AI khiến "làn sóng" cắt giảm việc làm trong lĩnh vực công nghệ lan rộng

Biến động về lực lượng lao động tiếp tục diễn ra trong ngành công nghệ có thể dẫn đến nguy cơ tình trạng bất ổn gia tăng khi AI được dự báo sẽ định hình lại điều kiện kinh doanh trong những năm tới.

Biểu tượng Snapchat và một số mạng xã hội. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 5/2, Snap, công ty vận hành nền tảng truyền thông xã hội Snapchat tập trung vào giới trẻ cho biết đang sa thải khoảng 10% nhân viên.

Đây là cái tên mới nhất tham gia "làn sóng" cắt giảm việc làm trong lĩnh vực công nghệ.

Một ngày trước khi công bố thu nhập hàng quý, Snap thông báo gần 10% nhân viên trên toàn cầu của doanh nghiệp này sẽ bị mất việc.

Một người phát ngôn của Snap nói: “Chúng tôi đang cơ cấu lại tổ chức của mình để giảm bớt hệ thống phân cấp bậc và thúc đẩy sự hợp tác trực tiếp."

Theo Snap, tính đến đầu tháng 11/2023, công ty này có hơn 5.300 nhân viên. Năm 2022, Snap đã cắt giảm 20% nhân viên.

Những năm gần đây, Snap đã nỗ lực hết sức để cạnh tranh về doanh thu từ quảng cáo với các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram của Meta, YouTube của Google và TikTok.

Sau khi ra mắt vào năm 2011, Snapchat đã trở thành nền tảng được rất nhiều người ưa thích, đặc biệt là người dùng điện thoại thông minh trẻ tuổi, cho phép mọi người chia sẻ những khoảnh khắc dưới dạng hình ảnh hoặc video trong các tin nhắn có thể tự động xóa sau khi được xem.

Nền tảng này cũng đổi mới việc sử dụng các bộ lọc cho những nội dung được chia sẻ, song việc mở rộng kinh doanh sang các thiết bị phần cứng như máy bay không người lái và kính mắt công nghệ cao đã không thành công.

Theo trang web chuyên theo dõi ngành công nghệ layoffs.ai, kể từ đầu năm đến nay đã có 32.000 việc làm bị mất trong lĩnh vực công nghệ.

Trước đó, việc Amazon tiến hành một đợt cắt giảm lao động lớn đã cho thấy sự sụt giảm của lĩnh vực công nghệ sau giai đoạn bùng nổ thời kỳ COVID-19.

Đối tác và chiến lược gia trưởng đầu tư tại Checkers Financial Management, ông Nicole Tanenbaum cho hay Amazon là một trong những công ty được hưởng lợi lớn nhờ sự chuyển đổi đột ngột của người tiêu dùng sang mua sắm trực tuyến và sự chuyển dịch rộng rãi sang đám mây của các doanh nghiệp.

Trong giai đoạn này, lợi nhuận của Amazon tăng vọt cùng với đội ngũ nhân sự và tập trung chủ yếu vào các dịch vụ và thị trường mở rộng.

Nhân viên làm việc tại trung tâm phân phối của Amazon ở Moenchengladbach, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lực lượng lao động của Amazon đã tăng thêm 310.000 người từ năm 2020 đến năm 2021, tăng gần 25%.Tuy nhiên, khi đại dịch lắng xuống và nền kinh tế bình thường hóa trở lại, các quyết định đầu tư trước đó của Amazon không còn phù hợp với tốc độ tăng trưởng doanh thu đã chậm lại, thói quen chi tiêu của người tiêu dùng thay đổi và áp lực chi phí ngày càng tăng do lạm phát gây ra.

Amazon cũng phải đối mặt với một sự chuyển đổi lãnh đạo lớn.

Ông Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon và có thời gian gắn bó mật thiết với công ty nhất, đã từ chức Giám đốc điều hành vào năm 2021.

Ông Andy Jassy, người đứng đầu mảng dịch vụ đám mây AWS, mảng sinh lời lớn nhất cho Amazon, sau đó đã đảm nhận vị trí điều hành doanh nghiệp này.

Số lần sa thải của Amazon trong vài năm qua lên tới hơn 27.000 việc làm.

Đợt cắt giảm gần đây nhất là do tình hình tài chính khó khăn, trái ngược với những thương vụ chi tiêu mạnh tay trong giai đoạn COVID-19.

Ví dụ, Amazon đã chi 8,5 tỷ USD để mua lại MGM, một trong những xưởng phim mang tính biểu tượng nhất ở Hollywood, vào năm 2022.

Trong khi đó, công ty truyền thông xã hội Meta cũng đã cắt giảm hơn 20.000 việc làm kể từ cuối năm 2022 để đối phó với tình trạng doanh thu quảng cáo sụt giảm cũng như để cải thiện hoạt động kinh doanh cũng như cơ cấu chi phí.

Cùng chung cảnh ngộ, Google đã cắt giảm hơn 10.000 việc làm trong cùng giai đoạn trên.

Ngày 11/1, “đại gia” công nghệ này thông báo sẽ sa thải hàng trăm nhân viên trong nhóm trợ lý kỹ thuật số, phần cứng và kỹ thuật của mình, vì công ty này đặt mục tiêu cắt giảm chi phí và tập trung vào các ưu tiên lớn nhất của mình.

