Chuyên đề: Kỹ năng, phương pháp, kinh nghiệm xây dựng đề cương và giới thiệu Nghị quyết của Đảng

Nghị quyết của Đảng là văn bản ghi lại các quyết định thông qua ở đại hội, hội nghị cơ quan lãnh đạo đảng các cấp, hội nghị đảng viên về đường lối, chủ trương, chính sách, kế hoạch và các vấn đề cụ thể. Chuyên đề nêu một số kinh nghiệm và kỹ năng tuyên truyền nghị quyết của Đảng.

PGS.TS. Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương giảng chuyên đề tại Hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền miệng, TP Hồ Chí Minh, 14/6/2022.

Mở đầu:

- Nghị quyết (còn gọi là quyết nghị), là những quyết định đã được chính thức thông qua ở một đại hội, hội nghị.

- Nghị quyết của Đảng là văn bản ghi lại các quyết định thông qua ở đại hội, hội nghị cơ quan lãnh đạo đảng các cấp, hội nghị đảng viên về đường lối, chủ trương, chính sách, kế hoạch và các vấn đề cụ thể. Như vậy có nghị quyết của Đại hội Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; nghị quyết của đại hội đảng các cấp, của Ban Chấp hành, Ban thường vụ các cấp…

- Tuyên truyền nghị quyết của Đảng là khâu quan trọng để đưa nghị quyết vào cuộc sống.

- Thực tiễn hơn 9 thập kỷ qua cho thấy nhiều nghị quyết cuả Đảng đi vào cuộc sống rất nhanh, nhưng cũng có không ít nghị quyết đi vào cuộc sông rất chậm chạp, khó khăn. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa hiểu sâu sắc, đầy đủ nghị quyết. Đảng ta đã nhiều lần nhấn mạnh phải đổi mới việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết. Trên thực tế đã có những đổi mới nhất định, nhưng so với yêu cầu còn nhiều hạn chế, bất cập. Đại hội XIII chỉ rõ: Việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện một số nghị quyết còn chậm, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Từ đó Đại hội XIII xác định: Tiếp tục đổi mới việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

- Vì vậy, trong những năm tới cần phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Chuyên đề nêu một số kinh nghiệm và kỹ năng tuyên truyền nghị quyết của Đảng.

I. MỘT SỐ KINH NGHIỆM TRONG TỔ CHỨC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT, TUYÊN TRUYỀN NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG

1. Nâng cao nhận thức về trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu cấp ủy và cán bộ, đảng viên trong quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng

- Đề cao trách nhiệm của đồng chí bí thư cấp ủy, yêu cầu bí thư cấp ủy phải là người chủ trì, chỉ đạo hội nghị quán triệt và trực tiếp triển khai nghị quyết của Đảng, nghị quyết của đảng bộ cấp mình, tránh tình trạng “khoán trắng” cho Ban Tuyên giáo các cấp, coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc tinh thần Thông báo Kết luận 169-TB/TW, ngày 02/8/2008 của Bộ Chính trị khóa X, phát huy tính năng động, sáng tạo hơn cho các cấp ủy đảng, địa phương, đơn vị trong việc tổ chức triển khai nghiên cứu, học tập các nghị quyết của Đảng.Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện”tự diễn biến“,”tự chuyển hóa“trong nội bộ”; Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII; đẩy mạnh quán triệt sâu rộng tới cán bộ, đảng viên; Quy định số 54 - QĐ/TW ngày 12/5/1999 của Bộ Chính trị khoá VIII về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng. Tăng cường giáo dục cán bộ, đảng viên nhận thức đúng việc học tập, nghiên cứu nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ và quyền lợi của người cán bộ, đảng viên.

2. Kinh nghiệm xây dựng các văn bản phục vụ việc học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng

Để phục vụ cho việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, ngoài văn kiện, cần có 3 loại tài liệu: (1) Kế hoạch; (2) Các tài liệu phục vụ việc học tập, quán triệt, tuyên truyền; (3) chương trình hành động thực hiện nghị quyết.

Một là, xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghị quyết.

- Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Đảng phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Kế hoạch phải ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo theo đúng tinh thần chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên; đồng thời, sát với thực tiễn của địa phương, đơn vị.

