Công tác tuyên truyền miệng hướng về cơ sở, sát dân, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Những năm qua, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam không chỉ phát huy vai trò hạt nhân trong việc “nói cho dân hiểu” các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị ở địa phương; mà còn là “cầu nối” giữa cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân, giữa lý luận và thực tiễn. Việc bám cơ sở, sát dân, đưa nghị quyết vào cuộc sống là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện Nam Trà My phát triển.
Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, Đảng bộ huyện Nam Trà My luôn chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm, nhận thức của các cấp ủy, Mặt trận và hội, đoàn thể, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, gắn với đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, nội dung của công tác tuyên truyền miệng.
Định kỳ hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và cuối năm, Huyện ủy Nam Trà My đều tổ chức hội nghị báo cáo viên để chuyển tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, những định hướng phát triển của đất nước, tỉnh, huyện cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Trên cơ sở đó, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên bám sát địa bàn được phân công, với những buổi tuyên truyền, giám sát, thực tế đời sống của người dân từ đó đưa nghị quyết các cấp của Đảng vào cuộc sống. Bên cạnh đó, việc bám cơ sở còn thể hiện ở việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, những khó khăn, vướng mắt, những vấn đề nóng, nổi cộm để tham mưu cho Huyện ủy, HĐND, UBND huyện kịp thời giải quyết.
Tiêu biểu như tại xã Trà Linh, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên được phân công thường xuyên tổ chức họp ngoài giờ hành chính ở những làng, khu dân cư thường xuyên xảy ra nạn trộm cắp sâm, mua bán trái phép đất trồng sâm,… để vận động, tuyên truyền nhân dân chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo an ninh vùng sâm của địa phương. Tại một số địa bàn khác, các báo cao viên, tuyên truyền viên cũng tham gia giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc về cơ chế, tranh chấp đất đai, vận động nhân dân hiến đất xây dựng nông thôn mới, đường giao thông nông thôn, sắp xếp khu dân cư, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với du lịch cộng đồng, tạo động lực thúc đẩy xã hội phát triển.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, mưa bão thường xuyên, ngoài những hội nghị được tổ chức tại hội trường, đi cơ sở, hoạt động trực tuyến ở điểm cầu từ trung ương, tỉnh, huyện về xã được triển khai đồng bộ, giúp đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chủ động giải quyết kịp thời những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Việc đưa nghị quyết vào cuộc sống còn tổ chức dưới nhiều hình thức như hội nghị chuyên đề, lồng ghép vào các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao, hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi từ huyện đến cơ sở... Nội dung thông tin, tuyên truyền bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy đảng trên các lĩnh vực, đảm bảo vừa mang tính thời sự, vừa phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở các địa phương; đồng thời truyền tải các nội dung, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đi đôi với nhiệm vụ tuyên truyền, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở các địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng và dư luận xã hội, báo cáo kịp thời với các cấp ủy đảng giúp cho công tác lãnh đạo kịp thời giải quyết tình hình, định hướng dư luận xã hội, góp phần đảm bảo an ninh chính trị ở cơ sở.