“Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu, thiếu điện trong mọi tình huống”
Xăng dầu, điện là mặt hàng chiến lược, do đó Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu không để gián đoạn nguồn cung, không để thiếu điện-xăng dầu trong mọi tình huống, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Sáng 6/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đi kiểm tra công tác đảm bảo xăng dầu - điện Tết Nguyên đán 2024 và chúc Tết một số doanh nghiệp ngành năng lượng như Tổng Công ty xăng dầu quân đội (Mipecorp), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), Trạm biến áp 220kV Long Biên và Cửa hàng xăng dầu Petrolimex Trần Quang Khải.
Lên kịch bản các tình huống khác nhau
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Đào Nam Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết nhằm đảm bảo xăng dầu năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán, Petrolimex đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch tạo nguồn ngay từ cuối năm 2023.
Theo đó, cuối tháng 12/2023, Petrolimex đã xây dựng kế hoạch nhập khẩu dài hạn khoảng 70% so với dự kiến đơn vị có thể bán ra. Trong tháng 1/2024, Tập đoàn đã nhập khẩu trên 1 triệu m3 xăng dầu các loại, tăng hơn 10% so với cùng kỳ và tăng khoảng 10% so với tổng nguồn Bộ Công Thương phân giao bình quân một tháng cho Petrolimex. Tập đoàn cũng lên các kịch bản để ứng phó với những tình huống khác nhau.
Petrolimex kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến đến các địa phương tạo điều kiện cấp phép cho xe bồn xăng dầu được chạy ban ngày vào các thành phố lớn. Bên cạnh đó, để hạn chế rủi ro, Tập đoàn kiến nghị Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đầu mối khác để đảm bảo nguồn cung cho thị trường; sớm ban hành quy chuẩn quốc gia về yêu cầu kỹ thuật đối với xăng dầu cũng như tháo gỡ một số khó khăn về chính sách…
Phát biểu tại các đơn vị xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận những thành tích của Petrolimex, Mipecorp và đánh giá cao sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên trong việc bảo đảm nguồn hàng, tổ chức bán hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, góp phần bình ổn giá cả thị trường theo định hướng của Nhà nước.
Tại các đơn vị, Bộ trưởng nhấn mạnh xăng dầu, điện là mặt hàng chiến lược không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn an ninh quốc phòng và toàn xã hội. Do đó, mục tiêu quan trọng nhất là không để gián đoạn nguồn cung, không để thiếu điện-xăng dầu trong mọi tình huống, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Theo Bộ trưởng, bước sang năm 2024, dự báo sẽ là năm tiếp tục khó khăn đối với công tác đảm bảo cung ứng xăng dầu trong nước do tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục nhiều diễn biến phức tạp (cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột tại Ukraine, dải Gaza có thể còn kéo dài, nguy cơ xung đột tại khu vực Biển Đỏ… tiềm ẩn đứt gãy chuỗi cung ứng, gây gián đoạn thương mại quốc tế và dòng chảy năng lượng toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ; kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm; triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn…) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung và giá cả xăng dầu thế giới. Do đó, các doanh nghiệp như Petrolimex, Mipecorp cần phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, phát triển mạnh hơn nữa mạng lưới; chủ động, xây dựng các phương án dự phòng để trong mọi tình huống đều đảm bảo đủ xăng, dầu cho nền kinh tế.
Để bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước năm 2024 và dịp Tết, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị 2 doanh nghiệp cần quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Bộ Công Thương, đồng thời tổ chức tốt công tác tạo nguồn, bán hàng, bám sát diễn biến thị trường để đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu tiêu thụ của xã hội, phục vụ phát triển kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia tại mỗi địa bàn; Bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường trong và sau dịp Tết.
Bộ trưởng lưu ý 2 doanh nghiệp tiếp tục rà soát các quy định, chủ động đề xuất về những cơ chế chính sách hoặc những giải pháp tình thế, đặc thù để có thể đối phó một cách hiệu quả đối với diễn biến của thị trường xăng dầu thế giới, đồng thời chia sẻ trách nhiệm với các đơn vị xăng dầu khác.
Đối với kiến nghị của Tập đoàn Petrolimex về việc cấp phép cho xe bồn vận chuyển xăng dầu trong dịp Tết Giáp Thìn tại 1 số thành phố lớn, Bộ trưởng đã giao cho đơn vị chức năng có công văn hoả tốc gửi các bộ, ngành liên quan hỗ trợ giải quyết ngay trong chiều 6/2.
Về các kiến nghị khác của các đơn vị, Bộ trưởng nhấn mạnh, những lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Bộ, Bộ sẽ nhanh chóng xem xét giải quyết, những kiến nghị vượt thẩm quyền hoặc ngoài phạm vi sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.
