Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cho hoạt động xuất bản

Ngày 19/8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ hoạt động xuất bản và lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản”. Các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung khái quát những kết quả nổi bật của ngành xuất bản; đồng thời phân tích, làm rõ những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế, nhất là tình trạng một số xuất bản phẩm có chất lượng kém, có những nội dung vi phạm về tư tưởng chính trị đến mức phải xử lý; tình trạng buông lỏng hoạt động liên kết làm giảm vai trò, uy tín, thương hiệu nhà xuất bản; tình trạng thiếu hụt nguồn cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản vẫn còn diễn ra; việc thiếu một chiến lược đầu tư dịch thuật, quảng bá xuất bản phẩm ra nước ngoài...

Các ý kiến tại Hội thảo cũng nhấn mạnh đến việc cần tích cực tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản; trao đổi sâu về một số vấn đề lớn, làm tiền đề cho phát triển ngành, như: Mô hình nhà xuất bản, chính sách ưu đãi phù hợp với đặc thù, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo nhà xuất bản trong tình hình mới.

Các đại biểu cũng yêu cầu cần gấp rút xây dựng một chiến lược phát triển tổng thể ngành xuất bản lâu dài, bền vững, vừa bảo đảm tính chất đặc thù của hoạt động xuất bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, vừa thích ứng với quy luật phát triển của khu vực và thế giới; cải cách thủ tục hành chính phù hợp yêu cầu chuyển đổi số và hội nhập quốc tế; nghiên cứu, ứng dụng nền tảng số để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vi phạm bản quyền, sách lậu, sách giả; nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý của Cục Xuất bản, In và Phát hành trong công tác cải cách thủ tục hành chính...

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, thời gian qua, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, chủ động trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản; thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nội dung xuất bản phẩm; bảo đảm việc chỉ đạo, định hướng thống nhất, kịp thời...

Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội thảo.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá”, trên cơ sở tiếp thu các đề xuất, kiến nghị tại Hội thảo, trong đó có các ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản, đồng chí Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam đối với hoạt động xuất bản.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng lưu ý, cần phải xây dựng những cơ chế, chính sách đặc thù đối với loại hình doanh nghiệp các nhà xuất bản với tư cách là những đơn vị hoạt động trên lĩnh vực chính trị, văn hóa, tư tưởng. Trong đó có cơ chế, chính sách về giá thuê nhà đất, trụ sở, về miễn, giảm các loại thuế, về đầu tư cơ sở hạ tầng, chi phí xuất bản, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ, ưu đãi lãi suất vay vốn ngân hàng, các dự án đặt hàng lâu dài, có chiều sâu… Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan cần gấp rút xây dựng một chiến lược, một lộ trình áp dụng thế mạnh của công cuộc chuyển đổi số vào hoạt động xuất bản ở cả ba công đoạn: xuất bản, in, phát hành. Đặc biệt là khả năng kết nối trong việc khai thác nguồn dữ liệu, tìm hiểu, khai thác nhu cầu thị trường, thị hiếu người đọc./.