Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên của Đảng bộ tỉnh Thái Bình trong thời gian qua
Tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên là công cụ quan trọng nhằm tuyên truyền, giáo dục, truyền bá đường lối, quan điểm của Đảng, chích sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; là cầu nối giữa Đảng với nhân dân.
Đây cũng là vũ khí sắc bén kịp thời đấu tranh phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phê phán các quan điểm sai trái, lệch lạc, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; góp phần quan trọng vào việc giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình đã chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm xây dựng đội ngũ báo cáo viên các cấp. Đến nay đội ngũ báo cáo viên của đảng bộ tỉnh được thành lập ở cả 3 cấp, với 457 đồng chí, trong đó có 260 báo cáo viên là các đồng chí phó ban tuyên giáo thuộc 260 đảng bộ xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Đội ngũ báo cáo viên các cấp trong tỉnh đã thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của tỉnh trong những năm qua.
Để có được kết quả trên, trước hết, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chú trọng tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành một số văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên giáo nói chung, công tác tuyên truyền miệng và xây dựng đội ngũ báo cáo viên của đảng bộ tỉnh nói riêng. Trong đó đã tham mưu về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng; quy chế hoạt động báo cáo viên của đảng bộ tỉnh; quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của ban tuyên giáo đảng ủy xã, phường, thị trấn; đề án đổi mới, nâng cao chất lượng công tác báo cáo viên, tuyên truyền miệng của đảng bộ tỉnh giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020. Đặc biệt, đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua cơ chế, chính sách bảo đảm hoạt động của đội ngũ báo cáo viên đảng ủy cơ sở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Theo đó, với đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương được bảo đảm theo đúng quy định tại Thông báo số 13, ngày 28-3-2011 của Bộ Chính trị. Đối với báo cáo viên cấp xã, ngoài phụ cấp 0,2 từ sự vận dụng tại Thông báo số 13 của Bộ Chính trị, tỉnh còn có chế độ cho báo cáo viên mỗi tháng từ 0,69 đến 0,73 mức lương cơ bản tùy theo loại hình xã, phường, thị trấn.
Ngoài chế độ phụ cấp, báo cáo viên các cấp trong tỉnh được cung cấp một số loại tài liệu, báo, tạp chí, như thông tin báo cáo viên; báo Nhân Dân; bản tin Thông tin tham khảo; báo Thái Bình… Hằng tháng được cung cấp thông tin tại hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh và cấp huyện. Bên cạnh việc quan tâm đến chế độ, chính sách, cấp ủy, chính quyền các cấp còn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã đầu tư xây dựng và sửa chữa Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo, thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh; cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tư liệu, tài liệu cho trung tâm chính trị cấp huyện, trung tâm học tập cộng đồng cấp xã và đội ngũ báo cáo viên, bảo đảm hoạt động có chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ hai, thông qua việc triển khai, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên; đồng thời phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ báo cáo viên trong công tác tuyên truyền miệng.
Các cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị đã lãnh đạo xây dựng, quản lý và chỉ đạo hoạt động của đội ngũ báo cáo viên; xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để thông qua đội ngũ báo cáo viên kịp thời tuyên truyền chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, thông tin và định hướng tư tưởng, dư luận xã hội cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức chính trị, thống nhất tư tưởng, tăng cường đoàn kết, nhất trí trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội.
Thứ ba, tích cực đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên theo hướng phối hợp đồng bộ, đa dạng về hình thức, phù hợp với từng giai đoạn, thời điểm, với trình độ, văn hóa, nhận thức, tập quán của từng vùng dân cư. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào hoạt động công tác tuyên giáo nói chung và công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên nói riêng. Nâng cao tính định hướng và sức thuyết phục của hoạt động tuyên truyền miệng. Chủ động tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của các cấp ủy gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị. Chú trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp tuyên truyền nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh ngay từ cơ sở. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những âm mưu “diễn biến hòa bình”" của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và các quan điểm sai trái, tư tưởng lệch lạc, phản động.
Phát huy và duy trì nền nếp, có hiệu quả các hội nghị báo cáo viên định kỳ hằng tháng từ tỉnh đến huyện; hội nghị cán bộ hưu trung, cao cấp của tỉnh; hội nghị quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng cho hội viên Hội Nhà báo, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. 6 tháng một lần hoặc đột xuất, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị báo cáo viên toàn tỉnh để thông tin, định hướng những nhiệm vụ quan trọng của địa phương.
Thứ tư, quan tâm xây dựng và thường xuyên bổ sung, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên các cấp. Sau đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp ủy các cấp căn cứ các quy định, hướng dẫn hiện hành đã kịp thời kiện toàn đội ngũ báo cáo viên và đưa công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên đi vào nền nếp. Về cơ bản đội ngũ báo cáo viên các cấp có năng lực, phẩm chất, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tuyên truyền miệng trong giai đoạn hiện nay.
