Đàm phán thương mại Mỹ: Thách thức nằm ở phía trước
Chính quyền tổng thống Trump đang gặp khó khăn trong việc đạt 90 thỏa thuận thương mại trong 90 ngày, ngoài ra sự thiếu nhất quán trong quan điểm giữa các cố vấn của ông Trump cũng là trở ngại lớn.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đặt mục tiêu đạt được 90 thỏa thuận thương mại trong vòng 90 ngày, nhưng những khó khăn trong việc nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến thương mại mà ông Trump khơi mào đang dần hiện rõ.
Nhiệm vụ khó khăn
Vào ngày 14/4 (giờ địa phương), Ủy viên thương mại của Liên minh châu Âu, ông Maros Sefcovic, sẽ là một trong những quan chức nước ngoài đầu tiên đến Washington để đàm phán khẩn cấp liên quan đến mức thuế cao mà ông Trump công bố ngày 2/4.
Liên minh châu Âu hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, với kim ngạch hai chiều gần 1.000 tỷ USD trong năm ngoái.
Tuy nhiên, khi ông Sefcovic đến Mỹ, người phụ trách đàm phán thuế quan hàng đầu của ông Trump - Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent - lại không có mặt tại Washington. Thay vào đó, ông đang ở Buenos Aires để thể hiện sự ủng hộ với chương trình cải cách kinh tế của Argentina, dù nước này chỉ chiếm khoảng 16,3 tỷ USD trong tổng kim ngạch thương mại hàng năm với Mỹ.
Việc ông Bessent vắng mặt làm dấy lên hoài nghi trong giới chuyên gia thương mại về khả năng điều phối cùng lúc nhiều cuộc đàm phán của chính quyền Tổng thống Trump, cũng như triển vọng thực tế của kế hoạch “90 thỏa thuận trong 90 ngày.”
Bà Wendy Cutler, cựu trưởng đoàn đàm phán thương mại của Mỹ, hiện là Giám đốc Viện Chính sách châu Á, nhận định: “Việc thúc đẩy các quyết định thương mại sẽ cần đến những cuộc đàm phán nghiêm túc. Chúng ta có khả năng sẽ không ký được thỏa thuận toàn diện nào với bất kỳ quốc gia nào trong khoảng thời gian này.”
Tuy vậy, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro phản bác trong một cuộc phỏng vấn trên kênh Fox Business rằng ông Bessent, Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Tổng thống Trump khởi động đồng hồ đếm ngược 90 ngày trong tuần này, khi ông tạm hoãn áp thuế đối ứng cao đối với nhiều quốc gia - động thái diễn ra sau khi thị trường tài chính hoảng loạn vì lo ngại suy thoái và lạm phát. Ông cho biết thời gian tạm hoãn này nhằm tạo điều kiện cho các nước đàm phán song phương với Mỹ.
Khôi phục niềm tin của thị trường tài chính cũng là mục tiêu quan trọng trong 90 ngày tới. Tuần này, nhà đầu tư đã bán tháo trái phiếu Chính phủ Mỹ, khiến lãi suất tăng vọt và đồng USD sụt giảm do lo ngại suy thoái và lạm phát quay trở lại. Giá vàng - nơi trú ẩn an toàn trong khủng hoảng - đã lập kỷ lục mới.
Thị trường chứng khoán Phố Wall khép lại một tuần đầy biến động bằng phiên tăng điểm mạnh vào cuối tuần trước: chỉ số Dow Jones tăng hơn 1,5%, S&P 500 tăng 1,8% và Nasdaq tăng 2%.
Bà Cutler cho rằng diễn biến hỗn loạn này sẽ gây áp lực lên đội ngũ của ông Trump phải sớm đạt được một số kết quả cụ thể.
Triển vọng hoàn thành
Căng thẳng leo thang với Trung Quốc - nước không được miễn thuế và đã đáp trả bằng mức thuế tương đương - càng khiến triển vọng thêm ảm đạm.
Theo bà Cutler, việc đạt được những thỏa thuận vừa làm hài lòng ông Trump, vừa trấn an thị trường là một “nhiệm vụ khổng lồ.” Thay vào đó, bà dự đoán chính quyền Tổng thống Trump sẽ buộc phải ưu tiên một số quốc gia quan trọng và gia hạn thời hạn 90 ngày với các nước khác.
Thực tế, ngay cả những thỏa thuận thương mại khiêm tốn nhất của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu như sửa đổi một số điều khoản về ôtô và thép trong Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Hàn cũng mất hơn tám tháng. Trong khi đó, Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) phải mất hơn hai năm đàm phán mới hoàn tất.
Tuy vậy, ông Greer - đại diện thương mại Mỹ - tỏ ra lạc quan: “Chúng tôi có thể đưa các thỏa thuận đến điểm mà Tổng thống có thể quyết định ký. Nếu là thỏa thuận tốt, ông ấy sẽ cân nhắc. Nếu không, ông ấy sẽ áp thuế.”
Việc điều phối 90 cuộc đàm phán cũng là một trở ngại lớn với một chính quyền đang thiếu nhân sự trầm trọng. Nhiều vị trí quan trọng trong Chính phủ Mỹ vẫn chưa được bổ nhiệm, trong khi các quan chức hiện tại bị phân tán vào nhiều nhiệm vụ khác.
Một yếu tố gây khó khăn nữa là sự thiếu nhất quán trong quan điểm thương mại giữa các cố vấn hàng đầu của ông Trump, một nhà ngoại giao khác tiết lộ. Mỗi người trong số họ lại có một cách tiếp cận khác nhau.
Một số nước như Anh, Australia và một vài quốc gia khác đã thảo luận về thương mại với chính quyền Tổng thống Mỹ từ khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể./.