Nhiều tiềm năng và dư địa phát triển quan hệ song phương Việt Nam-Hy Lạp
Theo Đại sứ Việt Nam tại Hy Lạp, trong một số lĩnh vực, nhất là quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại, mức độ hợp tác giữa 2 bên chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển.
Năm 2025, Việt Nam và Hy Lạp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (15/4/1975-15/4/2025).
Nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Hy Lạp Phạm Thị Thu Hương đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nam Âu về ý nghĩa sự kiện, cũng như những thành tựu đã đạt được và triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Điểm lại những dấu mốc chính trong quan hệ hai nước, theo Đại sứ Phạm Thị Thu Hương, trải qua 50 năm, quan hệ truyền thống hữu nghị giữa hai nước ngày càng được tăng cường và phát triển tốt đẹp. Hai nước có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa lâu đời, có vị trí địa chính trị quan trọng, đều là nước đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Nhân dân Hy Lạp và Ðảng Cộng sản Hy Lạp từng tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Ðảng Cộng sản Hy Lạp nhiều lần ra tuyên bố lên án đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam, tổ chức các cuộc míttinh, biểu tình ủng hộ Việt Nam. Cho tới ngày nay, người dân Hy Lạp vẫn dành tình cảm, sự trân trọng đặc biệt đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và thiện cảm đối với người dân Việt Nam.
Tháng 3/2007, Hy Lạp mở Ðại sứ quán tại Hà Nội và tháng 12/2010, Việt Nam mở Ðại sứ quán tại Athens. Năm 2025 cũng là năm kỷ niệm 15 năm mở Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp.
Hai nước đã phối hợp tổ chức thành công các chuyến thăm, trao đổi đoàn các cấp, các ngành, đặc biệt là chuyến thăm chính thức của Tổng thống Katerina Sakellaropoulou tới Việt Nam (tháng 5/2022), chuyến thăm chính thức của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tới Hy Lạp (tháng 11/2021), chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (tháng 7/2018), chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikolaos Dendias (tháng 8/2022), chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Hy Lạp Dimitrios Koutsoumpas (tháng 7/2016).

Hai nước duy trì hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, y tế, kinh tế-thương mại, thể thao, văn hoá, khảo cổ, lao động, hàng hải... Việt Nam và Hy Lạp đã ký kết một số văn bản hợp tác nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương như Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, công nghiệp và công nghệ giữa hai nước năm 1996; Hiệp định khung về hợp tác du lịch năm 2007; Hiệp định về hợp tác văn hóa năm 2008; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư năm 2008; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Ngoại giao hai nước năm 2008; Bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Phát triển Hy Lạp năm 2008; Hiệp định vận tải hàng không năm 2009; Hiệp định hợp tác du lịch năm 2013; Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao năm 2018…
Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ ngoại giao giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam và Học viện Ngoại giao Hy Lạp năm 2022, Bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (HUHA) với 2 cơ sở giáo dục đại học của Hy Lạp là Đại học Kinh tế và Kinh doanh Athens (AUEB) và Đại học Kinh doanh Athens (BCA) năm 2022, Bản ghi nhớ của Trường Đại học Thuỷ lợi và Trường Đại học Patras năm 2025.
Hai bên đang tiếp tục đàm phán để ký kết Hiệp định Vận tải biển Việt Nam-Hy Lạp và Biên bản thỏa thuận về công nhận lẫn nhau chứng chỉ thuyền viên theo Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên (Công ước STCW), Bản ghi nhớ hợp tác về di cư và dịch chuyển lao động, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Hy Lạp đã viện trợ 250.000 liều vaccine AstraZeneca giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, trao tặng khoản tài trợ trị giá 50.000 euro cho Ủy ban Olympic Quốc gia Việt Nam, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào lũ lụt, người khuyết tật, nạn nhân chất độc màu da cam... của Việt Nam.
Hai nước phối hợp hiệu quả và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và quốc tế. Hy Lạp ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với Liên minh châu Âu (EU), là một trong những quốc gia phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác Toàn diện Việt Nam-EU (PCA), sớm thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và đã phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA), đồng thời ủng hộ Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.
Hai bên phối hợp chặt chẽ, đề cao chủ nghĩa đa phương; ủng hộ việc tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên các biển và đại dương; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Về kinh tế và thương mại, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Hy Lạp đạt hơn 500 triệu USD. Các mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Hy Lạp gồm giày dép, hàng dệt may, thủy sản, một số loại trái cây, sản phẩm nông nghiệp. Hy Lạp xuất khẩu sang Việt Nam một số mặt hàng giấy và bìa, nguyên liệu sản xuất thuốc lá. Về đầu tư, Hy Lạp có 6 dự án đầu tư vào Việt Nam.

Theo Đại sứ Phạm Thị Thu Hương, cộng đồng người Việt Nam tại Hy Lạp có quy mô nhỏ, luôn chăm chỉ làm việc, phấn đấu hội nhập và tuân thủ pháp luật sở tại, đồng thời có tinh thần yêu nước, gắn bó với quê hương. Bên cạnh đó, hiện có khoảng 500 lao động Việt Nam đang làm việc tại các địa phương của Hy Lạp trong nhiều lĩnh vực khác nhau như du lịch, khách sạn, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, xây dựng, hàng hải…
Đại sứ Phạm Thị Thu Hương đánh giá quan hệ Việt Nam-Hy Lạp trong thời gian qua được triển khai rộng khắp trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, y tế, giáo dục… Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực, đặc biệt là quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại, mức độ hợp tác chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và còn nhiều dư địa để phát triển.
Hàng hải là lĩnh vực hai nước có thế mạnh và nhu cầu hợp tác phát triển cao. Với hơn 3.000 km đường bờ biển, nằm trên tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch nối hai đại dương lớn Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Việt Nam có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biển. Vì vậy, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển toàn diện các ngành nghề trong lĩnh vực hàng hải.
Trong khi đó, Hy Lạp là quốc gia biển, có nghề truyền thống vận tải biển từ thời cổ đại và hiện nay vận tải biển là ngành công nghiệp quan trọng nhất của Hy Lạp, chiếm 6,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Hy Lạp có đội tàu lớn nhất thế giới với hơn 5.200 tàu. Hy Lạp cũng là một trong những thành viên sáng lập Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) từ năm 1958. Từ truyền thống, kinh nghiệm, năng lực vận tải biển của mình, Hy Lạp là một trong những đối tác quan trọng cần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực hàng hải của Việt Nam.
Trong lĩnh vực lao động việc làm, theo ước tính của Hy Lạp, thị trường nước này cần khoảng 300.000 lao động nước ngoài, bao gồm cả lao động thời vụ và lao động dài hạn, lao động có kỹ năng, tay nghề cao và lao động không có tay nghề trong tất cả cả các lĩnh vực: du lịch, chế biến thực phẩm, xây dựng, công nghiệp, công nghệ thông tin và nông nghiệp.
Tham gia cung ứng lao động cho thị trường Hy Lạp có 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam và nhiều nước ở châu Á. Việc có thêm người lao động Việt Nam tại Hy Lạp sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế của Hy Lạp, tạo công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam, đặc biệt là người lao động ở khu vực nông thôn, miền núi, giúp tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Lĩnh vực du lịch cũng là thế mạnh của hai nước. Theo thống kê của Hy Lạp, năm 2024, nước này đón 36 triệu lượt khách du lịch (gấp khoảng 3,5 dân số). Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn với 17,5 triệu lượt khách trong năm 2024, vừa có số người dân đi du lịch nước ngoài ngày càng tăng với 5,3 triệu lượt người đi nước ngoài trong năm ngoái. Người dân hai nước yêu thích các địa danh, cảnh đẹp của nhau nên tiềm năng hợp tác du lịch còn rất lớn. Hợp tác trong lĩnh vực du lịch còn bao gồm việc hợp tác đào tạo nghề, cung ứng lao động trong lĩnh vực du lịch.
Hợp tác trong giáo dục đào tạo là lĩnh vực mới ở bước khởi đầu, còn nhiều không gian để phát triển. Hy Lạp là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại, có truyền thống xuất sắc về học thuật với các trường đại học và học giả đẳng cấp thế giới. Trong mảng giáo dục đại học công lập, Hy Lạp có 24 trường đại học, trong đó có 4 trường bách khoa, đi đầu trong nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực. Bằng cấp của Hy Lạp được công nhận tại các quốc gia trên thế giới.
Các trường đại học Hy Lạp cung cấp hơn 170 chương trình học quốc tế, cấp bằng quốc tế, chương trình liên kết kép, các khóa học ngắn hạn Hè, Đông và thực tập… với nhiều ngành học khác nhau: từ các lĩnh vực lý thuyết như khảo cổ học, lịch sử đến các lĩnh vực khoa học như y học, sinh học, vật lý và sinh thái học, cũng như các ngành công nghệ như công nghệ thông tin, khoa học máy tính, kỹ thuật và viễn thông…

Bên cạnh đó, việc học tập tại Hy Lạp phù hợp với sinh viên Việt Nam do có khí hậu ấm áp, người dân thân thiện, sử dụng tốt tiếng Anh, chi phí sinh hoạt rẻ so với mặt bằng chung của châu Âu, cơ hội việc làm tốt. Việc hợp tác giáo dục, dạy nghề gắn với cung ứng lao động cho Hy Lạp và các nước trong khu vực châu Âu.