Ở cấp xã, căn cứ vào tình hình thực tiễn, việc bố trí, sắp xếp đội ngũ báo cáo viên được thực hiện theo hướng linh hoạt, đồng chí phó ban tuyên giáo kiêm báo cáo viên, vừa làm nhiệm vụ báo cáo viên, vừa tham gia mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội, tổ trưởng tổ khoa giáo thuộc ban tuyên giáo đảng ủy các xã, phường, thị trấn.
Định hướng hoạt động của báo cáo viên cấp xã với vai trò là phó ban tuyên giáo đảng ủy phải chủ động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, trưởng ban công tác mặt trận… để triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nắm bắt, xử lý thông tin, định hướng dư luận, góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong tư tưởng, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động, lôi kéo, chia rẽ nhân dân.
Thứ năm, tăng cường công tác quản lý hoạt động đi đôi với quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật thông tin, kiến thức cho đội ngũ báo cáo viên các cấp. Yêu cầu đặt ra đối với cấp ủy các cấp là phải thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, thông tri, quy định, đề án, quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thông qua, trên cơ sở sơ kết, tổng kết thực tiễn, tiếp tục xây dựng, bổ sung và ban hành quy chế hoạt động báo cáo viên phù hợp với tình hình địa phương, cơ sở. Chỉ đạo, quản lý hoạt động báo cáo viên, thường xuyên theo dõi, kiểm tra hoạt động của báo cáo viên trên địa bàn.
Các cấp ủy thường xuyên chỉ đạo, tổ chức thông tin những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, của cấp trên; cập nhật kiến thức mới, thông tin thời sự quốc tế, khu vực, trong nước, trong tỉnh cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ báo cáo viên. Chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên truyền miệng và cung cấp thông tin định hướng cho đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố trong công tác tuyên truyền, vận động ở cơ sở. Chú trọng tăng cường công tác thông tin nội bộ; cung cấp thông tin qua mạng lưới báo cáo viên các cấp trên cơ sở cải tiến nội dung, hình thức, bảo đảm tính định hướng, nhanh nhạy và hiệu quả, thông qua hội nghị báo cáo viên định kỳ và tiếp tục nâng cao chất lượng các tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên.
Từ thực tiễn qua một số sự kiện, vụ việc phức tạp, nhạy cảm, sự vào cuộc giải quyết một số điểm nóng trên địa bàn tỉnh của lực lượng báo cáo viên các cấp đã cho thấy vị trí, vai trò rất quan trọng của công tác tuyên truyền miệng trong việc giữ vững trận địa tư tưởng ngay từ cơ sở. Từ một số giải pháp chủ yếu đã được triển khai thực hiện và bằng nhiều hình thức, chú trọng hướng mạnh về cơ sở, hoà mình vào các phong trào của quần chúng, đội ngũ báo cáo viên các cấp đã tích cực hoạt động, kịp thời tuyên truyền định hướng, nắm bắt thông tin, diễn biến tư tưởng của các tầng lớp nhân dân, từ đó trực tiếp hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ có hiệu quả những vấn đề tư tưởng nảy sinh.
Kết quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên các cấp trong tỉnh thời gian qua đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần độc lập dân tộc; động viên, cổ vũ nhân dân phát huy ý chí tự lực, tự cường, ra sức thi đua phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh; bảo đảm sự ổn định chính trị, tư tưởng ngay từ cơ sở, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Qua công tác tuyên truyền miệng đã góp phần tăng cường sự gắn bó giữa Đảng với nhân dân, sự thống nhất tư tưởng và hành động trong Đảng, sự đồng thuận xã hội, bảo đảm cho các cấp uỷ trong toàn tỉnh phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên trên địa bàn tỉnh cũng còn một số hạn chế nhất định, như chất lượng, nội dung tuyên truyền miệng chưa đáp ứng nhu cầu và trình độ ngày càng cao của nhân dân; hoạt động của đội ngũ báo cáo viên ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; năng lực của một số báo cáo viên còn hạn chế; một số báo cáo viên cơ sở xã, phường, thị trấn tuổi cao, sức khoẻ yếu nên phần nào có khó khăn trong việc tác nghiệp, thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên truyền miệng, hiệu quả tuyên truyền chưa như mong muốn đề ra.
Để công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên thực sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, mục tiêu đặt ra là cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên, đồng thời tiếp tục thực hiện tốt phương châm cả hệ thống chính trị làm công tác tư tưởng, mỗi cán bộ, đảng viên là một tuyên truyền viên, trong đó lực lượng báo cáo viên làm nòng cốt. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp tình hình thực tiễn trong điều kiện hiện nay, cùng với đó tiếp tục tuyên truyền để các cấp uỷ, chính quyền xác định rõ hơn nữa vai trò của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên; từ đó tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ báo cáo viên đi đôi với thực hiện tốt các chế độ, chính sách phù hợp theo quy định; đồng thời, ban tuyên giáo các cấp, những người làm công tác báo cáo viên tiếp tục chủ động nâng cao năng lực, kỹ năng, bổ sung, cập nhật thông tin, kiến thức chuyên môn, tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật hiện đại, sử dụng các phương pháp tuyên truyền miệng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay./.
Đào Đình Hùng