“Gói tín dụng nhà ở xã hội nâng lên 140.000 tỷ đồng, ưu đãi hơn cho người vay”
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết sau thời gian ưu đãi 5 năm, ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục ưu đãi lãi suất cho người vay mua nhà ở xã hội với mức thấp hơn lãi vay thương mại tối thiểu 1%-2%.
Gói tín dụng nhà ở xã hội có giá trị 120.000 tỷ đồng hiện đang vướng mắc nhiều thủ tục pháp lý cũng như lãi suất được cho là khá cao so với mặt bằng chung. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho gói tín dụng này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết đang trình Chính phủ theo phương án giảm lãi suất 3%/năm so với lãi suất bình quân, thời hạn kéo dài 5 năm và 5 năm tiếp theo tiếp tục được giảm lãi suất tuỳ theo thời điểm, nhưng mức giảm ít nhất từ 1%-2%/năm.
- Hiện tăng trưởng tín dụng của toàn ngành đạt trên 6% nhưng vẫn cách xa mục tiêu là 15% trong cả năm 2024, vậy ngành Ngân hàng sẽ làm như thế nào để đạt được kế hoạch này, thưa ông?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tôi cho rằng với tất cả những biện pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và những chương trình hành động của ngành Ngân hàng thì mặc dù 2 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng âm nhưng mà bắt đầu từ tháng Ba đến giờ đã bứt tốc khá tích cực.
Với đà như vậy, cùng với những biện pháp và những chương trình hành động hiện nay, từ nay đến cuối năm tín dụng sẽ tiếp tục có những mức tăng trưởng một cách tích cực và chúng tôi cũng sẽ cố gắng phấn đấu để đạt được chỉ tiêu 15% đã đặt ra từ đầu năm.
Tất nhiên là để tăng trưởng tín dụng thì phụ thuộc rất nhiều những vấn đề khác của nền kinh tế như nhu cầu tín dụng, cầu tiêu dùng và cầu đầu tư. Ví dụ như chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho các dự án… rất cần các cơ quan ban ngành tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý, tạo điều kiện môi trường kinh doanh để cho các doanh nghiệp hoạt động. Và như vậy khi đó nhu cầu vốn tín dụng cũng sẽ tăng theo.
Tuy nhiên với sự nỗ lực của ngành Ngân hàng và dưới sự chỉ đạo rất là quyết liệt của Thủ tướng chúng tôi cũng hy vọng mức tăng trưởng tín dụng sẽ đạt được theo mức đặt ra.
- Ông đánh giá thế nào về gói tín dụng dành cho lâm thủy sản 30.000 tỷ đồng giải ngân rất thuận lợi, nhanh chóng. Trong khi đó gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội đang rất ì ạch. Vậy có cách nào để tháo gỡ những khó khăn mà gói này đang gặp phải không thưa ông?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Đúng là như vậy, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho thủy sản cũng như là lâm sản xuất khẩu có thể nói là giải ngân rất là tích cực. Sau khi hoàn thành 15.000 tỷ đồng giải ngân, ngành Ngân hàng đã tiếp tục tăng thêm 15.000 tỷ đồng nữa và đến nay vẫn đang tiếp tục giải ngân.
Đây là một tín hiệu rất tích cực cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt trong vấn đề nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy hải sản cũng như là vấn đề chế biến lâm sản xuất khẩu. Nếu như gói 30.000 tỷ đồng này mà được giải ngân hết thì cũng sẽ tiếp tục có thêm 15.000 tỷ đồng hoặc một số lượng vốn cần thiết để đáp ứng cho lĩnh vực này.
Chúng tôi cho rằng đây là một trong những giải pháp rất tích cực để giúp cho lĩnh vực này vừa tạo điều kiện cho việc sản xuất, chế biến của bà con nông dân cũng như lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Còn với gói 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội đúng là có nhiều khó khăn. Hiện có nhiều lý do đã được phân tích, mổ xẻ trên rất nhiều hội nghị và cũng đã được Bộ Xây dựng đánh giá rất đầy đủ về những dự án còn vướng mắc, yếu tố pháp lý… nhà đầu tư được phép xây dựng nhưng lại chưa có nhu cầu vốn… Chúng tôi cũng hàng ngày, hàng giờ đánh giá về cái gói 120.000 tỷ đồng này, làm thế nào để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại nhà nước giải ngân một cách tốt nhất.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ sửa gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội. Cụ thể gói tín dụng này sẽ được sửa theo hướng tăng mức ưu đãi cho người mua nhà, lãi suất cho vay thấp hơn 3% lãi suất cho vay thương mại dài hạn của nhóm ngân hàng Big 4 (hiện tại là thấp hơn 1,5%-2%), thời gian điều chỉnh lãi suất định kỳ 3 tháng/lần (hiện tại là 6 tháng/lần).
Sau thời gian ưu đãi 5 năm, ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục ưu đãi lãi suất cho người vay với mức thấp hơn lãi vay thương mại tối thiểu 1%-2% thay vì quy định thả nổi như hiện tại. Quan điểm rất rõ ràng như vậy, chứ không phải sau 5 năm sẽ thả nổi lãi suất rồi lại đẩy lãi suất lên cao khiến người vay lo lắng. Riêng chính sách cho vay với chủ đầu tư sẽ được giữ nguyên như hiện tại.
Nếu như Chính phủ chấp thuận chúng tôi sẽ triển khai chính sách ưu đãi này cùng với Bộ Xây dựng.
- Được biết, hiện đã có thêm một số ngân hàng thương mại tư nhân đăng ký tham gia vào cùng với gói tín dụng này đúng không thưa ông?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Đúng là như vậy, ngoài 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã đăng ký, mỗi ngân hàng 30.000 tỷ đồng với tổng 120.000 tỷ đồng như bấy lâu nay đã công bố, đến nay có thêm 4 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khác cũng đăng ký tham gia với 5.000 tỷ đồng/ngân hàng. Như vậy, tổng số vốn của chương trình đạt 140.000 tỷ đồng, tăng 20.000 tỷ đồng so với quy mô của gói ban đầu.
Ngoài gói 140.000 tỷ đồng này, chúng tôi cũng vẫn muốn nói rằng hoàn toàn ủng hộ, tạo điều kiện và khuyến khích các ngân hàng thương mại bằng nguồn lực của mình để tham gia vào chương trình phát triển nhà ở xã hội. Trước hết là cho người mua nhà vay, sau đến là cho các chủ đầu tư xây dựng những dự án nhà ở xã hội với lãi suất tích cực nhất.
Chúng tôi rất khuyến khích và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại với những cơ chế, chính sách một cách phù hợp, hợp lý để vừa đảm bảo hài hòa được tất cả các yếu tố đặt ra trong vấn đề kiểm soát an toàn, lành mạnh của các ngân hàng cũng như là chính sách tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý để đảm bảo kiểm soát lạm phát trong thời gian tới.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!