- Xây dựng và thực hiện đúng kế hoạch đề ra là thể hiện phương pháp làm việc khoa học, mang lại chất lượng, hiệu quả trong mọi lĩnh vực. Trong kế hoạch phải xác định rõ: (1) Mục đích, yêu cầu; (2) Nội dung, hình thức; (3) Báo cáo viên và thành phần tham gia nghiên cứu, học tập; (4) Thời gian, địa điểm, trang trí khánh tiết; (5) Tổ chức thực hiện và (6) Công tác bảo đảm, phù hợp với đối tượng cán bộ, đảng viên ở từng cấp và theo từng loại hình tổ chức cơ sở đảng. Sau khi đã có kế hoạch phải phổ biến đến các đối tượng và tổ chức thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch đã đề ra. Nếu có tình huống phát sinh ngoài kế hoạch cần giải quyết kịp thời, hợp lý.

Chẳng hạn, Chỉ thị 01 ngày 09/3/2021 Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Công tác tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cần được tiến hành thường xuyên, toàn diện, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, phong phú, sinh động. Nội dung tuyên truyền tập trung về thành công của Đại hội, về những nội dung cốt lõi của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; nhận diện đầy đủ những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức trong những năm tới; chú trọng đấu tranh phản bác các quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch và định hướng dư luận xã hội theo đúng phương châm "lấy xây làm chính", "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực"; phản ánh kịp thời, đầy đủ, toàn diện việc triển khai thực hiện Nghị quyết tới các tầng lớp nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài để góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

- Căn cứ vào hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, ban tuyên giáo cấp tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai nghị quyết và hướng dẫn cấp huyện triển khai. Ban tuyên giáo cấp huyện xây dựng kế hoạch triển khai ở cấp huyện; hướng dẫn cấp xã triển khai cho phù hợp với đặc điểm của cấp mình.

Hai là, biên soạn tài liệu phục vụ các đối tượng học tập, quán triệt và tuyên truyền nghị quyết của Đảng.

- Những năm gần đây, Ban Tuyên giáo Trung ương thường biên soạn ba loại tài liệu phục vụ các đối tượng: (1) Tài liệu dành cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên; (2) Tài liệu dành cho đảng viên và cán bộ cơ sở; (3) Tài liệu hỏi - đáp dùng để phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Đối với nghị quyết đại hội hoặc nghị quyết Trung ương quan trọng, Ban Tuyên giáo Trung ương còn biên soạn tài liệu tham khảo phục vụ nghiên cứu nghị quyết (Đại hội XIII còn có tài liệu về những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng).

Nhìn chung các tài liệu ngày càng phù hợp với từng loại đối tượng hơn, nhưng cũng còn nhiều ý kiến cho rằng vẫn như cũ. Do đó, cần phải tiếp tục đổi mới hơn nữa các loại tài liệu này.

- Trên cơ sở các tài liệu của Trung ương, tùy theo nội dung, yêu cầu của nghị quyết, Ban Tuyên giáo các cấp nghiên cứu biên soạn tài liệu học tập theo hình thức hỏi - đáp đối với đối tượng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, gắn với tình hình thực tiễn của địa phương cho phù hợp. Đối với nghị quyết của các cấp: Ban Tuyên giáo các cấp chủ trì biên soạn tài liệu cho phù hợp. Tốt nhất là dưới dạng Hỏi - Đáp. Cấp ủy các cấp chỉ đạo mua, in sao tài liệu, đảm bảo cán bộ, đảng viên được cung cấp tài liệu để triển khai học tập nghị quyết của Đảng.

Ba là, xây dựng chương trình hành động.

- Để nghị quyết đi vào cuộc sống, các cấp, các ngành phải xây dựng được chương trình hành động thực hiện nghị quyết. Vấn đề đặt ra là chương trình hành động phải thiết thực có tính khả thi, tránh tính hình thức. Trong những năm gần đây, tính hình thức của chương trình hành động có giảm đi, nhưng cũng còn nhiều ý kiến cho rằng vẫn như cũ, thậm chí có ý kiến cho rằng tăng lên.

- Chỉ thị 01 ngày 9/3/2021 Bộ Chính trị chỉ rõ: “Sau đợt nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội, các cấp uỷ, tổ chức đảng, các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội khẩn trương tiến hành xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị, thể hiện sự quyết tâm, sáng tạo và bảo đảm tính khả thi, thiết thực, hiệu quả”.

Vì vậy, cần căn cứ vào nghị quyết của Đảng, căn cứ vào thực tế của địa phương mà xây dựng chương trình hành động cho phù hợp. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của cấp ủy, chính quyền thực hiện nghị quyết của Đảng phải được thực hiện với quyết tâm “Chương trình một, hành động mười, thực hiện một trăm”.

