Phát huy tiềm năng, nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững

Quan điểm phát triển nhanh và bền vững đã sớm được Đảng, Nhà nước ta đặt ra với nội dung ngày càng hoàn thiện và đã trở thành một chủ trương nhất quán trong lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển đất nước trong nhiều thập kỷ qua.

Ngày 16/5, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát huy tiềm năng, nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh, bền vững”.

Các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Hồ Xuân Trường, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, cùng các đồng chí lãnh đạo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Quang cảnh Hội thảo.

Hội thảo đã nhận được hơn 40 tham luận khoa học của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty, các chuyên gia, nhà nghiên cứu… Các tham luận tập trung làm rõ những nhóm nội dung cơ bản như: Cơ sở lý luận về phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế đất nước; thực trạng công tác lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế; nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng trong việc khơi dậy và phát huy các tiềm năng, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận vào những nội dung cốt lõi của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Trong đó, đề cập quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể các giai đoạn đến năm 2045 và đặc biệt gắn với 6 nhiệm vụ trọng tâm cùng 3 đột phá chiến lược: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.

Các ý kiến tập trung phân tích, làm rõ những thành tựu kinh tế Việt Nam; quan điểm của Đảng ta về phát triển kinh tế nhanh, bền vững; giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của xã hội để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường; phát triển nhanh, bền vững đất nước từ góc độ cộng đồng doanh nghiệp; vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện định hướng lớn của Đảng, phát triển, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Từ góc độ của các địa phương, một số tham luận đã đề xuất giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy vai trò, vị thế của địa phương trong khu vực động lực của vùng. Cùng với đó là cơ cấu lại nền kinh tế, ngành, vùng và sản phẩm chủ yếu theo hướng hiện đại, tập trung đề xuất các nguồn lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu...

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, Hội thảo đã hoàn thành tốt các nội dung theo chương trình đề ra. Nội dung thảo luận đã tập trung phân tích, đánh giá và làm sáng tỏ hơn về những tiềm năng, nguồn lực của đất nước; chỉ ra những cơ hội để Việt Nam tận dụng được thời cơ, vượt qua những khó khăn, thách thức.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Hội thảo.

Đồng chí Phan Xuân Thủy nhấn mạnh, quan điểm phát triển nhanh và bền vững đã sớm được Đảng, Nhà nước ta đặt ra với nội dung ngày càng hoàn thiện và đã trở thành một chủ trương nhất quán trong lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển đất nước trong nhiều thập kỷ qua. Với quan điểm xuyên suốt và thống nhất của Đảng, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, phát triển nhanh, bền vững ở Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại không ít những bất cập, thách thức.

Đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được ý kiến góp ý của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, các đơn vị và địa phương để Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục định hướng, đẩy mạnh tuyên truyền về phát huy tiềm năng, nguồn lực phát triển kinh tế nhanh, bền vững có chất lượng hơn, hiệu quả hơn, góp phần đưa các Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống./.