Tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách về văn hóa, văn học, nghệ thuật

Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và các đơn vị liên quan cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn hóa, văn học, nghệ thuật đến đội ngũ văn nghệ sĩ; đặc biệt là kết quả Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị.

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh yêu cầu nêu trên tại Hội nghị Giao ban với Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương quý I/2023, diễn ra ngày 19/4.

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị.

Ghi nhận, biểu dương những kết quả mà Liên hiệp Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành đã đạt được trong thời gian qua, đồng chí Trần Thanh Lâm cũng đề nghị Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành cần tích cực, chủ động, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 215-KH/BTGTW, ngày 10/11/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, xem đây là đợt sinh hoạt chính trị, chuyên môn quan trọng của cả khối, qua đó tổng kết, đánh giá để kiến nghị với Đảng, Nhà nước về những vấn đề lớn, trọng tâm trong phát triển văn học, nghệ thuật thời gian tới.

Đặc biệt, Liên hiệp Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành cần bám sát các hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, sớm xây dựng kế hoạch tổng thể để tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước; tăng cường công tác thông tin, truyền thông bằng các hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả, phát động phong trào thi đua sáng tác trong toàn khối để hưởng ứng sự kiện quan trọng này.

Trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, hướng dẫn của Trung ương, các thông báo kết luận của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật, đồng chí Trần Thanh Lâm đề nghị Liên hiệp và các Hội tiếp tục rà soát lại nội dung hoạt động, bổ sung, hoàn thiện chương trình công tác năm 2023; kiện toàn tổ chức nhân sự các đơn vị trực thuộc theo đúng quy định; quan tâm, chú trọng công tác bồi dưỡng cán bộ, có đề án cụ thể để chuẩn bị tốt công tác quy hoạch cán bộ chủ chốt giai đoạn 2025 - 2030. Ngoài ra, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam cần chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tốt, kỹ lưỡng, chu đáo lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948 - 25/7/2023); hướng dẫn, đôn đốc các Hội Văn học, nghệ thuật địa phương, các chi hội trực thuộc tổ chức hoạt động chào mừng các sự kiện chính trị, ngày lễ lớn của đất nước…

Đồng chí Trần Thanh Lâm giao Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) làm đầu mối, phối hợp chặt chẽ với Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam, các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, các cơ quan có liên quan... để tiếp nhận và xử lý các đề xuất, kiến nghị của Liên hiệp và các Hội, báo cáo lãnh đạo Ban về những khó khăn, vướng mắc; sớm hoàn thiện Quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong xử lý những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong lĩnh văn hóa, văn học, nghệ thuật trình lãnh đạo Ban cho ý kiến…

Quang cảnh Hội nghị.

Theo báo cáo tại Hội nghị, trong quý I/2023, văn học, nghệ thuật nước nhà có nhiều hoạt động, kỷ niệm quan trọng. Trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động, chương trình nghệ thuật hưởng ứng, tuyên truyền các sự kiện chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, mừng Xuân, mừng Đảng. Các chương trình, hoạt động đạt chất lượng về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, tạo không khí vui tươi, đầm ấm, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, góp phần đảm bảo nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Các đơn vị nghệ thuật từng bước được phục hồi, các loại hình nghệ thuật đã có những tìm tòi, đổi mới đáng trân trọng, sân khấu truyền thống (điển hình là cải lương) có nhiều khởi sắc. Nhiều tác phẩm được in ấn, triển lãm, biểu diễn, nhiều chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp được dàn dựng công phu, có chất lượng, phong trào văn học, nghệ thuật quần chúng ở cơ sở được quan tâm, đầu tư. Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành đã xây dựng các chương trình, kế hoạch đưa tác phẩm văn học, nghệ thuật đến với công chúng, nhất là công chúng trẻ, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Báo chí, truyền thông, internet tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo, tạo lập diễn đàn, góp phần đa dạng hóa các kênh thông tin, truyền tải văn học, nghệ thuật đến với đông đảo công chúng. Công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng được các hội đầu tư triển khai với những chương trình, đề án cụ thể. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật tiếp tục được Liên hiệp Hội và các Hội chuyên ngành quan tâm, chú trọng. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường, thúc đẩy với những sáng kiến thiết thực. Nhiều hội tổ chức thành công các cuộc thi, giao lưu, liên hoan nghệ thuật quốc tế và khu vực tại Việt Nam, tích cực cử đoàn, gửi tác phẩm tham dự các hoạt động văn học, nghệ thuật tại nước ngoài, góp phần quảng bá văn học, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới.

Công tác quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật cũng có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp tục góp phần cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành các cơ chế, chính sách cụ thể. Công tác thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm trong các hoạt động văn học, nghệ thuật tiếp tục được tăng cường; ngân sách hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương được tháo gỡ giải ngân tạo điều kiện để Liên hiệp và các hội triển khai nhiệm vụ./.