Khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phần thứ hai gồm tuyển chọn 22 bài viết, bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong tổng số hơn 500 bài viết, bài phát biểu về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Tác phẩm có giá trị, ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nổi bật ở 4 điểm sau:
1. Tác phẩm khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bài Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng (tr.209-222 -TP) đã nêu rõ: “Kinh nghiệm lịch sử của cách mạng nước ta và phong trào cộng sản quốc tế đã khẳng định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng; sự tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng là quy luật phát triển của xã hội xã hội chủ nghĩa”.
Trong bài viết Công tác xây dựng Đảng: Nên đánh giá thế nào cho đúng (tr.237-249 -TP), đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế và mọi hoạt động xã hội khác. Không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì không thể có chủ nghĩa xã hội”, “Chăm lo xây dựng Đảng, thường xuyên củng cố, nâng cao sức mạnh của Đảng là một bảo đảm cơ bản quyết định con đường đi đúng đắn của dân tộc”.
Còn trong bài Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh - Điều kiện bảo đảm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng (tr.265-285 - TP), đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cho rằng: “Để có đủ khả năng và điều kiện lãnh đạo cách mạng đúng đắn và có hiệu quả, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức mạnh của Đảng về mọi mặt, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ sống còn của toàn bộ sự nghiệp cách mạng”.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (tr.296-321- TP), đồng chí Tổng Bí thư đã nêu bốn cơ sở lý luận và thực tiễn của việc tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong bối cảnh mới: Một là, xuất phát từ vai trò lãnh đạo của Đảng và tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Hai là, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của nước ta ngày càng to lớn, nặng nề, đòi hỏi Đảng phải nâng tầm lãnh đạo lên cao hơn nữa, nâng sức chiến đấu mạnh hơn nữa. Ba là, xuất phát từ thực trạng những hạn chế, yếu kém của bản thân Đảng. Bốn là, xuất phát từ sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động. Từ đó, đồng chí kết luận “phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với Đảng, chế độ ta”.
Có thể khẳng định, xuyên suốt các bài viết, bài phát biểu trong tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư cho thấy sự trăn trở, quan tâm đặc biệt đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sự nhất quán quan điểm về sự kiên định vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, chống chủ nghĩa cá nhân, chống suy thoái và sự hư hỏng trong Đảng.
2. Tác phẩm khẳng định những thành tựu quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong quá trình đổi mới
Trong nhiều bài viết của tác phẩm, trong đó có bài Công tác xây dựng Đảng: Nên đánh giá thế nào cho đúng (tr.237-249-TP) và bài Vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước (tr.340-365-TP) đã nêu rõ những thành tựu quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được trong quá trình đổi mới:
Thứ nhất, thành tựu nổi bật và quan trọng nhất là Đảng đã đề ra và từng bước bổ sung, hoàn thiện đường lối đổi mới một cách đúng đắn, sáng tạo, hình thành ngày càng rõ hơn mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Thứ hai, Đảng ta đã khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Ở những bước ngoặt của cách mạng, trước những diễn biến rất phức tạp của tình hình quốc tế, Đảng đã kịp thời có định hướng tư tưởng chính trị đúng đắn, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, chống những luận điệu thù địch, tạo cơ sở cho sự thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng và trong nhân dân.
Thứ ba, Đảng giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Có bước tiến về thực hiện dân chủ trong Đảng, lãnh đạo thực hiện dân chủ trong xã hội, phát huy trí tuệ tập thể, sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thứ tư, đổi mới, sắp xếp, kiện toàn một bước hệ thống chính trị của Đảng và các cơ quan nhà nước, bảo đảm sự lãnh đạo thông suốt, toàn diện trên các lĩnh vực; củng cố tổ chức cơ sở đảng; đổi mới công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; nhận thức ngày càng rõ hơn và cải tiến tốt hơn phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.
Cùng với những thành tựu về lý luận, một trong những thành tựu quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thể hiện trong tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư, đó là những kết quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.
3. Tác phẩm nêu ra nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
(1) Trong quá trình đổi mới, Đảng luôn luôn nắm chắc vai trò lãnh đạo, đồng thời tích cực tự đổi mới, tự chỉnh đốn một cách có hiệu quả. Thực tiễn cho thấy, muốn tiến hành đổi mới thành công, trước hết phải kiên định sự lãnh đạo của Đảng, coi đây là vấn đề nguyên tắc.
(2) Giữ vững bản chất giai cấp công nhân và tính tiền phong của Đảng. Đây là những vấn đề cơ bản và có tính nguyên tắc không chỉ đối với tất cả các Đảng Mácxít - Lêninnít chân chính, mà còn xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của Đảng ta - một đảng ra đời và trưởng thành ở một nước nông nghiệp lạc hậu, giai cấp công nhân còn nhỏ bé, tỷ lệ đảng viên xuất thân từ công nhân còn thấp.
(3) Kiên trì nguyên tắc tập trung dân chủ, chăm lo xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng.
(4) Thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ.
(5) Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, bảo vệ lợi ích thiết thực và quyền làm chủ của nhân dân. Kinh nghiệm thực tiễn chỉ rõ, ở đâu và lúc nào, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thường xuyên chăm lo lợi ích cho nhân dân, thì ở đó Đảng và dân có mối quan hệ tốt đẹp, cán bộ, đảng viên được dân tin, dân phục, dân theo và ngược lại.
(6) Đổi mới phương thức lãnh đạo và hoạt động của Đảng, coi đây là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là bảo đảm cho Đảng làm đúng chức năng lãnh đạo, phát huy mạnh mẽ vai trò của cơ quan chính quyền, các tổ chức kinh tế và các đoàn thể.
4. Tác phẩm chỉ ra những nhiệm vụ, giải pháp căn bản ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực thời gian tới
(1) Phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
(2) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở”, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế để “không thể” tham nhũng, tiêu cực.
(3) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, qua đó cảnh tỉnh, răn đe để không ai dám tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng theo tinh thần “4 hơn” (Làm tích cực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa) và “3 không”( Không đùn đẩy, không né tránh, không đổ lỗi khách quan trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực).
(4) Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới và tăng cường giám sát việc thực thi quyền lực.
(5) Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến địa phương; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở khu vực ngoài Nhà nước./.
PGS.TS Nguyễn Viết Thông