Còn theo các chuyên gia trong ngành, những thay đổi trong hoạt động tuyển dụng dựa trên công nghệ AI đem đến cơ hội cải thiện quá trình tuyển dụng cho cả các công ty và ứng viên.

Biểu tượng Google tại văn phòng ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà tuyển dụng thường dành nhiều thời gian cho việc tìm kiếm các ứng viên lý tưởng. Việc sàng lọc các hồ sơ để để xác định người phù hợp cho một vị trí công việc là một công đoạn tốn thời gian và nhàm chán.

Bên cạnh đó, việc viết các mô tả công việc vừa thu hút sự quan tâm của ứng viên vừa tuân thủ các quy định và nhiều yêu cầu khác cũng đòi hỏi nhiều thời gian và kỹ năng.

Ngoài ra, những người đi tìm việc cũng thường phàn nàn về quá trình tuyển dụng kéo dài quá lâu.

Trước những vấn đề này, việc tận dụng AI để tìm kiếm các ứng viên phù hợp nhất chắc chắn sẽ nâng cao trải nghiệm của tất cả các bên tham gia vào quá trình tuyển dụng.

Nhưng công nghệ tiên tiến nào cũng thường đi kèm với những nguy cơ tiềm ẩn. Các chuyên gia cảnh báo rằng dù ứng dụng AI vào quá trình tuyển dụng có thể giải quyết nhiều vấn đề nhất định, nhưng cũng không nên trông chờ AI sẽ làm một cuộc “cách mạng” hoàn toàn với cách thức công ty tuyển nhân viên mới.

Theo báo cáo về tuyển dụng năm 2023 của Criteria, một công ty về phần mềm và nhân sự, hiện chỉ có 12% các chuyên gia tuyển dụng nhân sự sử dụng AI trong quá trình tuyển dụng và quản lý nhân sự.

Trong năm qua, mặc dù các công cụ AI khiến người lao động mất việc là vấn đề gây lo lắng lớn không chỉ tại Thung lũng Silicon mà còn nhiều lĩnh vực khác, song không phải tất cả các vụ sa thải gần đây trong ngành công nghệ đều liên quan trực tiếp đến việc các công cụ AI thay thế con người.

Tuy nhiên, nhiều thông báo cắt giảm việc làm gần đây được đưa ra ngay sau khi các công ty này tiết lộ các khoản đầu tư lớn vào công nghệ AI, giữa bối cảnh họ tìm cách phân bổ lại nguồn lực và ngày càng nhiều công ty công nghệ đã trích dẫn rõ ràng AI là lý do để họ cân đối lại số lượng nhân viên.

Biến động về lực lượng lao động tiếp tục diễn ra trong chính ngành tạo ra AI có thể dẫn đến nguy cơ tình trạng bất ổn gia tăng khi công nghệ này được dự báo sẽ định hình lại điều kiện kinh doanh trong những năm tới.

Các đợt cắt giảm việc làm trong ngành công nghệ mới nhất đang diễn ra ở nhiều vị trí khác nhau và ở cả các công ty Big Tech cũng như các công ty khởi nghiệp nhỏ.

Những "đại gia" công nghệ như Google và Amazon đều tuyên bố sa thải hàng loạt, ảnh hưởng đến hàng trăm công nhân ở nhiều bộ phận kinh doanh khác nhau.

Tin tức về việc cắt giảm việc làm tại Google và Amazon xuất hiện vài tháng sau khi cả hai công ty này công bố riêng các khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD vào công ty khởi nghiệp AI Anthropic.

Trong khi đó, nền tảng xã hội Discord cho biết họ đang cắt giảm 17% lực lượng nhân sự.

Unity Software, nhà sản xuất công nghệ được sử dụng trong các trò chơi di động phổ biến như Pokemon Go, cho biết họ đang cắt giảm 25% lực lượng lao động. Trong khi ứng dụng học ngôn ngữ Duolingo cho biết họ đã sa thải khoảng 10% nhân viên hợp đồng.

Năm ngoái, các công ty bao gồm Chegg, IBM và Dropbox cho rằng sự ra đời của AI là lý do để suy nghĩ lại về nhân sự.

Gần đây hơn, Duolingo và thậm chí cả Google cũng đưa ra đề xuất tương tự khi họ tìm cách huy động nguồn lực để tận dụng sự bùng nổ của AI.

Do toàn bộ tác động của AI đối với thị trường lao động vẫn đang bộc lộ rõ ràng, các nhà nghiên cứu cho biết hàng trăm triệu việc làm trên toàn cầu có thể bị ảnh hưởng, mặc dù công nghệ này có thể có tiềm năng tạo ra các công việc mới và khác nhau trong tương lai.

Các nhà kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng có tới 300 triệu việc làm toàn thời gian trên khắp thế giới có thể bị mất do sự phát triển của công nghệ AI mang tính sáng tạo và những người lao động trí óc dường như gặp rủi ro cao nhất.

Một nghiên cứu riêng biệt cũng chỉ ra rằng các công việc của phụ nữ có thể bị ảnh hưởng một cách không tương xứng bởi việc áp dụng AI của các doanh nghiệp trong những năm tới./.