Quan chức Mỹ khuyến nghị Trung Quốc về nguy cơ dư thừa năng lực công nghiệp
Bộ trưởng Tài chính Mỹ khuyến nghị việc Trung Quốc tăng cường xuất khẩu hàng hóa giá rẻ trong các ngành công nghiệp như xe điện có thể tạo ra tình trạng dư cung, gây tổn hại cho các nền kinh tế khác.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 27/3 khuyến nghị việc Trung Quốc tăng cường xuất khẩu hàng hóa giá rẻ trong các ngành công nghiệp như xe điện có thể tạo ra tình trạng dư cung, gây tổn hại cho các nền kinh tế khác.
Trong bài phát biểu của mình tại bang Georgia, miền Nam nước Mỹ, bà Yellen đã đánh giá những lợi ích của Đạo luật Giảm lạm phát mang tính bước ngoặt của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Đồng thời, bà nhấn mạnh các khoản đầu tư kinh doanh lớn đã được chính phủ công bố dành cho các doanh nghiệp.Tuy nhiên, bà cũng nêu lên mối lo ngại về tác động mà năng lực công nghiệp dư thừa của Trung Quốc có thể gây ra đối với các nước khác.
Bà Yellen cho biết, sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc trong các lĩnh vực như thép và nhôm trước đây đã dẫn đến tình trạng đầu tư quá mức và dư thừa công suất đáng kể. Tình trạng đó khiến các công ty Trung Quốc phải tìm cách xuất khẩu ra nước ngoài với giá thấp. Trong khi điều này thúc đẩy sản xuất và việc làm ở Trung Quốc, ngành công nghiệp ở phần còn lại của thế giới buộc phải thu hẹp.
Bộ trưởng Yellen lưu ý tình trạng tương tự đang diễn ra trong các ngành công nghiệp mới như năng lượng Mặt Trời, xe điện và pin lithium-ion.
Đáng lo ngại là tình trạng dư thừa công suất có thể làm bóp méo giá cả và hoạt động sản xuất toàn cầu, ảnh hưởng đến nhiều công ty và người lao động.
Theo bà Yellen, điều quan trọng đối với giới chức Mỹ là các công ty và người lao động Mỹ có thể cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng.Bà nói thêm rằng các chính phủ và doanh nghiệp từ các quốc gia khác cũng đưa ra những quan ngại tương tự.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho hay rằng công suất dư thừa cũng gây ra rủi ro cho năng suất và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Các công ty Mỹ từ lâu đã phàn nàn về điều mà họ coi là môi trường kinh doanh thiếu công bằng ở Trung Quốc. Hôm 27/3, Liên minh Chế tạo Mỹ (AAM) đã kêu gọi chính phủ giúp ngăn chặn “làn sóng” hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chủ tịch AAM Scott Paul cho biết phía Mỹ cũng phải đảm bảo rằng các công ty Trung Quốc không thể sử dụng các đối tác thương mại của nước này như “cửa sau” tiến vào thị trường Mỹ, hoặc bóp méo thị trường này bằng cách bố trí các hoạt động sản xuất phụ thuộc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc theo cách có thể thay thế các ngành công nghiệp mới nổi của Mỹ.
Trong khi đó, số liệu chính thức từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho hay các công ty trong lĩnh vực công nghiệp nước này đã đạt lợi nhuận cao hơn trong những tháng đầu năm 2024, củng cố các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang dần phục hồi bất chấp tình trạng trì trệ kéo dài trong lĩnh vực bất động sản.
Theo NBS, lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc đã tăng 10,2% trong hai tháng đầu năm 224 so với cùng kỳ năm trước đó, sau khi lợi nhuận giảm 2,3% trong cả năm 2023.
Sự gia tăng này diễn ra sau các chỉ số lạc quan hồi đầu tháng này cho thấy sự ổn định ở nền kinh tế lớn nhất châu Á. Tuy nhiên, mức tăng chung vẫn bị hạn chế do tình trạng trì trệ kéo dài trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc. Điều này đã cho thấy sự khác biệt trong quá trình phục hồi sau đại dịch của đất nước.
Nhà kinh tế trưởng Lynn Song của Greater China tại ngân hàng ING cho biết, đà phục hồi của ngành sản xuất nếu tiếp tục được duy trì, nó sẽ góp phần giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2024, song vẫn cần nhiều chính sách hỗ trợ hơn để duy trì đà tăng trưởng và phục hồi.
Dữ liệu cho thấy các công ty nhà nước ghi nhận lợi nhuận tăng 0,5% trong tháng 1-2/2024, lợi nhuận của các công ty nước ngoài đạt mức tăng 31,2%, trong khi các công ty thuộc khu vực tư nhân ghi nhận mức tăng 12,7%.
Nhà phân tích Zhou Maohua tại Ngân hàng Everbright Trung Quốc dự báo lợi nhuận của các công ty trong lĩnh vực công nghiệp sẽ tiếp tục tăng, nhưng triển vọng có thể bị ảnh hưởng do triển vọng nhu cầu toàn cầu không chắc chắn, biến động giá năng lượng và các hàng hóa khác cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng do xung đột địa chính trị gây ra.
Trước tình trạng kinh tế chậm chạp kéo dài, Phó thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) tuần trước đã đảm bảo với thị trường về các lựa chọn chính sách, trong đó có việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng. PBoC đã công bố mức giảm RRR lớn nhất trong hai năm hồi tháng 1/2024.
Con số lợi nhuận của các công ty trong lĩnh vực công nghiệp được tính toán dựa trên số liệu của các công ty có doanh thu hàng năm ít nhất 20 triệu NDT (2,78 triệu USD)./.