Lan tỏa tư liệu, hình ảnh 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam

Thiết thực kỷ niệm 80 năm ngày ra đời “Đề cương về Văn hoá Việt Nam” (1943-2023), được sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức Triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam. Triển lãm khai mạc ngày 27/2 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế và trưng bày tại Nhà hát Lớn, Hà Nội ngày 28/2.

Các đồng chí lãnh đạo cắt băng khai mạc Triển lãm.

Tới dự lễ khai mạc có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí Thư; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Cùng dự buổi lễ còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương.

Triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm “Đề cương về Văn hóa Việt Nam" giới thiệu tới người xem 80 bức ảnh quý, được bố cục thành 2 phần. Phần thứ nhất là các ảnh tư liệu, được chụp và lưu trữ từ năm 1945 đến nay, trong đó có bản chụp toàn văn Đề cương về văn hóa Việt Nam in trên Tạp chí Tiên phong số 1, tháng 11/1945; ảnh về Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946.

Các đại biểu tham quan Triển lãm ảnh.

Cũng trong phần 1, triển lãm giới thiệu nhiều hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các hoạt động văn hóa, văn nghệ và văn nghệ sĩ như hình ảnh các văn nghệ sĩ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự “Triển lãm văn hóa” tại Nhà Khai Trí - Tiến Đức, Hà Nội (góc phố Hàng Trống - Lê Thái Tổ hiện nay) năm 1945; Bác Hồ thăm lớp bổ túc văn hóa của bà con lao động Lương Yên, thăm Trường Văn hóa nghệ thuật Hải Phòng; Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 năm 1962 vui mừng đón Bác tới dự; Bác Hồ nói chuyện tại Hội nghị sơ kết của ngành văn hóa năm 1958; Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn tại Đại hội Đảng lần thứ 3 năm 1960; Bác Hồ nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương ở khu văn công Mai Dịch, Hà Nội, năm 1961; Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc ngâm thơ, bình thơ của các cụ phụ lão và các văn nghệ sĩ tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 1962…

Các đại biểu tham quan Triển lãm ảnh.

Phần thứ hai là ảnh về những thành tựu trong gìn giữ, phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hoá Việt Nam như: “Nghệ thuật Xòe Thái” được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp…

Ngoài những hình ảnh ghi lại những giá trị văn hóa trường tồn của dân tộc, triển lãm còn trưng bày các bức ảnh về một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao nổi bật những năm gần đây như: Hội thảo Văn hóa 2022 chủ đề ‘’Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa’’; Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, SEA Games 31…

Với sự cung cấp kịp thời các tư liệu từ các cơ quan, đơn vị liên quan, triển lãm được tổ chức trang trọng, thiết thực, có sức lan tỏa, gắn kết với các sự kiện văn hóa quan trọng của đất nước nhân dịp kỷ niệm 80 năm “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”. Thông qua các bức ảnh cho thấy, xuyên suốt chiều dài lịch sử 80 năm qua, từ khi bản Đề cương ra đời đến nay, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề phát triển văn hoá./.