Thanh Hóa chú trọng nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản

Chiều 21/8, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương đã có buổi khảo sát, làm việc tại Tỉnh ủy Thanh Hóa về tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa chủ trì buổi làm việc.

Đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu tại buổi làm việc.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, qua 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, tỉnh Thanh Hoá luôn quan tâm và nâng cao chất lượng công tác xuất bản, in, phát hành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chất lượng các xuất bản phẩm được quan tâm cả về nội dung và hình thức. Một số xuất bản phẩm có giá trị, đã đạt nhiều giải thưởng quốc gia, được bạn đọc ghi nhận và đánh giá cao. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã biên tập, in và phát hành nhiều tài liệu, ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của ngành, địa phương, với số lượng hàng trăm loại tài liệu, ấn phẩm mỗi năm. 

UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in, phát hành sách trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2006 - 2015, giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, ban hành Quy định về trợ giá, trợ cước trong phát hành xuất bản phẩm cho các vùng miền núi, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, tỉnh đặt hàng một số đầu sách phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Công tác xã hội hoá, huy động nguồn lực cho công tác xuất bản, in, phát hành được tăng cường, đội ngũ cán bộ, biên tập viên làm công tác xuất bản được quan tâm đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ.

Làm rõ hơn những kết quả tỉnh Thanh Hoá đạt được sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư, đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa khẳng định, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hoá sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản của Trung ương và của Tỉnh về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản, in, phát hành. Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa cũng đề nghị Trung ương ban hành quy định đồng bộ để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW trong thời gian tới.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận Thanh Hóa đã triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW. Trong thời gian tới, đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị tỉnh Thanh Hóa tập trung khắc phục tồn tại, hạn chế, tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến công tác xuất bản; tăng cường xây dựng tổ chức, ổn định bộ máy Nhà xuất bản Thanh Hóa, đội ngũ cán bộ, biên tập viên, nguồn lực, trang bị các điều kiện vật chất, kỹ thuật cho ngành xuất bản; quan tâm xây dựng văn hóa đọc phát triển sâu rộng trong cộng đồng dân cư, gắn với việc tổ chức các hội chợ sách, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Đồng chí Trưởng đoàn khảo sát cũng đề nghị, tỉnh Thanh Hóa quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong ngành xuất bản, nhất là đối với các biên tập viên. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực để nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản; thực hiện tốt việc liên kết trong các hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm giữa nhà xuất bản với các cơ quan, tổ chức nhà nước, tư nhân, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các đoàn thể...; khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh hoạt động in, phát hành theo đúng quy định của pháp luật. Nghiên cứu, triển khai các mô hình xuất bản mới phù hợp với sự phát triển của công nghiệp xuất bản hiện đại; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, mở rộng mạng lưới phát hành xuất bản phẩm đến mọi người dân, nhất là khu vực miền núi, vùng khó khăn./.