Hòa Bình phát huy vai trò của các công trình nghiên cứu lịch sử Đảng trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, trong những năm qua, công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng trong ở tỉnh Hòa Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển cả bề rộng và chiều sâu.

Một số công trình nghiên cứu lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống ngành được triển khai tại tỉnh Hòa Bình.

Các công trình nghiên cứu lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống được triển khai theo đúng quy trình khoa học

Nhiều đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu về lịch sử Đảng có nội dung quan trọng, ý nghĩa khoa học và thực tiễn được tổ chức triển khai. Nhận thức về vị trí, vai trò, tính cấp thiết của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng của các cấp uỷ, các cơ quan quản lý Nhà nước, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung, đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng nói riêng được nâng lên một cách rõ rệt, ngày càng sâu sát, hiệu quả hơn. Các công trình nghiên cứu, biên soạn, xuất bản và phát hành lịch sử Đảng bộ cấp tỉnh, huyện, xã, lịch sử truyền thống ngành, đoàn thể đều được cấp uỷ phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí trước khi tổ chức thực hiện; đồng thời, được tổ chức triển khai theo đúng quy trình khoa học: Sưu tầm - nghiên cứu - biên soạn; hội thảo - thẩm định - xuất bản và tuyên truyền giáo dục.

Quá trình triển khai công tác lịch sử Đảng đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học, các cán bộ lão thành, cán bộ lãnh đạo chủ chốt qua các thời kỳ, các nhân chứng lịch sử tham gia nên đã đóng góp, bổ sung nhiều tư liệu, sự kiện có giá trị, ngày càng làm rõ hơn những vấn đề lịch sử chung của toàn Đảng bộ, cũng như của các địa phương, đơn vị. Các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc, các ban, sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và nhiều cấp uỷ cơ sở đã chú trọng việc mời các cộng tác viên có trình độ chuyên môn tham gia nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn để đảm bảo chất lượng công trình.

Trong quá trình tổ chức sưu tầm tư liệu, đã chú trọng các nguồn tài liệu sống, tài liệu thành văn có lưu trữ ở các cơ quan từ Trung ương đến cơ sở. Các cấp uỷ đã chú trọng tổ chức hội thảo, giải quyết các vấn đề tư liệu, sự kiện, nhân vật lịch sử,… chưa thống nhất giữa Trung ương và địa phương, giữa huyện và xã; trên cơ sở đó, đưa ra kết luận; đồng thời, chú trọng quy trình duyệt, thẩm định bản thảo lần cuối trước khi xuất bản. Tất cả các công trình lịch sử trong tỉnh trước khi xuất bản đều thông qua Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thẩm định lần cuối, nhằm kịp thời bổ khuyết những sai sót; cùng với đó là hướng dẫn tổ chức tuyên truyền, phát huy giá trị của công trình lịch sử sau khi phát hành.

Phát huy vai trò của công trình lịch sử đảng trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng

Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng thông qua các cuốn lịch sử đảng hoặc truyền thống ngành được các cấp uỷ, các ban, sở, ngành, đoàn thể chú trọng. Các cuốn lịch sử đảng bộ, truyền thống được phát hành đến chi, đảng bộ trực thuộc, thư viện, điểm bưu điện văn hoá xã và trường học đóng trên địa bàn.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh thường xuyên, chú trọng xây dựng nội dung, lồng ghép trong chương trình, kế hoạch để tuyên truyền, giáo dục về lòng yêu nước, truyền thống lịch sử và cách mạng của đất nước, của địa phương, truyền thống của hội, đoàn thể,… cho hội viên, đoàn viên. Các huyện uỷ, thành uỷ chỉ đạo các cơ quan chức năng dành thời gian nhất định để sinh hoạt về lịch sử của đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương, của ngành thông qua các lớp tập huấn, các hội nghị, các buổi sinh hoạt của các đoàn thể...

Nhiều xã, phường, thị trấn phối hợp với nhà trường đóng trên địa bàn tổ chức nói chuyện ngoại khoá cho học sinh về đề tài lịch sử đảng bộ, về tấm gương các anh hùng, liệt sĩ của quê hương anh dũng hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Qua đó, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng; động viên cán bộ, đảng viên, Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Từ năm 2012 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai đề tài: “Biên soạn sách giáo khoa giảng dạy lịch sử đảng bộ địa phương trong trường phổ thông ở tỉnh Hoà Bình”; đề tài được Bộ Giáo dục - Đào tạo và Viện Lịch sử Đảng đánh giá cao, được ứng dụng vào thực tiễn với việc xuất bản hàng vạn cuốn sách giáo khoa và sách hướng dẫn giảng dạy “Lịch sử tỉnh Hoà Bình 1929 - 2010” cấp phát cho 100% trường phổ thông trong toàn tỉnh để phục vụ cho việc dạy và học lịch sử địa phương.

