Các gia đình tại Nhật Bản tiếp tục siết chặt hầu bao
Tiền lương thực tế của Nhật Bản giảm và chi tiêu hộ gia đình tiếp tục giảm trong tháng 12/2023 cho thấy lạm phát vượt xa mức phục hồi tiền lương và tiếp tục đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng.
Chi tiêu hộ gia đình tháng 12/2023 của Nhật Bản giảm 2,5%, cao hơn so với mức dự báo giảm trung bình 2,1% trước đó của thị trường. Đây là tháng thứ 10 liên tiếp chi tiêu hộ gia đình tại Nhật Bản giảm.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 6/2 cho thấy chi tiêu cho các hàng hóa lâu bền trong gia đình như máy điều hòa không khí giảm do thời tiết ấm áp, trong khi người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn cho việc đi ăn ngoài và các hàng hóa liên quan đến ôtô.
Bộ Nội vụ và Truyền thông nước này cho biết các hộ gia đình có từ hai người trở lên chi trung bình 329.518 yen (2.200 USD). Dữ liệu này là chỉ số chính về tiêu dùng cá nhân, chiếm hơn một nửa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước.
Trong khi đó, tiền lương thực tế của Nhật Bản trong tháng 12/2023 đã giảm 1,9% so với một năm trước đó, do mức tăng lương không tương ứng với mức tăng giá.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cho biết trong một báo cáo sơ bộ vào năm 2023, tiền lương thực tế năm 2023 đã giảm trong năm thứ hai liên tiếp với mức giảm 2,5%.
Tiền lương thực tế của Nhật Bản giảm và chi tiêu hộ gia đình tiếp tục giảm trong tháng 12/2023 cho thấy lạm phát vượt xa mức phục hồi tiền lương và tiếp tục đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng.
Xu hướng tiền lương của Nhật Bản, cùng với lạm phát, được theo dõi chặt chẽ vì Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) coi cả hai chỉ số này là một trong những dữ liệu quan trọng cần xem xét để chuẩn bị loại bỏ chính sách nới lỏng tiền tệ lớn của mình.
Thủ tướng Fumio Kishida đã nhiều lần kêu gọi lãnh đạo doanh nghiệp tăng lương nhiều hơn năm ngoái để giúp người lao động chống lạm phát. Nhật Bản cần giá cả tăng nhờ nhu cầu và mức lương cao hơn, nhưng thay vào đó lại bị ảnh hưởng bởi lạm phát do giá năng lượng tăng và đồng yen yếu.
Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren), tổ chức vận động hành lang kinh doanh lớn nhất Nhật Bản, và các công đoàn đã bắt đầu các cuộc đàm phán lao động thường niên vào đầu tháng này, điều này có thể mở đường cho BOJ thoát khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo kéo dài hàng thập niên của mình.
Tháng trước, Keidanren cũng kêu gọi tăng lương trong năm nay để vượt qua tỷ lệ lạm phát, tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán về lương hằng năm. Các cuộc đàm phán lao động năm ngoái đã mang lại mức tăng lương gần 3,6%, cao nhất trong 3 thập niên./.