Đà Nẵng: Phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ Báo cáo viên và công tác tuyên truyền miệng
Công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên được Thành phố Đà Nẵng xác định là một trong những kênh thông tin chính thống, quan trọng, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố nắm được các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó kịp thời định hướng tư tưởng và dư luận xã hội trước những vấn đề nổi lên đáng quan tâm, tạo được sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.
Những kết quả nổi bật
Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư (Khoá X) "Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, đội ngũ Báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp Thành phố Đà Nẵng đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, có nhiều đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền ở cơ sở. Nhiều đồng chí năng nổ, nhiệt tình trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong các đợt cao điểm tập trung tuyên truyền nghị quyết đại hội đảng các cấp, các chủ trương, chính sách và tình hình Biển Đông, các chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 43-CT/TU ngày 25/12/2014 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, Chương trình Thành phố “4 an” và các chủ trương khác của thành phố về di dời, giải tỏa để bàn giao mặt bằng cho các dự án đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị...
Đặc biệt, trong các đợt cao điểm tuyên truyền về tình hình Biển Đông vào các năm 2011, 2012 và 2014, nhiều đồng chí Báo cáo viên Thành ủy và Báo cáo viên các cấp trực tiếp đến tận các khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố để thông tin, tuyên truyền, định hướng dư luận, góp phần tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.
Gần đây nhất, trong các đợt cao điểm tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương về phòng chống dịch bệnh COVID-19, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã kịp thời chỉ đạo công tác tuyên truyền, định hướng thông tin và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đây là đợt ra quân mạnh mẽ nhất của đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên từ thành phố đến cơ sở để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố.
Nhìn chung, các cấp ủy đảng từ thành phố đến cơ sở đã nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Qua đó, có những quan tâm thiết thực tới công tác tuyên truyền miệng cũng như xây dựng đội ngũ Báo cáo viên nhằm đẩy mạnh tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân; đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức triển khai quán triệt, học tập, tuyên truyền và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Ban Tuyên giáo các cấp đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy thường xuyên rà soát, bổ sung, kiện toàn đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên theo hướng tinh gọn, chú trọng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn, có tinh thần trách nhiệm trong công tác, có ý thức kỷ luật trong nói và viết, từng bước đáp ứng yêu cầu được giao.
Cùng với đó, chế độ cung cấp thông tin, tài liệu cho đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên thường xuyên được chú trọng. Ban tuyên giáo các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung sinh hoạt, bảo đảm duy trì chế độ thông tin hàng tháng, định kỳ tháng/lần (đối với cấp thành phố và các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc) và 3 tháng/lần (đối với cấp phường, xã); tổ chức hội nghị cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền cho đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên hoạt động.
Ngoài ra, các địa phương, đơn vị thường xuyên đặt mua các tạp chí, báo; sao gởi các tài liệu liên quan của Trung ương, thành phố đến từng Báo cáo viên, Tuyên truyền viên để tham khảo phục vụ công tác tuyên truyền ở cơ sở; tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Qua đó, giúp Báo cáo viên, Tuyên truyền viên nắm chắc phương pháp; nhiều Báo cáo viên đổi mới phương thức hoạt động, tích cực, chủ động ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào bài báo cáo, nâng cao được chất lượng bài tuyên truyền, thu hút người nghe. Đa số Báo cáo viên thường xuyên cập nhật thông tin, nghiên cứu tài liệu nhằm bổ sung kiến thức cho bản thân vận dụng vào thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền miệng.
Tồn tại, hạn chế
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng một số cấp ủy, người đứng đầu chưa nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên; thậm chí có nơi còn buông lỏng, khoán trắng nhiệm vụ này cho ban tuyên giáo, ban tuyên huấn.
Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin, tổ chức Hội nghị Báo cáo viên định kỳ hằng tháng chưa đúng theo quy định. Vẫn còn nhiều địa phương, đơn vị tổ chức lồng ghép với hội nghị giao ban công tác tuyên giáo hoặc hội nghị của cấp ủy. Do đó, việc theo dõi, trao đổi kinh nghiệm, định hướng tuyên truyền và đánh giá tình hình hoạt động không sát và chưa kịp thời.
