Đại học Đà Nẵng mở thêm chuyên ngành mới, gồm cả trí tuệ nhân tạo

Trong kỳ tuyển sinh đại học chính quy năm 2023, Đại học Đà Nẵng dự kiến có 4 phương thức xét tuyển với hơn 15.000 chỉ tiêu và mở nhiều chuyên ngành mới.

Cận cảnh robot BK-AntiCovid do trường Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng chế tạo. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Trong kỳ tuyển sinh đại học chính quy năm 2023, Đại học Đà Nẵng dự kiến tuyển sinh hơn 15.000 chỉ tiêu và mở nhiều chuyên ngành mới.

Cụ thể Đại học Đà Nẵng có 4 phương thức xét tuyển gồm xét theo điểm thi Trung học Phổ thông; xét học bạ Trung học Phổ thông; xét tuyển sinh riêng và xét theo điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội hoặc Kỳ thi đánh giá năng lực của khối các trường sư phạm.

Đại học Đà Nẵng dự định sẽ mở mới một số chuyên ngành, chương trình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của xã hội, theo xu hướng chuyển đổi số như chuyên ngành Marketing số của trường Đại học Kinh tế; ngành trí tuệ nhân tạo của trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn; chuyên ngành công nghệ Nano của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh; ngành công nghệ kỹ thuật hóa học, ngành Robot và trí tuệ nhân tạo của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật…

Riêng với trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, kỳ tuyển sinh năm 2023, trường sẽ chủ trương giữ ổn định các phương thức tuyển sinh như năm 2022 với tổng chỉ tiêu dự kiến là 1.500 sinh viên. Trong đó, trường tổ chức 5 phương thức tuyển sinh. Đặc biệt, trường dự kiến tuyển sinh thêm 2 ngành mở mới là công nghệ kỹ thuật hóa học, robot và trí tuệ nhân tạo.

[Chuyển đổi số - hướng đi mới trong công tác đào tạo của ĐH Đà Nẵng]

Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Phan Cao Thọ cho hay trường tiếp tục có chính sách học bổng với tổng giá trị học bổng gần 1 tỷ đồng. Các thí sinh đạt thủ khoa, á khoa đầu vào đều được xét nhận các suất học bổng của nhà trường và doanh nghiệp.

Thời gian tới, các phòng chức năng của nhà trường sẽ tích cực xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, khoa học công nghệ, giáo dục STEM… nhằm kết nối chặt chẽ hơn với các trường Trung học Phổ thông để quảng bá các thông tin về tuyển sinh của trường; triển khai công tác tuyển sinh hiệu quả nhằm tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh đặt ra.

Với trường Đại học Kinh tế, năm nay trường dự kiến tuyển sinh khoảng 3.100 chỉ tiêu, theo 4 phương thức xét tuyển chung của Đại học Đà Nẵng và phương thức xét tuyển thẳng.

Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn dự kiến tuyển 1.500 chỉ tiêu cho 14 ngành/chuyên ngành. Trường mở thêm chuyên ngành mới Trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, về chính sách hỗ trợ, thí sinh trúng tuyển theo một trong các phương thức xét tuyển của trường có điểm học bạ hoặc điểm thi Trung học Phổ thông theo tổ hợp xét tuyển từ 26 điểm trở lên và có Thư giới thiệu của Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông thí sinh đang theo học (mỗi Hiệu trưởng chỉ được giới thiệu 1 học sinh) được xét hỗ trợ tài chính tương đương 100% học phí của 2 học kỳ đầu của khóa học và xét miễn phí chỗ ở 2 học kỳ đầu trong ký túc xá của trường.

Trường Đại học Bách khoa dự kiến tuyển hơn 3.500 chỉ tiêu gồm xét tuyển thẳng, xét điểm thi Trung học Phổ thông, xét học bạ, xét tuyển sinh riêng, xét điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và xét điểm thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức năm 2023./.

Võ Văn Dũng (TTXVN/Vietnam+)