Phát huy tốt hơn nữa nguồn lực văn hóa của Thủ đô Hà Nội
Nhằm nhận diện rõ và sâu sắc hơn nữa các giá trị, nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội, phục vụ xây dựng và phát triển Thủ đô, ngày 21/3, Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo với chủ đề: Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội dự và phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Thành phố Hà Nội, các địa phương trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thủ đô Hà Nội được biết đến là “Thành phố di sản”, với quỹ di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có một di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội còn là “đất trăm nghề”, là địa bàn có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, có khoảng 70 không gian sáng tạo và 1.095 lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang bản sắc văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng.
Quán triệt và nhận thức một cách toàn diện, sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng về văn hóa, Thành phố Hà Nội đã tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa với mục tiêu là bảo vệ, bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, văn hóa dân tộc; phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, các công trình văn hóa. Thành phố đã dành nguồn lực đầu tư 3 lĩnh vực: Y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp khoảng 49.200 tỷ đồng. Trong 2 năm 2021-2022, đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp thành phố.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Hội thảo là sự tiếp nối, kế thừa và vận dụng những kết quả của các hội nghị, hội thảo khoa học vào thực tiễn cuộc sống đang diễn ra hết sức sôi động trên địa bàn thành phố. Qua Hội thảo này, thành phố sẽ có thêm nhiều sáng kiến tư vấn trong phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa nhằm xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, từ đó có thể sánh ngang tầm các thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 70 tham luận với hàm lượng khoa học cao, giàu tính thực tiễn, đa dạng về cách tiếp cận.
Các nhà khoa học đã tập trung làm rõ một số chủ đề như: Luận cứ khoa học về đặc tính và giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, vị trí, vai trò đặc biệt của văn hoá Thăng Long - Hà Nội; Nhận diện các nguồn lực văn hóa, các giải pháp để phát huy nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội, chuyển hóa nguồn tài nguyên nhân văn, nguồn vốn văn hóa để phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa và công nghiệp sáng tạo; Các giải pháp bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị của Thủ đô di sản, nhất là phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”; Các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện, trong đó có các giải pháp về cơ chế, chính sách, về phân cấp phân quyền, cơ chế hợp tác công tư, cơ chế xã hội hóa, cơ chế liên kết hợp tác cả trong và ngoài nước.
Phát biểu kết luận Hội thảo khoa học, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương khẳng định, Hội thảo có ý nghĩa thiết thực, quan trọng, vừa mang tính lý luận, tổng kết thực tiễn, phục vụ trực tiếp lãnh đạo xây dựng Thủ đô, ứng dụng vào đời sống.
GS.TS. Phùng Hữu Phú cảm ơn các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đóng góp cho thành công của Hội thảo và mong muốn các nội dung của Hội thảo sẽ tiếp tục được lan tỏa./.