Chế biến và xuất khẩu gỗ cần chọn hướng đi mới
Các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư công nghệ, chuyển đổi số nhằm hạn chế xuất dăm gỗ, gỗ tròn và nguyên liệu mà thay vào đó là đẩy mạnh sang gia công các sản phẩm tinh đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sau những biến động thị trường, ngành gỗ Việt Nam dần khởi sắc trong những tháng đầu năm 2024. Cho đến thời điểm hiện tại, những chuyển biến tích cực này vẫn theo đà đi lên.
Cùng với sự phát triển đơn hàng trong những tháng cuối năm 2024 từ các thị trường truyền thống, ngành gỗ đã vượt qua khó khăn, tiến đến mục tiêu xuất khẩu được đề ra hồi đầu năm 2024.
Nhiều tín hiệu tích cực
Theo thống kê từ Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu gỗ tính đến hết tháng 7/2024 ước đạt hơn 8,7 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng sản phẩm gỗ ước đạt hơn 5,96 tỷ USD, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2023.
Các chuyên gia ngành gỗ nhận xét để đạt được kết quả trên, yếu tố chính thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng tích cực cho tới thời điểm này là do nhu cầu tăng tại nhiều thị trường lớn, nhất là thị trường Mỹ. Như vậy, hiện Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết Mỹ đang chiếm gần 54% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng xuất khẩu này vào Mỹ có sự tăng trưởng dần theo các tháng với nhiều tín hiệu tích cực.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chia sẻ đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu từ Việt Nam chiếm khoảng 41% tổng giá trị nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ vào Mỹ. Thêm vào đó, từ giờ đến cuối năm 2024, theo diễn biến mới nhất, Mỹ đang có những động thái về cắt giảm lãi suất. Điều này tất yếu kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, kéo theo nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ tại thị trường này sẽ tăng mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, có một yếu tố cũng rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam vào Mỹ trong nửa cuối năm 2024, đó là vừa qua Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.
Bộ Thương Mại Mỹ đã hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Động thái này sẽ khiến xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam rộng đường vào Mỹ và đạt được mức tăng trưởng cao từ nay đến cuối năm.
Với nhiều dấu hiệu tích cực đến từ các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam như Mỹ, châu Âu, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội chế biến gỗ và Mỹ nghệ thành phố Hồ Chí Minh, cho biết so với cùng kỳ năm 2023, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam đã có sự tăng trưởng về hợp đồng đặt hàng đến nửa đầu năm 2024 là 22%, thậm chí có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến gần hết năm 2024.
Đáng chú ý, ngoài các thị trường truyền thống là Mỹ, Trung Quốc thì các thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông… được doanh nghiệp khai thác thời gian gần đâu cũng có dấu hiệu tích cực.
Cụ thể, Trung Quốc đạt 1,05 tỷ USD, tăng 49,3%, Canada đạt 113.000 USD, tăng 23,9%; Ấn Độ 73.000 USD, tăng 94,2%...
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Cho đến thời điểm này, chế biến và xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã khởi sắc trở lại nhưng vẫn còn nhiều điều cần thay đổi để thích ứng với thị trường.
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cũng cho rằng ngành gỗ nói chung cần chủ động thích ứng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, từ đó đưa ra những thay đổi linh hoạt trong quá trình sản xuất cũng như xuất khẩu. Đặc biệt là phát triển công nghệ, chuỗi cung ứng sản phẩm từ nguyên phụ liệu đến logistics.
Không những vậy, gỗ là ngành có giá trị xuất khẩu cao và tăng nhanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, giá trị gia tăng của ngành này lại chưa cao bởi doanh nghiệp trong nước chủ yếu là gia công.
Theo đánh giá các chuyên gia đầu ngành, hiện chỉ có khoảng 5% sản phẩm gỗ của nước ta là có khâu thiết kế là khâu quan trọng trong nâng cao giá trị gia tăng và khẳng định thương hiệu của sản phẩm gỗ trong nước.
Do đó, ông Phùng Quốc Mẫn, Phó chủ tịch Hội chế biến gỗ và Mỹ nghệ thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất giải pháp để phát triển ngành gỗ Việt Nam, doanh nghiệp gỗ cần tự sáng tạo, chế tạo bằng cách bỏ công sức đầu tư, thiết kế vào sản phẩm. Tổ chức tiếp thị, quảng bá sản phẩm để nâng cao giá trị, lợi nhuận sản phẩm và chống chọi được biến động của thị trường.
Để sản xuất xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao hơn nữa thì các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư công nghệ, chuyển đổi số nhằm hạn chế xuất dăm gỗ, gỗ tròn và nguyên liệu mà thay vào đó là đẩy mạnh sang gia công các sản phẩm tinh đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện nay cũng đã có nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam đi tiên phong trong chuyển đổi số ngành gỗ và đạt kết quả cao trong xuất khẩu như Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Techworld Solutions Vietnam.
Ông Hà Tất Thắng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Techworld Solutions Vietnam, tính toán thông thường một dự án đầu tư chuyển đổi số sẽ cần khoảng 5 năm để thu hồi vốn và một doanh nghiệp có quy mô khoảng 1.000 công nhân sẽ có mức chi phí đầu tư khoảng 10-15 tỷ đồng. Như vậy, với xu thế chuyển dịch dần sang thiết kế, sáng tạo, giảm gia công. Nhiều doanh nghiệp nên sớm bắt tay vào các ứng dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay./.