- Ngay sau hội nghị học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, cấp ủy các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương chỉ đạo việc xây dựng, rà soát, bổ sung, sửa đổi chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết, có sự thống nhất với nghị quyết đại hội đảng bộ cấp trên và của cấp mình, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ. Trong đó, các mục tiêu, chỉ tiêu đưa ra phải có tính khả thi, tính chiến đấu cao, thể hiện ý chí, quyết tâm khát vọng vươn lên của mỗi cấp, ngành, mỗi tập thể, cá nhân và có giải pháp thực hiện đảm bảo khả thi, hiệu quả.

- Trước khi ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết nhất thiết phải tổ chức thảo luận, lấy ý kiến, trước hết ở trong tập thể cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy; tăng cường mở rộng lấy ý kiến góp ý trong cán bộ, đảng viên; đồng thời báo cáo xin ý kiến góp ý, tham gia của cấp ủy cấp trên. Cán bộ chủ chốt phải trực tiếp tham gia góp ý xây dựng chương trình hành động, không giao phó cho bộ phận tham mưu. Khi ban hành phải được quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhất là các đối tượng trực tiếp triển khai thực hiện. Việc quán triệt chương trình hành động tốt nhất do bí thư cấp ủy trực tiếp thực hiện.

- Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phải được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực, đồng thời có sự phân công trách nhiệm và quy định thời gian thực hiện cụ thể, tránh chung chung. Tập thể cấp ủy phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp ủy viên theo lĩnh vực công tác. Gắn trách nhiệm cá nhân cấp ủy viên phụ trách đơn vị, lĩnh vực trong suốt quá trình triển khai thực hiện.

- Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch hành động cá nhân thực hiện nghị quyết phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao.

- Các tổ chức, cá nhân được phân công chuẩn bị chương trình hành động cần đầu tư công sức, trí tuệ, thời gian vào công việc này. Nghị quyết liên quan đến ngành nào thì ngành đó được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo chương trình hành động.

- Vấn đề cần lưu ý là: Không nên máy móc cấp trên có bao nhiêu chương trình hành động thì cấp dưới có bấy nhiêu chương trình hành động và đặc biệt là cấp dưới không được sao chép chương trình hành động của cấp trên.

3. Kinh nghiệm tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Đảng

Để hội nghị học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết có kết quả thiết thực, cấp ủy các cấp cần làm tốt những nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, coi trọng việc lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên.

Có hai loại báo cáo viên: Các báo cáo viên trình bày nghị quyết và các báo cáo viên trình bày chương trình hành động.

- Báo cáo viên trình bày nghị quyết: Trình độ, khả năng truyền đạt của báo cáo viên có tác dụng rất lớn đến hiệu quả triển khai nghị quyết, nên tuỳ theo nội dung của mỗi nghị quyết mà lựa chọn đội ngũ báo cáo viên cho phù hợp. Đối với nghị quyết Đại hội hoặc Hội nghị Trung ương ban hành nhiều nghị quyết cần lựa chọn đội ngũ báo cáo viên chuyên sâu. Đề cao vai trò của đồng chí bí thư cấp ủy trong việc trực tiếp truyền đạt nghị quyết của Đảng, trong chỉ đạo việc thành lập và bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên của cấp ủy. Báo cáo viên phải được dự hội nghị thông báo nhanh, dự hội nghị cán bộ chủ chốt và tốt nhất mở các hội nghị bồi dưỡng báo cáo viên, được cung cấp đầy đủ các loại tài liệu. Đội ngũ báo cáo viên Trung ương hỗ trợ cấp tỉnh, cấp tỉnh hỗ trợ cấp huyện, cấp huyện hỗ trợ cấp xã.

- Báo cáo viên trình bày chương trình hành động: Cơ quan nào được phân công chủ trì chuẩn bị chương trình hành động thì thủ trưởng cơ quan đó báo cáo trước hội nghị và giải đáp thắc mắc của người học. Ban tuyên giáo các cấp có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ này. Bởi vì, họ không phải là báo cáo viên chuyên nghiệp.

Thứ hai tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Đảng và thảo luận thông qua chương trình hành động ở các cấp.

- Sau khi đã chuẩn bị xong dự thảo chương trình hành động, chuẩn bị đội ngũ báo cáo viên, tài liệu..., cần khẩn trương tổ chức hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết. Không nên để lâu hoặc kéo dài đợt nghiên cứu, tuyên truyền nghị quyết gây ra cảm giác “quanh năm học nghị quyết”, hoặc hiện tượng “dồn ép” trong triển khai nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết.

Có thể chia thành 2 đợt:

Đợt 1: Hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết.

Đợt 2: Thảo luận chương trình hành động.