Một số địa phương trong tỉnh như: Đảng bộ huyện Lạc Sơn, Cao Phong, Lạc Thuỷ, Kim Bôi, Mai Châu và thành phố Hoà Bình đã chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, biên soạn cuốn Tài liệu tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng bộ và Nhân dân các huyện, thành phố làm tài liệu bổ trợ cho hoạt động giảng dạy, học tập môn lịch sử trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Tỉnh cũng chú trọng tổ chức sưu tầm, xác minh, thẩm định hồ sơ công nhận các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn, trong đó nổi bật là: Hồ sơ đi tích Nhà máy In tiền và Kho bạc đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại xã Cố Nghĩa (nay là xã Phú Nghĩa), huyện Lạc Thuỷ (di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia); Di tích Địa điểm Đại hội trù bị Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Di tích lịch sử tổ chức Nông hội Đỏ đầu tiên của tỉnh Hoà Bình tại huyện Lạc Thuỷ; Di tích lịch sử 4 chiến khu cách mạng của tỉnh (Chiến khu Mường Khói, Chiến khu Mường Diềm, Khu căn cứ Hiền Lương - Tu Lý, Khu căn cứ Cao Phong - Thạch Yên),...

Phát huy vai trò chủ lực của ngành tuyên giáo trong nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

Trong những năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoà Bình đã chủ động tích cực tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành các quyết định tổ chức triển khai nhiều công trình, đề tài lịch sử cấp tỉnh, như: Năm 2016, đã hoàn thành công trình nghiên cứu bổ sung, biên soạn và xuất bản Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hoà Bình 1929-2015 trên cơ sở tổng hợp 3 tập Lịch sử Đảng bộ tỉnh tập I (1929-1954), tập II (1954-1975), Tập III (1975-2000). Cùng với đó là việc xuất bản nhiều công trình chuyên sâu như: “Kỷ yếu Hội thảo Khoa học lịch sử Bộ đội Tây tiến với Hoà Bình” và “Kỷ yếu Hội thảo khoa học lịch sử Quan hệ đặc biệt Việt - Lào ở tỉnh Hoà Bình 1947 - 1989” xuất bản năm 2014; Hỏi - Đáp lịch sử tỉnh Hoà Bình 130 năm xây dựng và phát triển (1886 - 2016), xuất bản năm 2016; “Kỷ yếu Hội thảo 85 năm Ngày thế giới công nhận Nền Văn hoá Hoà Bình” xuất bản năm 2017; cuốn sách “Bác Hồ với tỉnh Hoà Bình”, xuất bản năm 2020,…

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoà Bình cũng được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh giao nhiệm vụ là cơ quan trực tiếp triển khai Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu, chỉnh sửa và bổ sung và xuất bản cuốn sách Địa chí tỉnh Hoà Bình”; cuốn sách được xuất bản vào tháng 6 năm 2020.

Với vai trò tham mưu tích cực, chủ động của ngành tuyên giáo, Tỉnh uỷ Hoà Bình đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học về “Quan hệ đặc biệt Việt - Lào ở tỉnh Hoà Bình 1947 - 1989”; Hội thảo khoa học “85 năm thế giới công nhận Nền Văn hoá Hoà Bình”. Đặc biệt tháng 12/2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hoà Bình phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp bộ kỷ niệm 70 năm Chiến dịch Hoà Bình (10/12/1951-10/12/2021) với chủ đề “Chiến thắng Hoà Bình – Thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược của Đảng và bài học lịch sử”.

Hội thảo khoa học “Chiến thắng Hoà Bình – Thành công xuất sắc về chỉ đạo chiến lược của Đảng và bài học lịch sử”, tháng 12/2021.

Đến nay, toàn tỉnh Hoà Bình đã có trên 30 ban, sở, ngành, đoàn thể xuất bản lịch sử truyền thống. 10/10 huyện, thành phố đã hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ; một số Đảng bộ như Lạc Thuỷ, Kim Bôi, Lương Sơn, Mai Châu,… đã biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ huyện đến năm 2020. Trong vòng 10 năm, các Đảng bộ cấp huyện đã ban hành 26 công trình lịch sử Đảng bộ huyện và 20 các công trình lịch sử khác. Tính đến năm 2022, có 137/151 xã trên toàn tỉnh đã xuất bản lịch sử Đảng bộ xã. Có 24 công trình đang trong quá trình sưu tầm, biên soạn, chỉnh sửa, chuẩn bị xuất bản.

Có thể nói, các ấn phẩm lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống được xuất bản đã tái hiện một cách khá đầy đủ, toàn diện, chân thực, sinh động lịch sử phong trào cách mạng của địa phương, đơn vị; đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, tính giáo dục. Đa số các ấn phẩm đều là những công trình được tổ chức biên soạn rất công phu, có giá trị, được các cơ quan chuyên môn cấp trên và đông đảo bạn đọc đánh giá cao, thiết thực góp phần giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh; đồng thời, cũng là tài liệu quan trọng xác minh, khẳng định những nhân vật lịch sử, đóng góp của các tầng lớp Nhân dân đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ quê hương, đất nước; đồng thời góp phần bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá, nhà lưu niệm, nhà truyền thống của địa phương./.

Đoàn Cần

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoà Bình