn nữa, sự phối hợp của địa phương nhiều lúc chưa kịp thời để có thể đáp ứng yêu cầu đột xuất của thị trường khiến việc triển khai hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn.
Nguyên nhân khiến việc liên kết vùng chưa thực sự chặt chẽ là do nhiều địa phương còn tư tưởng cục bộ. Cùng đó, một số tỉnh, thành chưa có chính sách đủ mạnh để huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước tham gia đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, vẫn còn tình trạng các địa phương mạnh ai nấy làm.
Mặc dù đã có những bước tiến khả quan, song thực tế cho thấy quá trình tạo dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự bền vững. Theo Bộ Công Thương, hiện lượng hàng hóa tiêu thụ qua chương trình kết nối chỉ chiếm từ 15 - 20% sản lượng.
Lý giải nguyên nhân này, Bộ Công Thương nêu rõ việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chưa hình thành các vùng sản xuất hàng hóa số lượng lớn để thu hút doanh nghiệp quy mô lớn tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi.
Nhằm đưa sản phẩm nông sản vào hệ thống bán lẻ hiện đại tiêu thụ, bà Phạm Thị Lý- Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Tiến Dương (huyện Đông Anh) cho biết đã chuyển đổi phương pháp canh tác theo hướng bền vững, an toàn, đẩy mạnh dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, đơn vị đã đẩy mạnh quảng bá, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp bán lẻ để có đầu ra cho sản phẩm bền vững.
“Với việc dán tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa đã tạo điều kiện cho sản phẩm của hợp tác xã được doanh nghiệp bán lẻ chấp thuận cho tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm,” bà Phạm Thị Lý bày tỏ.
Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, trong năm 2024 Sở sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, kế hoạch phát triển thương mại điện tử thành phố giai đoạn 2021-2025. Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, trưng bày, triển lãm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm sản xuất tại Đà Nẵng...
Tương tự, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op thông tin rằng, đơn vị sẽ xây dựng chính sách ưu đãi (ưu tiên thuê diện tích quầy kệ, vị trí trưng bày sản phẩm), chương trình khuyến mãi phù hợp, áp dụng tại các điểm bán trên toàn quốc để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đạt danh hiệu “Doanh nghiệp xanh.”
Còn với MM Mega Market, ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc thương mại của MM Mega Market cũng khẳng định, với hệ thống trạm trung chuyển hàng hóa đã vận hành suốt 18 năm, các nhà cung cấp chỉ cần ký kết hợp đồng hay thỏa thuận thương mại với MM Mega Market, hàng hóa sẽ tự động đi về kênh phân phối các cửa hàng của MM Mega Market. Việc này giúp hàng hoá tiêu thụ nhiều và đến tay người tiêu dùng cả nước nhanh hơn.
Để đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng Việt, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định: Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, nhất là ứng dụng thương mại điện tử nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng.
Mặt khác, Bộ sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường thiết yếu, kết nối hàng Việt, doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, tăng cường đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối các nhà cung cấp, doanh nghiệp Việt Nam với đối tác, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết, nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chất lượng của hàng Việt, qua đó tạo chuyển biến về ý thức giúp hàng Việt tới gần hơn với người tiêu dùng./.