Các tỉnh Đông Nam Bộ xử lý các khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công
Lãnh đạo các tỉnh Đông Nam Bộ đang triển khai giải pháp bồi thường, giải phóng mặt bằng; phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều địa phương vùng Đông Nam Bộ còn chậm do một số nguyên nhân liên quan đến pháp lý, giải pháp mặt bằng.
Lãnh đạo các địa phương đang triển khai các giải pháp trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Giải ngân còn chậm
Theo Sở Tài chính Đồng Nai, tính đến 20/3/2025, tỉnh giải ngân gần 883 tỷ đồng vốn đầu tư công, tương đương 5,6% kế hoạch, thấp hơn so với mức giải ngân bình quân chung của cả nước, hiện đang ở mức trên 7,2%.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Đồng Nai Phan Trung Hưng Hà cho rằng tình hình giải ngân chậm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đáng chú ý là sự chậm trễ trong hoàn thiện hồ sơ phê duyệt dự án, gây ảnh hưởng đến việc giao vốn kế hoạch năm 2025. Bên cạnh đó, phối hợp giữa chủ đầu tư các dự án có liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng và các địa phương cũng chưa hiệu quả. Ví dụ như dự án đường 25B, chủ đầu tư chưa bàn giao ranh mốc thực tế cho huyện Nhơn Trạch và dự án đường 25C, chủ đầu tư chưa phối hợp với huyện Long Thành để đăng ký nguồn vốn bồi thường.
Đối với các dự án khởi công mới, dù có cùng quy định chung, một số chủ đầu tư lại chậm trễ trong việc triển khai thiết kế bản vẽ thi công. Điều này dẫn đến việc cuối năm mới hoàn thành đấu thầu và chỉ thực hiện tạm ứng hợp đồng, không có khối lượng nghiệm thu để thanh toán.
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt gần 2.400 tỷ đồng tính đến ngày 27/3/2025, tương đương 9,12% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Theo Sở Tài chính Bà Rịa-Vũng Tàu, một số đơn vị còn có tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với mức chung của toàn tỉnh, như Ủy ban Nhân dân thành phố Phú Mỹ, thành phố Vũng Tàu, Ban Quản lý dự án chuyên ngành Giao thông và Dân dụng, Ban Quản lý dự án Giao thông khu vực và Chuyên ngành nông nghiệp, Công an tỉnh, Sở Y tế, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu.
Đáng chú ý, trong số 42 dự án được Hội đồng Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gia hạn thời gian bố trí vốn đến hết năm 2025 với tổng mức vốn khoảng 3.100 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 4,67%, thấp hơn so với mức giải ngân chung của toàn tỉnh. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các cơ quan, đơn vị có liên quan, nhằm đảm bảo tiến độ và chất lượng của các dự án trọng điểm.

Theo tình hình chung, giải ngân vốn đầu tư công cũng đạt thấp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh khi tính đến cuối tháng 3/2025 chỉ đạt 8,8% kế hoạch, giảm so với cùng kỳ. Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, nguyên nhân do các dự án chuyển tiếp đang tập trung khối lượng hoàn thành để thanh toán vốn tạm ứng, vốn kéo dài. Các dự án khởi công mới đang thực hiện lập thiết kế bản vẽ thi công-dự toán, chuẩn bị lựa chọn nhà thầu,… chuẩn bị đầu tư một số dự án dự kiến khởi công mới còn chậm nên chưa đủ điều kiện bổ sung vào kế hoạch đầu tư công năm 2025.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh cho biết một số dự án vướng mặt bằng xây dựng hoặc các thủ tục về đất đai (thoả thuận để áp giá đền bù, thủ tục thu hồi đất). Bên cạnh đó, dự án thành phần 4: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài đoạn qua tỉnh Tây Ninh được giao kế hoạch vốn lớn (tương đương 25% kế hoạch năm 2025) nhưng triển khai chậm do phụ thuộc vào tiến độ phê duyệt dự án đầu tư của Thành phố Hồ Chí Minh.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm
Nhằm đảm bảo mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, Sở Tài chính Đồng Nai đã đề xuất quy trình cụ thể. Theo đó, một đơn vị sẽ được giao nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan để làm việc chi tiết với từng chủ đầu tư và Ủy ban Nhân dân cấp huyện, nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện và giải ngân vốn. Đồng thời, đơn vị này cũng có trách nhiệm tổng hợp các vướng mắc để tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan giải quyết kịp thời, với tần suất báo cáo định kỳ 2 lần/tháng. Sở cũng kiến nghị phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân trong việc theo dõi tiến độ của từng dự án.
Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần quán triệt tinh thần trách nhiệm cao cùng với các đơn vị chủ đầu tư. Phải chủ động, sâu sát, nắm bắt cụ thể tình hình, xác định rõ các khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân gây chậm trễ trong phân bổ và giải ngân vốn của từng dự án để trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ một cách hiệu quả. Song song đó, việc tăng cường phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc và với các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân cấp huyện liên quan là yếu tố then chốt để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Hà nhấn mạnh tầm quan trọng của giải ngân vốn đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đồng thời đặt ra mục tiêu cụ thể đến ngày 30/11/2025 phải đạt tỷ lệ giải ngân 90% kế hoạch và cả năm 2025 phải giải ngân trên 95% kế hoạch vốn.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ yêu cầu các chủ đầu tư và các sở, ngành, địa phương cần tập trung cao độ vào việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, đặc biệt là giải phóng mặt bằng, vốn là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của các dự án. Đặc biệt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải nắm rõ từng công đoạn của công việc, lập kế hoạch chi tiết, sử dụng sơ đồ Gantt để theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, đảm bảo không để xảy ra chậm trễ.

Ông Nguyễn Văn Thọ cũng yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán đối với các khối lượng công việc đã hoàn thành, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý vốn đầu tư công.
Tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đến 30/6/2025 đạt 50%, phấn đấu hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng dự án thành phần 4 - Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài (giai đoạn 1) trước ngày 30/4/2025 để khởi công dự án đúng tiến độ và các dự án tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen.
Tây Ninh tiếp tục thực hiện điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2025 từ các dự án có khả năng không giải ngân hết số vốn được giao sang các dự án mới đã hoàn chỉnh thủ tục đầu tư theo quy định và các dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; khắc phục tình trạng chủ quan, thiếu tích cực, dồn giải ngân vào những tháng cuối năm, bảo đảm hoàn thành mục tiêu kế hoạch đầu tư công được giao./.