Về thương mại, hai nước đều có các mặt hàng nông nghiệp chất lượng cao và những mặt hàng thế mạnh riêng. Cụ thể, Hy Lạp có dầu oliu, rượu vang, trái cây Địa Trung Hải, các sản phẩm chế biến từ sữa, gia cầm... Việt Nam có nhiều sản phẩm thế mạnh nhưng chưa có mặt nhiều tại Hy Lạp như gạo, càphê, hạt điều, hạt tiêu, trái cây nhiệt đới, đồ gỗ…
Hy Lạp nằm ở Đông Nam Âu, ngã tư của châu Âu, châu Á và châu Phi. Với lợi thế có tuyến đường vận tải biển, dịch vụ hàng hải phát triển, việc giao thương với Hy Lạp sẽ là một cửa ngõ để hàng Việt Nam vào khu vực Đông Nam Âu nói riêng và châu Âu nói chung.
Để làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống, theo Đại sứ Phạm Thị Thu Hương, Việt Nam và Hy Lạp cần tiếp tục tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, không chỉ ở cấp cao mà còn ở cấp các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Hai nước cần cùng nỗ lực thúc đẩy quan hệ kinh tế có lợi cho cả hai bên, khuyến khích và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm và kết nối đối tác, tập trung vào một số lĩnh vực mà Việt Nam và Hy Lạp có thế mạnh và nhu cầu phát triển như hàng hải, kinh tế biển, sửa chữa tàu, cung ứng dịch vụ vận tải biển, khai thác cảng biển, nông nghiệp, thủy sản, chế biến thực phẩm, du lịch… và hợp tác trong việc đưa lao động Việt Nam sang Hy Lạp làm việc.
Hai bên cần phối hợp chặt chẽ để khai thác tối đa các cơ hội từ EVFTA. Để tạo khuôn khổ cho hợp tác kinh tế, hai nước cần thúc đẩy đàm phán để hoàn tất khuôn khổ pháp lý tiến tới ký kết Hiệp định Vận tải biển Việt Nam-Hy Lạp và Biên bản thỏa thuận về công nhận lẫn nhau chứng chỉ thuyền viên theo Công ước STCW, Bản ghi nhớ hợp tác về di cư và dịch chuyển lao động, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Việt Nam và Hy Lạp cần đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực song phương khác như hợp tác quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, thể thao, du lịch và giao lưu nhân dân. Hai nước cũng cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là trong ứng phó các thách thức phi truyền thống như dịch bệnh, Biến đổi Khí hậu trong các khuôn khổ Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), hợp tác ASEAN-EU.
Về kế hoạch tổ chức các hoạt động của Đại sứ quán trong năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Đại sứ cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp sẽ triển khai các hoạt động trong tất cả các lĩnh vực. Về kết nối địa phương, bên cạnh việc thúc đẩy kết nghĩa địa phương giữa một số tỉnh, thành phố của Việt Nam và Hy Lạp, Đại sứ quán sẽ phối hợp với phía bạn tổ chức đoàn chính quyền, doanh nhân và nghệ sỹ vùng Pella thăm, làm việc và biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam.
Về tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại sứ quán phối hợp Nhà xuất bản Thế giới thuộc Bộ Văn hóa và các đối tác tại Hy Lạp ra mắt một số sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh được dịch ra tiếng Hy Lạp. Tiếp tục thúc đẩy dự án đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Edessa.
Về ngoại giao văn hóa, Đại sứ quán phối hợp với phía Hy Lạp tổ chức tuần phim Việt Nam tại Athens, Thessaloniki và một số thành phố khác.
Về ngoại giao kinh tế, Đại sứ quán phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và Hy Lạp thúc đẩy đàm phán các hiệp định trong lĩnh vực hàng hải, thuế và lao động. Đại sứ quán tiếp tục phối hợp với các hiệp hội ngành nghề trong nước, mời các doanh nghiệp trong nước tham dự diễn đàn doanh nghiệp hai nước, tham dự hội chợ quốc tế (Hội chợ quốc tế Thessaloniki…), gặp gỡ, kết nối với các đối tác Hy Lạp theo nhu cầu.
Về các hoạt động kỷ niệm, Đại sứ quán phối hợp với các đối tác, xây dựng phóng sự kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hy Lạp, dự kiến tổ chức tiếp tân tại Athens và Thessaloniki, kết hợp tổ chức lễ hội ẩm thực Việt Nam, biểu diễn văn nghệ.
Về hoạt động trong khuôn khổ ASEAN, Đại sứ quán phối hợp với Đại sứ quán Indonesia, Thái Lan, Philippines chủ trì tổ chức Hội chợ từ thiện Bazaar ASEAN+ với sự tham gia của 10 cơ quan đại diện và tổ chức Friend of Child của Hy Lạp, nhằm giới thiệu văn hóa, ẩm thực, hàng hoá và hình ảnh đất nước, con người tới bạn bè Hy Lạp./.