Văn hóa - Động lực và hệ điều tiết sự phát triển

Những quan điểm lý luận, chủ trương, đường lối, chính sách văn hóa và vai trò điều tiết sự phát triển xã hội của văn hóa là những nội dung chính trong cuốn sách “Văn hóa - Động lực và hệ điều tiết sự phát triển” vừa được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản và ra mắt bạn đọc.

Cuốn sách “Văn hóa - Động lực và hệ điều tiết sự phát triển”

Cuốn sách bao gồm hai phần chính: “Một số vấn đề lý luận văn hóa” và “Tiếp nhận tác phẩm” là tập hợp những tiểu luận, bài viết của Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng trong 5 năm qua. Riêng phần một là những bài nghiên cứu lý luận mới nhất được thực hiện từ tháng 7/2021 cho đến tháng 8/2022. Bên cạnh bài viết chính định hướng chủ đề Phát triển văn hóa trở thành động lực nội sinh và hệ điều tiết phát triển theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, là các bài viết mới đặt ra những vấn đề trước đây trong nghiên cứu văn hóa còn ít hoặc chưa được đề cập đến như: Về chức năng điều tiết sự vận động và phát triển xã hội của văn hóa Việt Nam, Cảm nhận hay phác thảo về hệ giá trị quốc gia, Thời kỳ quá độ và sự nghiệp “trồng người”, Nghĩ về sự biến đổi và khả năng định hình các giá trị văn hóa, con người Việt Nam, Văn hóa đời thường với sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội hiện đại...

Theo tác giả, văn hóa thẩm thấu vào toàn bộ đời sống xã hội, là những giá trị, chuẩn mực đã trở thành nhu cầu tự thân, bên trong con người, chi phối, điều chỉnh suy nghĩ, tình cảm, hành vi và các mối quan hệ của mỗi người và cả cộng đồng, tạo nên các giá trị nhân cách, trở thành nền tảng tinh thần, định hướng và có sức mạnh điều tiết xã hội vì sự phát triển bền vững. Sức mạnh điều tiết của văn hóa không chỉ dừng lại ở những quan hệ cá nhân, cộng đồng mà còn có chức năng điều tiết các quan hệ của toàn xã hội, của một quốc gia, một dân tộc.

Các nghiên cứu mới thể hiện trong cuốn sách được nêu lên qua những tham chiếu từ kinh nghiệm vận dụng chức năng điều tiết phát triển xã hội của văn hóa ở Trung Quốc và các nước châu Âu cho đến những thành công của một số nước khu vực Đông Nam Á. Đối chiếu thực tiễn nước ta cùng những phân tích sâu sắc về hệ giá trị văn hóa-tinh thần Việt Nam, tác giả giúp người đọc từng bước nắm bắt được những định hướng đúng đắn về hệ giá trị văn hóa-tinh thần Việt Nam, phát huy chức năng điều tiết của văn hóa, kết hợp nhuần nhuyễn, khoa học chức năng điều tiết của văn hóa với chức năng điều chỉnh của pháp luật và xây dựng các giá trị quốc gia nhằm định hướng, điều tiết hoạt động của con người.

Nội dung phần hai của cuốn sách tập trung phân tích, bình luận về các vấn đề trong xây dựng, phát triển văn hóa, nghệ thuật và những vấn đề có liên quan. Đó là các suy nghĩ, thể hiện quan điểm, cảm nhận của tác giả về các công trình, tác phẩm nghiên cứu văn hóa nghệ thuật ở trong nước và quốc tế được chọn lọc từ “Nhật ký đọc sách” của Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng trong 5 năm qua, đề cập góc nhìn sâu sắc và hấp dẫn về văn hóa nghệ thuật Việt Nam, các nền tư tưởng, triết học có sức ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của văn hóa dân tộc, phân tích mặt thành công, những giá trị và đóng góp của các công trình, đồng thời gợi ý, chỉ ra nhược điểm, hạn chế nếu có... Các bài viết tập hợp trong phần hai cũng cho thấy những dẫn chứng sinh động về hệ giá trị, tình cảm cao đẹp của con người Việt Nam trong đấu tranh với thiên tai, địch họa và gần đây nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19, hay thực trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống ở một số nơi, mang đến cái nhìn khá toàn diện về đời sống văn hóa Việt Nam hiện đại.

Cuốn sách “Văn hóa - Động lực và hệ điều tiết sự phát triển” là tài liệu tham khảo hữu ích, cung cấp những tư liệu quý, thiết thực giúp bạn đọc hiểu rõ, sâu sắc hơn văn hóa Việt Nam./.