Hà Nội: Thu ngân sách tăng khá, xuất khẩu ước đạt 3.936 triệu USD trong quý 1
Trong quý đầu năm, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Hà Nội là 146.877 tỷ đồng, đạt 36% dự toán, tăng 3,9% so với cùng kỳ, còn chi ngân sách là 31.595 tỷ đồng, đạt 14,7% dự toán.
Thông tin tại buổi họp báo do Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chiều 28/3, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết với nhiều giải pháp đồng bộ, trong quý 1, thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về kinh tế-xã hội.
Thu ngân sách tăng gần 4%
Theo đó, trong quý đầu năm, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Hà Nội là 146.877 tỷ đồng, đạt 36% dự toán, tăng 3,9% so với cùng kỳ, trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 5.013 tỷ đồng, đạt 18,6% dự toán; Thu từ dầu thô 1.167 tỷ đồng, đạt 38,9% dự toán và thu nội địa 140.698 tỷ đồng, đạt 37,2% dự toán.
Ngoài ra, chi ngân sách địa phương thực hiện 3 tháng đầu năm là 31.595 tỷ đồng, đạt 14,7% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển 9.500 tỷ đồng, đạt 11,7% dự toán và chi thường xuyên là 12.069 tỷ đồng, đạt 21,1% dự toán.
Cũng theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong quý đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,5%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (năm 2023 tăng 5,81%).
Kim ngạch xuất khẩu tháng 3 ước đạt 1.254 triệu USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 6,2%). Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.936 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 4,6%), trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 12,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 6,6%.
“Quý 1, thành phố có 4/12 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là hàng nông sản 49,8%; xăng dầu 18,7%; máy móc thiết bị phụ tùng 4,6% và Phương tiện vận tải và phụ tùng 33,2%…,” đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin.
Ở chiều ngược lại, trong qúy 1, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 8.636 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 12,4%.
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong tháng 3/2024, thành phố Hà Nội thu hút 53,88 triệu USD vốn FDI, trong đó 20 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 33,41 triệu USD; 14 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 12,49 triệu USD và 12 lượt góp vốn với số vốn góp đạt 7,98 triệu USD.
Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 20/03/2024), Hà Nội thu hút 953,2 triệu USD vốn FDI (tăng 500% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 46 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 903,9 triệu USD; 31 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 21,57 triệu USD và 33 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 27,77 triệu USD.
Trong 3 tháng đầu năm, Hà Nội có 6.944 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 66.157 tỷ đồng (giảm 6% về số lượng doanh nghiệp và giảm 4% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước), 1.121 doanh nghiệp giải thể (tăng 23% so với cùng kỳ), 12.367 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 25% so với cùng kỳ). Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 3.748 doanh nghiệp (tăng 10% so với cùng kỳ). Tổng số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn thành phố Hà Nội là 384.299 doanh nghiệp.
Ngoài ra, tổng vốn đầu tư xã hội quý 1/2024 ước đạt 86.550 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023 (1uý 1/2023 tăng 8,6%), trong đó vốn Nhà nước tăng 10%; Vốn ngoài Nhà nước tăng 8,2%; Vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng 4,4%.
Đáng chú ý, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng trưởng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp tín dụng và chấp hành các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn.
Theo thống kê, đến 31/3/2024, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng dự kiến đạt 5.337 nghìn tỷ đồng, tương đương so với thời điểm 31/12/2023, trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 2,6%, tiền gửi thanh toán giảm 1,3% so với 31/12/2023. Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng đến 31/3/2023 ước đạt 1.509 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với 31/12/2023; dư nợ ngắn hạn tăng 0,3%, dư nợ trung và dài hạn tăng 1,2%; dư nợ VND tăng 0,8%, dư nợ ngoại tệ tăng 2,0% so với 31/12/2023.
Hiện nay, hệ thống mạng lưới cấp nước khu vực đô thị đã được phủ kín với tỷ lệ cấp nước đạt 100% và chỉ tiêu cấp nước khoảng 100÷150 l/người/ngày. Đến hết tháng 3/2024, tại khu vực nông thôn tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung đạt khoảng 90%, trong đó tỷ lệ đấu nối cấp nước đạt 67%, tổng số xã được đầu tư hệ thống cấp nước tập trung 289/413.
Để thực hiện các chỉ tiêu trong năm 2024, lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô. Triển khai hiệu quả, kịp thời chính sách của Trung ương về lãi suất, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các lĩnh vực ưu tiên đủ nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, thúc đẩy hạ tầng và Công nghệ Số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh. Phát triển hạ tầng cho công nghiệp Công nghệ Số làm nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền Số, Kinh tế Số và xã hội Số. Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao công nghệ, Chuyển đổi Số./.