Đặc biệt, trước những vấn đề lớn, dư luận quan tâm thì các nguồn tin chính thống mang tính định hướng vẫn còn chậm so với yêu cầu của tình hình. Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay, sự phong phú, đa dạng, đa chiều và tốc độ lan truyền ngày càng nhanh của thông tin, đặc biệt là trên các trang mạng xã hội dẫn đến tình trạng nhiễu thông tin, thậm chí “ma trận” thông tin, đôi lúc khó nhận biết thông tin nào là đúng, là sai, thông tin nào chính thống, thông tin nào là xuyên tạc, chống phá. Ngoài ra, một số tài liệu chính thống dưới dạng tài liệu mật, lưu hành nội bộ, nếu không linh hoạt sẽ khó khăn trong việc tiếp cận và tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Một tồn tại khác cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, đó là năng lực truyền đạt và chất lượng đội ngũ Báo cáo viên nhìn chung chưa cao. Chưa có nhiều Báo cáo viên có khả năng truyền đạt tạo sự lôi cuốn, thu hút người nghe, hình thức tuyên truyền chủ yếu một chiều, thiếu chủ động đối thoại hay trao đổi. Một số Báo cáo viên thiếu tính nhạy bén, tính chiến đấu trên mặt trận tư tưởng, thiếu khả năng phân tích, dự báo những vấn đề nảy sinh, chưa bám sát thực tiễn để kịp thời luận giải, định hướng tư tưởng, tâm trạng xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng lớn và trình độ ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, đồng thời đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch.
Các Báo cáo viên, Tuyên truyền viên đều làm công tác kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian để đầu tư nghiên cứu, tham khảo tài liệu, chưa chuẩn bị chu đáo các bài nói chuyện chuyên đề, nội dung tuyên truyền của mình; khả năng tuyên truyền miệng cũng như nghiệp vụ sư phạm của một số đồng chí Báo cáo viên còn hạn chế; nhiều đồng chí chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ một cách bài bản.
Một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các cấp ủy đảng trên địa bàn thành phố cần quán triệt, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 17-CT/TW. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng trong việc quan tâm, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên các cấp; xác định đây là một nội dung trọng tâm, thường xuyên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng.
2. Không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp trong hoạt động của đội ngũ Báo cáo viên các cấp. Tập trung khắc phục tình trạng thiếu sáng tạo, đơn điệu, một chiều. Tăng cường đối thoại giữa Báo cáo viên với người nghe và hướng mạnh về cơ sở. Ứng dụng sáng tạo, hiệu quả công nghệ thông tin và các phương tiện hỗ trợ trong quá trình hoạt động; đổi mới phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng cụ thể, nội dung thông tin kịp thời, chính xác và chính thống.
3. Chú trọng việc cung cấp tài liệu tuyên truyền, thông tin định hướng nhanh nhạy, kịp thời. Tham mưu làm tốt công tác biên tập, phát hành, sử dụng bản tin Thông tin nội bộ và các loại bản tin tổng hợp bảo đảm tính thời sự, tính khoa học, tính luận giải. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng Hội nghị Báo cáo viên thường kỳ để cung cấp thông tin cho đội ngũ Báo cáo viên. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các địa phương, đơn vị, cơ quan liên quan trong tổ chức điều tra dư luận xã hội, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, từ đó có thông tin khoa học, chính xác nhằm tham mưu, định hướng tốt trong công tác tuyên truyền.
4. Thường xuyên rà soát, củng cố đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chú trọng bản lĩnh chính trị lẫn năng lực chuyên môn của từng Báo cáo viên. Tổ chức các chương trình, đào tạo, bồi dưỡng Báo cáo viên, Tuyên truyền viên nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ này. Quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, chức năng, nhiệm vụ và quyền lợi; thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt định kỳ, chế độ khen thưởng và kỷ luật đối với đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên.
5. Nâng cao vai trò, vị trí và chức năng của Ban Tuyên giáo, Ban Tuyên huấn các địa phương, đơn vị trong công tác tham mưu cấp ủy trên lĩnh vực tuyên truyền miệng. Tham mưu cấp ủy cùng cấp chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện đảm bảo các quy định về công tác tuyên truyền miệng theo Chỉ thị 17-CT/TW và các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy. Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn, để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc nhằm tham mưu cấp ủy có hướng chỉ đạo giải quyết kịp thời./.
Đinh Văn Dũng,
Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng