Doanh nghiệp đề xuất các hãng tàu chung tay để thúc đẩy xuất nhập khẩu
Trước việc căng thẳng tại Biển Đỏ, Bộ Công Thương đề nghị các hãng tàu cần duy trì tuyến, đưa container rỗng về để đảm bảo cho hoạt động xuất nhập khẩu, thực hiện đúng quy định về giá cước, phụ phí.
Tại cuộc họp thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu do tình hình tại Biển Đỏ do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 6/2, tại Hà Nội, đại diện các doanh nghiệp mong muốn các hãng tàu chung tay giúp giảm bớt gánh nặng về chi phí, qua đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu cũng như vượt qua giai đoạn khó khăn.
Áp lực khi chi phí tăng cao
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản (Vasep) bày tỏ quan ngại thực sự khi chi phí vận chuyển hàng đông lạnh tăng 3,5-4 lần sang châu Âu, trong khi sang Bờ Tây nước Mỹ tăng 70% trong thời gian gần đây.
Công với áp lực về đơn hàng xuất khẩu thì việc chi phí tăng cao như trên đã tạo khó cho ngành hàng của doanh nghiệp thuộc Vasep. Do đó, ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất cần có sự chung tay, hỗ trợ và tham gia tích cực của các hãng tàu.
“Đặt trong bối cảnh năm 2023 khi hàng nhập và hàng xuất giảm 30-40%, đồng nghĩa các hãng tàu cắt giảm tàu mẹ, cộng thêm tăng thời gian vận chuyển lên tới 10-14 ngày rõ ràng độ trễ tăng gấp đôi, nên cần phối hợp của các hãng tàu và hỗ trợ của các cơ quan chức năng,” ông Nguyễn Hoài Nam nêu ý kiến.
Trong khi đó, với ngành Dệt may Việt Nam, thị trường Mỹ và châu Âu chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Trước những diễn biến tại khu vực Biển Đỏ, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng hiện đa phần các doanh nghiệp chọn hình thức CIF và FOB (hình thức bán hàng mà người bán giao hàng qua lan can tàu theo đúng thời gian, địa điểm đã được thỏa thuận), do vậy việc ảnh hưởng trực tiếp chưa rõ, song với tình hình Biển Đỏ, khi có rủi ro xảy ra thì các nhãn hàng có yêu cầu chia sẻ nhất định để giảm tổn thất cho họ.
Nêu thêm với ngành dệt may, trong điều kiện bình thường, khách hàng đã yêu cầu các doanh nghiệp phải giao hàng nhanh, trong khi thời gian vận chuyển kéo dài thêm từ 10-15 ngày khiến thời gian sản xuất bị co hẹp lại. Vì vậy, áp lực cho các doanh nghiệp là làm thế nào phải tập trung sản xuất để giao hàng đúng hạn.
“Các doanh nghiệp có đơn hàng cũng phải tập trung sản xuất và giao hàng sớm, nhưng đáng lo ngại nhất là không lường được sự việc khi nào khó khăn kết thúc, nếu kéo dài xung đột, chắc chắn khách hàng sẽ yêu cầu giảm thêm chi phí để bù đắp tổn thất, đặc biệt là quý 2 trở đi. Do đó, cần có thông tin sớm để tạo sự chủ động cho doanh nghiệp," ông Cẩm nói.
Đại diện Vitas cũng đề xuất các hãng tàu xem xét việc các phụ phí tăng thêm, trường hợp có thay đổi cần phải minh bạch và thông báo sớm để doanh nghiệp xuất khẩu có thể chủ động thích ứng.
Còn theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Tiêu và Cây gia vị Việt Nam, trong bối cảnh khó khăn chung, một số hãng tàu áp dụng phụ thu nhưng không báo trước cho doanh nghiệp và không thông qua đối thoại là chưa phù hợp, do vậy bà đề nghị có chế tài đối với các hãng tàu, cũng như niêm yết giá ở cảng một cách công khai minh bạch.
Chủ động ứng phó
Hiện nay, Biển Đỏ và kênh đào Suez là lối đi tắt cho tàu thuyền đi qua các cảng châu Âu, Bờ Đông châu Mỹ đến những cảng phía Nam châu Á, cảng phía Đông châu Phi và châu Đại Dương. Đây là một trong những tuyến đường hàng hải huyết mạch quan trọng bậc nhất thế giới, chiếm khoảng 12% tổng lưu lượng giao thông hàng hải toàn cầu.
Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2023, do xung đột tại khu vực Biển Đỏ, nhiều hãng tàu đã phải thay đổi tuyến đường, không đi qua Kênh đào Suez mà phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng, làm cho hành trình tàu kéo dài từ 10 đến 15 ngày so với trước.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, xung đột Biển Đỏ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các ngành hàng, doanh nghiệp và tiềm ẩn hậu quả đến hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế trong năm 2024, thậm chí dài hơn. Do đó, cần thận trọng và có giải pháp dài hạn.
Theo ông, việc các hãng vận tải do chi phí tăng lên, thời gian kéo dài hơn, quay vòng tàu lâu hơn nên tăng giá cước là bình thường, tuy nhiên, tình trạng tăng giá, tăng phí không báo trước lại là vấn đề.
“Tăng giá có công bằng, công khai, minh bạch hay không? Đây là vấn đề các hãng tàu, doanh nghiệp logistics,… cần giải quyết. Trong đó, có vai trò của nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp yếu thế hơn trong chuỗi mắt xích xuất nhập khẩu này,” ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Đỗ Thị Thương, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị cần duy trì các chuyến vận tải hàng hải, bổ sung thêm tàu, container rỗng đảm bảo lịch trình và nhu cầu xuất nhập khẩu cũng như thực hiện nghiêm quy định giá cước vận tải và phụ thu…
Trước các kiến nghị đưa ra, về phía Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu đề nghị các hãng tàu cần duy trì tuyến, đưa container rỗng về để đảm bảo cho hoạt động xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời, thực hiện đúng quy định về niêm yết, về giá cước và phụ phí.
Cùng với đó, xem xét thêm khả năng có hình thức vận tải đa phương thức như đường sắt, đường biển và hàng không. Việc này cần sự kết hợp của nhiều đơn vị vận tải khác nhau để có thể vượt qua tác động của căng thẳng Biển Đỏ.
Liên quan đến vấn đề thu phí chưa có niêm yết, chưa có thông báo, ông Hải đề nghị các hiệp hội, ngành hàng phản ánh lại với Cục Hàng hải Việt Nam để có biện pháp xử lý. Ngoài ra, ông Hải cũng đề nghị các Hiệp hội, ngành hàng cần tiếp tục bám sát tình hình, phối hợp với các bộ, ngành, doanh nghiệp logistics để hỗ trợ, giúp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhất trong hoạt động thương mại quốc tế. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo dõi sát tình hình, chủ động phương án ứng phó./.