G20 dự báo gia tăng khả năng hạ cánh mềm của kinh tế toàn cầu
Theo dự thảo của G20, hoạt động kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới vững hơn dự kiến nhưng đà phục hồi không đồng đều giữa các nước góp phần gây rủi ro phân kỳ kinh tế.
Theo dự thảo thông cáo báo chí của Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), các nhà lãnh đạo lĩnh vực này có thể vui mừng trước khả năng "hạ cánh mềm" gia tăng của kinh tế toàn cầu, trong khi cảnh báo rủi ro từ các cuộc xung đột leo thang.
Phát biểu với báo giới, điều phối viên theo dõi tài chính tại G20 của Brazil, Tatiana Rosito, cho hay các cuộc đàm phán đang diễn ra, nhưng tin tưởng các nhà lãnh đạo sẽ đạt đồng thuận về một tuyên bố chung, phản ánh những công việc đã hoàn tất cho đến nay.
Các nhà lãnh đạo vui mừng trước khả năng "hạ cánh mềm" gia tăng của kinh tế toàn cầu dù còn nhiều thách thức, khi lạm phát được kiểm soát mà không gây suy thoái nghiêm trọng hay làm gia tăng mạnh tình trạng thất nghiệp.
Theo dự thảo, hoạt động kinh tế ở nhiều nơi trên thế giới vững hơn dự kiến, nhưng đà phục hồi không đồng đều giữa các nước, góp phần gây rủi ro phân kỳ kinh tế.
Dự thảo cho biết các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương tham dự cuộc họp trong tuần này tại Rio de Janeiro, Brazil dự kiến sẽ nêu lên những rủi ro đối với đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, xoay quanh tình trạng lạm phát dai dẳng.
Những rủi ro đối với triển vọng kinh tế nhìn chung vẫn cân bằng như lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến và các đổi mới công nghệ đang diễn ra, trong khi xung đột leo thang, sự phân mảnh về kinh tế và lạm phát dai dẳng khiến lãi suất được duy trì ở mức cao.
Đúng như nước Chủ tịch G20 Brazil nhấn mạnh đến tình trạng bất bình đẳng, dự thảo cảnh báo Biến đổi Khí hậu làm trầm trọng thêm đáng kể những thách thức liên quan đến vấn đề này và nêu lên những cẳng thẳng về nợ ở một số quốc gia thu nhập thấp và trung bình.
Dự thảo kêu gọi cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), do sự cấp thiết và tầm quan trong của việc phân bổ lại quyền bỏ phiếu để phản ánh vai trò của các thành viên G20 trong kinh tế toàn cầu.
Theo các nguồn tin thân cận, thông cáo vẫn đang được thảo luận và có thể sẽ có những điều chỉnh. Bà Rosito cho biết Brazil, nước đảm nhận chức Chủ tịch G20, đang thương lượng về một tuyên bố riêng chưa từng có trong hợp tác quốc tế về thuế và bà cũng ghi nhận sự đồng thuận trong vấn đề này. Tuyên bố trên sẽ bao gồm chủ đề đánh thuế người siêu giàu theo đề xuất của Brazil trên vai trò Chủ tịch nhóm.
Dự thảo không thông qua kêu gọi của Brazil về đánh thuế vào các tỷ phú trên toàn cầu, nhưng lưu ý tới các báo cáo về doanh thu doanh nghiệp của IMF và Brazil.
Dự thảo đề cập tới "Tuyên bố của các bộ trưởng G20 tại Rio de Janeiro G20 về hợp tác quốc tế về thuế," nhắc lại cam kết minh bạch về thuế và thúc đẩy đối thoại toàn cầu về đánh thuế công bằng đối với các cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao./.