Chứng khoán Việt Nam: VN-Index lên mốc cao nhất trong vòng 21 tháng
Giữa bối cảnh thị trường chứng khoán hưng phấn, nhà đầu tư có tài khoản chứng khoán của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect) vẫn chưa thể tham gia giao dịch.
Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tích cực ngay khi mở cửa phiên sáng nay. Sắc xanh được duy trì suốt phiên giao dịch nhờ dòng tiền lớn hàng tỷ USD liên tiếp được đẩy vào các dòng cổ phiếu.
Chốt phiên giao dịch ngày 28/3, VN-Index tăng 7,09 điểm lên 1.290,18 điểm. Đây là mốc chốt phiên cao nhất trong hơn 21 tháng (chỉ sau phiên 9/6/2022, VN-Index tăng 7,09 điểm lên 1.307,8 điểm). Khối lượng giao dịch đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương ứng hơn 25.868,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 254 mã tăng giá, 209 mã giảm giá và 80 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 1,07 điểm lên 243,92 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 86,5 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.855,9 tỷ đồng. Toàn sàn có 86 mã tăng giá, 85 mã giảm giá và 67 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,3 điểm lên 91,48 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 36,5 triệu đơn vị, tương ứng hơn 474,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 170 mã tăng giá, 110 mã giảm giá và 104 mã đứng giá.
Giữa bối cảnh thị trường chứng khoán hưng phấn, nhà đầu tư có tài khoản chứng khoán của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDirect) vẫn chưa thể tham gia giao dịch. Hôm nay đã là phiên thứ tư các nhà đầu tư này ngồi nhìn thị trường "leo đỉnh" và đây cũng là ngày thứ 4 sự cố của VNDirect vẫn chưa thể khắc phục.
Trước đó, sáng 24/3, toàn bộ hệ thống của VNDirect bị tấn công bởi một tổ chức quốc tế dẫn đến toàn bộ nền tảng giao dịch của VNDirect bị tạm thời không truy cập được.
Đêm muộn ngày 27/3, VNDirect có thông cáo cho biết mặc dù chưa hoàn thành việc khôi phục hệ thống nhưng thông tin của nhà đầu tư đã được đảm bảo an toàn.
Song song với việc khắc phục sự cố công nghệ, VNDirect cũng đang dự thảo các chính sách mới để chia sẻ và bù đắp với những bất tiện mà khách hàng gặp phải trong những ngày không thể giao dịch.
Trở lại diễn biến thị trường, hôm nay, VND là cổ phiếu ngành chứng khoán khá hiếm hoi ở chiều giảm giá. Trong khi đó, một loạt mã cổ phiếu chứng khoán tăng giá mạnh như AGR tăng kịch trần, BVS tăng 5,94%, MBS tăng 4,41%, HCM tăng 3,62%, VDS tăng 3,42%...
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là "đầu kéo" giúp thị trường lên mốc cao trong gần 2 năm. Rổ cổ phiếu VN30 có tới 18 mã tăng giá, trong khi chỉ có 7 mã giảm giá. Các mã ngân hàng trong rổ VN30 như TCB tăng tới 5,38%, STB tăng 3,56%, ACB tăng 1,25%...
Bên cạnh đó, các mã vốn hóa lớn hàng đầu như VIC tăng 1,17%, VHM tăng 1,88%. Ở chiều ngược lại, sắc đỏ chiếm ưu thế tại nhóm cổ phiếu thép, cao sư, dầu khí phần nào đó khiến đà tăng bị thu hẹp.
Tại hội thảo "Chọn danh mục-đón sóng lớn," ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS), cho rằng giai đoạn nới lỏng chính sách của Việt Nam đã bắt đầu từ tháng 4/2023 đến nay. Nghiên cứu của VPBankS cho thấy sự tương quan giữa nới lỏng chính sách và VN-Index là khi lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm, thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh và ngược lại.
Tham chiếu với tất cả chu kỳ nới lỏng chính sách trong quá khứ, thị trường chứng khoán đều tăng trưởng tốt. Do đó, cùng với triển vọng nâng hạng thị trường, ông Sơn cho rằng thị trường chứng khoán sẽ đi lên trong 1-2 năm tới.
"Thị trường chứng khoán sẽ có nhịp điều chỉnh nhưng xu hướng chủ đạo là đi lên," ông Sơn nói.
Theo vị chuyên gia này, niềm tin của nhà đầu tư đã quay lại, với dẫn chứng là thanh khoản thị trường tăng cao. Nếu khởi đầu năm 2023, thanh khoản đạt khoảng 13.000-14.000 tỷ đồng/phiên, trung bình cả năm là 18.000 tỷ đồng/phiên thì khởi đầu năm 2024 đã xuất hiện nhiều phiên giao dịch với thanh khoản từ 1-2 tỷ USD.
Trở lại diễn biến thị trường, trái ngược với sự hưng phấn của nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài đã liên tiếp bán ròng cổ phiếu Việt Nam.
Hôm nay, khối ngoại bán ròng 1.280 tỷ đồng trên toàn thị trường. Đây cũng là phiên thứ 12 liên tiếp khối ngoại bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam./.