Sẵn sàng giải pháp cung ứng điện
Đối với việc cấp điện, báo cáo của EVN, Tổng công ty Truyền tải cho thấy các đơn vị từng khối đã xây dựng kế hoạch, phương án; EVN đã chỉ đạo triển khai công tác đảm bảo cung ứng điện cho dịp Tết Nguyên đán năm 2024.
Đặc biệt, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cũng đã triển khai phương án, bố trí nguồn điện hợp lý đảm bảo đủ công suất dự phòng cho hệ thống tại mọi thời điểm. Đảm bảo số tổ máy để điều chỉnh công suất vô công. Với lưới điện, đảm bảo giới hạn truyền tải trên các mạch đường dây 500kV và các đường dây 220kV liên kết miền trong giới hạn cho phép, có dự phòng cho các trường hợp sự cố và bất thường. Đảm bảo nhiên liệu than, khí đáp ứng yêu cầu sản xuất điện các ngày Tết.
“Cho đến thời điểm này đã hoàn tất việc chuẩn bị, đảm bảo hệ thống điện an toàn và sẵn sàng vận hành cấp điện trước trong, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn,” lãnh đạo EVN khẳng định và cam kết sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý, cần rút kinh nghiệm từ tháng 6 năm ngoái để có những phương án, kế hoạch huy động nguồn điện hợp lý, quản lý vận hành đường dây an toàn, hạn chế thấp nhất các sự cố xảy ra; phân công lực lượng ứng trực 24/7.
Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, thiết bị, phương tiện để khắc phục nhanh nhất sự cố (nếu có); tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng địa phương đảm bảo an toàn điện, phòng chống cháy nổ và có báo cáo hàng ngày tới Bộ Công Thương, với tinh thần là không để thiếu điện trong mọi tình huống dịp Tết Nguyên đán 2024, đặc biệt là ở các thành phố lớn, trung tâm chính trị, cơ sở quan trọng cũng như các sự kiện, nơi tổ chức các hoạt động vui Xuân, đón Tết của người dân.
Trong và sau Tết, ngành điện tiếp tục phối hợp với đơn vị chức năng rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật; đẩy mạnh thi công các công trình nguồn điện và lưới điện, đặc biệt là dự án đường dây 500kV mạch 3 để hoàn thành đúng hạn theo Chỉ đạo của Thủ tướng; các đường dây truyền tải nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam; triển khai các phương án cấp điện mùa khô năm 2024.
Trước đó, Bộ Công Thương đã có Công văn số 688/BCT-TTTN gửi các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu; thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-BCT; Thông báo số 01/TB-BCT ngày 3/1/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc triển khai Công điện số 1437/CĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong mọi tình huống.
Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu thực hiện nghiêm túc kế hoạch sản xuất đã đăng ký với Bộ Công Thương, chủ động nguồn cung xăng dầu, thực hiện việc dự trữ xăng dầu phù hợp, bảo đảm cung cấp xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo sản lượng, thời gian đã ký kết giữa các bên.
Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 đã được phân giao và kế hoạch thực hiện tổng nguồn hàng quý đã đăng ký với Bộ Công Thương, chủ động nguồn cung xăng dầu, thực hiện việc dự trữ xăng dầu theo quy định, không để gián đoạn nguồn cung; bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống và phải có báo cáo Bộ Công Thương kịp thời để có giải pháp xử lý.
Đối với công tác cấp điện, yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập phương án vận hành và huy động hợp lý các nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia đảm bảo cung cấp điện an toàn tuyệt đối cho các sự kiện chính trị, văn hóa lớn, các dịp nghỉ Lễ, Tết trong năm 2024; đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân trong cả năm 2024, không để thiếu điện trong mọi tình huống.
Trước các dịp nghỉ Lễ, Tết và các sự kiện chính trị, văn hóa lớn trong năm 2024, báo cáo Bộ Công Thương (thông qua Cục Điều tiết điện lực) về phương án cung cấp điện, vận hành hệ thống điện và đầu mối chỉ đạo, điều hành và cung cấp thông tin.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam: Xây dựng phương án cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu) đảm bảo đầy đủ, liên tục và ổn định cho nhu cầu phát điện các nhà máy điện; Chỉ đạo, đôn đốc đảm bảo vận hành tin cậy các nhà máy điện do Tập đoàn quản lý để đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống.
Các đơn vị phát điện tuyệt đối tuân thủ lệnh điều độ của cấp điều độ có quyền điều khiển, thực hiện chế độ trực ca vận hành và báo cáo tình hình vận hành, sự cố của nhà máy điện theo đúng quy định hiện hành./.