Bình Định xúc tiến thương mại vào thị trường Bắc Mỹ thông qua Canada
Kim ngạch thương mại hai chiều của Bình Định với Canada ước năm 2023 đạt 18,7 triệu USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 17,2 triệu USD, nhập khẩu ước đạt 1,5 triệu USD.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay, việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, khai thác các thị trường mới còn nhiều dư địa được xem là “chìa khóa” để đẩy mạnh xuất khẩu. Trên cơ sở đó, Canada được xem là thị trường xuất khẩu tiềm năng đồng thời là "cửa ngõ" để tiếp cận thị trường Bắc Mỹ.
Nội dung trên được ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định nhấn mạnh tại Hội nghị Xúc tiến Thương mại với Hội doanh nhân Việt Nam-Canada (VCBA), do Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định phối hợp với VCBA tổ chức ngày 28/3.
Kim ngạch hai chiều tăng nhanh
Ông Tổng cho biết kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Bình Định sang thị trường Bắc Mỹ đạt 569 triệu USD, chiếm tỷ trọng 96% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ (593 triệu USD) và chiếm 35,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Bình Định (chủ yếu là thị trường Hoa Kỳ và Canada).
Kể từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Định sang Canada đã tăng gấp 4 lần, từ mức 4,1 triệu USD (năm 2018) lên 23,9 triệu USD (năm 2022) và trên 17,2 triệu USD (năm 2023).
Theo ông Tổng, kim ngạch thương mại hai chiều của Bình Định với Canada ước năm 2023 đạt 18,7 triệu USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 17,2 triệu USD, nhập khẩu ước đạt 1,5 triệu USD. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của Bình Định sang thị trường Canada chủ yếu mặt hàng hải sản, gỗ tinh chế nội ngoại thất, sản phẩm may mặc, sản phẩm từ chất dẻo. Trong số các mặt hàng chủ lực của tỉnh Bình Định sang thị trường Canada năm 2023 thì sản phẩm hải sản đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất, gần 5,0 triệu USD, sản phẩm may mặc 4,6 triệu USD, sản phẩm gỗ tinh chế đạt 4,6 triệu USD, sản phẩm từ nhựa giả mây đạt 2,5 triệu USD…
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công Thương Bình Định cũng chia sẻ Canada là một thị trường lớn song giá trị mặt hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam còn rất khiêm tốn, thị phần chưa tương xứng với tiềm năng. Mặt khác, khoảng cách địa lý, chi phí quảng bá thâm nhập thị trường cao, chi phí vận chuyển và logistics cao cũng khiến giá xuất khẩu của các doanh nghiệp tỉnh khó cạnh tranh so với các nước láng giềng trong khu vực châu Mỹ.
Thêm vào đó, thị trường các nước CPTPP (trong đó có Canada và Bắc Mỹ) có những tiêu chuẩn phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, giảm phát thải. Đây là trở ngại không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, đối với các sản phẩm nông sản, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ nên gặp nhiều khó khăn trong việc cải thiện chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh một cách đồng bộ.
Chưa hết, sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa xảy ra ngày càng quyết liệt. Vì vậy, hàng nông, lâm, hải sản, may mặc xuất khẩu của Bình Định đang chịu áp lực cạnh tranh mạnh từ các nước Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Bangladesh, Pakistan...
Nâng cao sức cạnh tranh đồng bộ
Để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu, ông Tổng cho biết ngành Công Thương Bình Định đề xuất phải đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại gắn kết lưu thông, liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, thương mại quảng bá hình ảnh đồng thời phát triển xuất khẩu theo chiều sâu tới những thị trường truyền thống.
Bên cạnh đó, Bình Định cần đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối cao đồng thời xây dựng các trung tâm logistics để tham gia mạng lưới logistics khu vực và quốc tế. Tỉnh cần có chính sách khuyến khích hình thành các vùng sản xuất hàng xuất khẩu chủ lực tập trung, tạo nguồn hàng xuất khẩu quy mô lớn và có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Theo ông Tổng, các cấp quản lý cần tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để trao đổi về tình hình xuất khẩu, những khó khăn, vướng mắc và bàn biện pháp tháo gỡ để góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Hiệp định CPTPP và các Hiệp định thương mại tự do khác.
Ông Nguyễn Quang Trung nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Vancouver, Canada thì nhận định Việt Nam là một đối tác kinh tế đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc đa dạng hoá thương mại của Canada trong khu vực.
Theo ông, phía bạn đã cử phái đoàn Thương mại Canada (Team Canada Trade Mission) do bà Mary Ng, Bộ trưởng Xúc tiến Xuất khẩu, Thương mại Quốc tế và Phát triển Kinh tế dẫn đầu để tìm hiểu về các cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, thực phẩm chế biến, năng lượng sạch, công nghệ sạch, công nghệ thông tin-truyền thông, các ngành công nghệ sáng tạo... Ngoài hợp tác cấp liên bang, các tỉnh bang, vùng lãnh thổ của Canada cũng tăng cường chính sách “xoay trục” truyền thống dựa vào quan hệ kinh tế chủ yếu với Mỹ sang các khu vực khác. Gần đây, chính quyền tỉnh bang British Columbia, Sakeschewan đã mở văn phòng thương mại và đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh và văn phòng đầu tư đổi mới lâm nghiệp BC tại tỉnh Bình Dương...
“Tôi nghĩ xu hướng này rất phù hợp với kế hoạch xúc tiến, kêu gọi đầu tư của Bình Định. Đây là tỉnh hội tụ nhiều điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi như cảng biển, sân bay, đường quốc lộ, khu công nghiệp... (năm 2023 Bình Định thu hút 86 dự án FDI). Lĩnh vực hợp tác giáo dục, lao động, du lịch... cũng là lĩnh vực tiềm năng với Canada, trong đó có các tỉnh bang như British Columbia, Alberta...(hiện Việt Nam có gần 20,000 sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục tại Canada). Và, dư địa cho các nhà đầu tư Việt Nam tại thị trường Canada cũng rất lớn,” ông Trung nói./.