Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Bộ máy mới không gây phiền hà cho doanh nghiệp

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh việc sắp xếp tổ chức, bộ máy phải gắn với phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương; sau sắp xếp, bộ máy mới phải vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Chấp hành nghiêm chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Chính phủ về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thiện nội dung đề án hợp nhất 2 bộ trình Chính phủ.

Sau sắp xếp, bộ máy mới sẽ vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, hiệu suất tốt hơn trước đây; không để bỏ trống các lĩnh vực quản lý Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ; không chồng chéo chức năng nhiệm vụ; không để ách tắc trong công việc hay gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Công việc đặc biệt quan trọng

Trong bài tham luận tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, được tổ chức theo hình thức trực tuyến sáng nay, 8/1, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết năm 2025, ngành Xây dựng cùng với các cấp, các ngành sẽ tăng tốc bứt phá, quyết tâm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Theo đó, ngành Xây dựng sẽ tiếp tục chủ động, tập trung để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, đặc biệt là các nhiệm vụ trong các Chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhất là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; đảm bảo chất lượng của các dự án, đề án, văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngay đầu năm 2025, Bộ Xây dựng có 2 dự án luật phải trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua, đó là Luật Cấp, thoát nước (trình Chính phủ trong tháng 1/2025) và Luật Quản lý phát triển đô thị (trình Chính phủ trong tháng 2/2025). Vì vậy, bộ sẽ tập trung triển khai theo đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ, chất lượng; thực hiện nghiêm, triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TW; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng sẽ triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Công điện số 130/CĐ-TTg ngày 10/12/2024 về việc đôn đốc chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội; tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính liên thông, dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường bất động sản, kịp thời xử lý, đề xuất biện pháp, giải pháp điều tiết thị trường bảo đảm thị trường phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững; tăng cường tuyên truyền, phổ biến những quy định mới để pháp luật thuộc ngành Xây dựng để chính sách mới sớm đi vào cuộc sống.

“Đặc biệt, chấp hành nghiêm chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Chính phủ về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Bộ Xây dựng đã thực hiện tổng kết Nghị quyết 18, cùng với Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện nội dung Đề án Hợp nhất 2 bộ trình Chính phủ,” ông Nghị thông tin.

Ông Nghị cũng nhấn mạnh Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng xác định rõ đây là công việc đặc biệt quan trọng; khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Do đó, mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, phải gương mẫu, quyết liệt trong quá trình thực hiện, bám sát các nguyên tắc của Đảng, cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn; nghiêm túc quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao, cùng vì sự nghiệp và nhiệm vụ chính trị chung; tin tưởng vào sự hợp nhất là sức mạnh.

“Việc sắp xếp tổ chức, bộ máy phải gắn với phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương. Sau sắp xếp, bộ máy phải vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, hiệu suất phải tốt hơn trước đây; không để bỏ trống các lĩnh vực quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ; không chồng chéo chức năng nhiệm vụ; không để ách tắc trong công việc, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp,” ông Nghị lưu ý.

Dự báo thời gian tới nguồn cung nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội sẽ có các chuyển biến tích cực giúp cho thị trường bất động sản dần tốt lên. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Người đứng đầu Bộ Xây dựng cũng bày tỏ tin tưởng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của bộ sẽ đồng thuận cao, quyết tâm thực hiện và dù ở bất cứ vị trí nào cũng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Dự báo nguồn cung nhà ở chuyển biến tích cực

Về những kết quả nổi bật trong năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết 2024 là năm có nhiều khó khăn và thách thức, song với sự đoàn kết, tập trung, nỗ lực với quyết tâm cao, Bộ Xây dựng đã triển khai các nhiệm vụ theo đúng mục tiêu, đảm bảo tiến độ đề ra. Đặc biệt là công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cải cách hành chính đã được đẩy mạnh; cơ chế, chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện, thị trường bất động sản từng bước được phục hồi qua giai đoạn khó khăn nhất, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từng bước ổn định.

Cụ thể, về phát triển nhà ở xã hội, ông Nghị cho biết triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030,” đến nay trên địa bàn cả nước đã có 645 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 581.218 căn.

Riêng năm 2024, cả nước có 28 dự án với quy mô 20.284 căn đã hoàn thành (tăng khoảng 46% so với năm 2023, tương đương khoảng 6.420 căn); 23 dự án với quy mô 25.399 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng (tăng khoảng 13% so với năm 2023, tương đương khoảng 3.000 căn); số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư là 113 dự án, tương đương 142.450 căn (tăng khoảng 101% so với năm 2023).

“Hầu hết các địa phương đã thực hiện quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.309 vị trí với quy mô khoảng 9.756 ha đất làm nhà ở xã hội,” ông Nghị nhấn mạnh.

Đối với Chương trình tín dụng 120.000 tỷ cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho vay khoảng trên 4.000 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 2.360 tỷ đồng.

Về quản lý thị trường bất động sản, ông Nghị cho hay trong năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành gần 20 văn bản gồm các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, công điện, với nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản tại các địa phương, doanh nghiệp cũng đã chủ động rà soát, phân loại các khó khăn, vướng mắc của các dự án; hướng dẫn, đôn đốc và tự chủ động tháo gỡ.

Theo đó, trong năm 2024, tổ công tác nhận được 47 văn bản về khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, người dân và doanh nghiệp liên quan đến 32 dự án bất động sản. Theo chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tổ công tác ban hành 25 văn bản để xử lý 47 kiến nghị nêu trên.

“Có thể nói, các khó khăn vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản đã từng bước được tháo gỡ, nguồn cung bất động sản đã dần được cải thiện. Với việc thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án dự án bất động sản, dự báo thời gian tới nguồn cung nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội sẽ có các chuyển biến tích cực giúp cho thị trường bất động sản dần tốt lên và vượt qua giai đoạn khó khăn nhất,” ông Nghị nhấn mạnh./.