EU đạt thỏa thuận gia hạn miễn thuế đối với thực phẩm nhập khẩu từ Ukraine
Thỏa thuận mới có điều chỉnh nhỏ về khoảng thời gian tham chiếu để tính toán khối lượng giới hạn đối với gia cầm, trứng, đường, ngô, ngũ cốc và mật ong của Ukraine.
Ngày 27/3, Liên minh châu Âu (EU) thông báo các đại sứ từ các nước thành viên đã đạt được thỏa thuận gia hạn miễn thuế đối với thực phẩm nhập khẩu từ Ukraine với một “cách tiếp cận cân bằng giữa hỗ trợ Ukraine và bảo vệ thị trường nông sản EU.”
Nguồn tin ngoại giao EU cho biết thỏa thuận mới tương tự như thỏa thuận tạm thời mà EU đã đạt được vào tuần trước, chỉ có điều chỉnh nhỏ về khoảng thời gian tham chiếu để tính toán khối lượng giới hạn đối với gia cầm, trứng, đường, ngô, ngũ cốc và mật ong của Ukraine.
Thay vì chỉ tính mức trung bình của năm 2022 và 2023 thì thỏa thuận mới đã mở rộng thời gian tham chiếu đến quý 2/2021.
Thỏa thuận mới cũng không áp đặt các hạn chế đối với lúa mỳ như Pháp và Ba Lan mong muốn.
Với những điều chỉnh này, ngưỡng áp thuế đối với các sản phẩm trên sẽ thấp hơn ngưỡng quy định trong thỏa thuận ban đầu được công bố vào ngày 20/3.
Bên cạnh đó, giá trị nhập khẩu nông sản của Ukraine vào EU trong năm 2024 có thể sẽ giảm khoảng 240 triệu euro (260 triệu USD) so với năm 2023.
Thỏa thuận này sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu (EP) để xem xét trước khi đưa ra bỏ phiếu vào tháng tới với mục tiêu đưa vào thực hiện trước khi thỏa thuận hiện tại hết hiệu lực vào ngày 5/6.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh nợ công của Ukraine ngày càng tăng.
Chia sẻ trên tài khoản Telegram ngày 27/3, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine), ông Daniil Getmantsev dẫn số liệu của Bộ Tài chính cho biết nợ công của Ukraine bằng ngoại tệ đã tăng 50 tỷ USD trong 2 năm, đồng thời dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục cho đến khi xung đột kết thúc.
Cụ thể, tính đến ngày 29/2, nợ chính phủ và các khoản nợ do chính phủ Ukraine bảo lãnh lên tới khoảng 143,7 tỷ USD, trong đó 69,7% là nợ nước ngoài.
Áp lực nợ công Ukraine cũng đã giảm bớt do phần lớn các khoản nợ nước ngoài đã được tái cơ cấu. Tuy nhiên, ông Getmantsev cảnh báo nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ thì ngân sách hiện tại của Ukraine chỉ đủ đến mùa Hè.
Ukraine đang bù đắp các "khoảng trống ngân sách" bằng khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ, theo đó đã huy động được khoảng 2,6 tỷ USD từ đầu năm 2024./.