- Tại mỗi hội nghị học tập, quán triệt cần thiết phải thành lập ban tổ chức hội nghị do đồng chí bí thư cấp ủy làm trưởng ban để giúp cấp ủy tăng cường quản lý, theo dõi việc học tập, nghiên cứu nghị quyết của cán bộ, đảng viên, khắc phục tình trạng tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập không cao. Sau quán triệt học tập, phải tổ chức cho cán bộ, đảng viên viết thu hoạch (có gợi ý nội dung và yêu cầu cụ thể) bằng nhiều hình thức như: viết bài thu hoạch cá nhân và nộp về ban tổ chức hội nghị hoặc ban tổ chức hội nghị mở chuyên mục để cán bộ, đảng viên viết bài, gửi bày tỏ quan điểm, ý kiến, nhận thức của mình và đề xuất các giải pháp để thực hiện nghị quyết ...

Ban tổ chức hội nghị có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo cấp ủy cùng cấp và cấp ủy cấp trên kết quả học tập, nghiên cứu của cán bộ, đảng viên; kịp thời biểu dương hoặc phê bình, nhắc nhở và làm cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ và chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hàng năm.

- Trong các hội nghị trên, cần thiết phải bố trí thời gian thảo luận nội dung nghị quyết và dự thảo chương trình hành động, giải đáp thắc mắc. Trong những năm qua, các cấp đã coi trọng hơn phần thảo luận, giải đáp. Tới đây, việc thảo luận, giải đáp cần được coi trong hơn. Lựa chọn những nội dung cơ bản, những vấn đề bức xúc để thảo luận. Thời gian dành cho thảo luận ít nhất phải bằng, tốt nhất là nhiều hơn thời gian giới thiệu nghị quyết và chương trình hành động.

Từng bước đa dạng hóa hình thức tổ chức quán triệt học tập, quan triệt, tuyên truyền nghị quyết của Đảng; tùy theo yêu cầu của từng nghị quyết để áp dụng hình thức tổ chức cho phù hợp, như:

(1) Duy trì hình thức tổ chức hội nghị ở các cấp: Tổ chức hội nghị dành cho cán bộ chủ chốt cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và hội nghị dành cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Đối với hội nghị dành cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, các cấp ủy đảng cần căn cứ vào điều kiện thực tế, số lượng đảng viên để tổ chức các lớp với quy mô và hình thức học tập thật sự hiệu quả.

(2) Kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến (hình thức phổ biến hiện nay).

(3) Tổ chức theo hình thức truyền hình, truyền thanh trực tiếp: Tuỳ theo tính chất, nội dung, có thể tổ chức hội nghị truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thành phố; các điểm hội nghị tại các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy và các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cùng dự học thông qua theo dõi truyền hình, truyền thanh trực tiếp và được thông báo rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cùng theo dõi (một số tỉnh, thành phố… đã thực hiện).

(4) Tổ chức theo nhóm đối tượng (ví dụ văn nghệ sĩ, trí thức, báo chí…): Đối với những nghị quyết chuyên đề, sau khi tổ chức học tập, quán triệt cho cán bộ, đảng viên bằng các hình thức trên, các cấp ủy (cấp trên cơ sở trở lên), cơ quan, đơn vị cần tổ chức hội nghị nghiên cứu chuyên sâu dành cho cán bộ, đảng viên thuộc ngành, lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện nghị quyết.

Sau mỗi hội nghị, từng học viên phải viết bản thu hoạch (viết bằng tay). Nội dung thu hoạch phải bao gồm 3 nội dung cơ bản: một là, về nhận thức; hai là, đề xuất những giải pháp của cấp mình thực hiện nghị quyết; ba là, liên hệ trách nhiệm bản thân.

Thứ ba, đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi học tập nghị quyết

- Mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng phải nâng cao nhận thức chính trị, coi việc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng là việc làm nghiêm túc, tự giác, trách nhiệm cao.

- Thực hiện nghiêm túc việc ghi chép, thảo luận; tùy từng nội dung nghị quyết và đối tượng học tập, cấp ủy chỉ đạo viết thu hoạch sau khi học tập, quán triệt nghị quyết. Nội dung thu hoạch ngắn gọn, tập trung chủ yếu vào việc nêu nhận thức của cá nhân và ý kiến đề xuất về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện nghị quyết.

- Mỗi cán bộ, đảng viên cần nắm vững và thực hiện đúng đắn, sáng tạo nghị quyết của Đảng. Từ đó, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất về ý chí và hành động cách mạng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác sơ kết, tổng kết; biểu dương, khen thưởng việc triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng

- Hàng năm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp tổ chức kiểm tra, giám sát việc quán triệt học tập, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng. Qua đó, kịp thời phát hiện hạn chế, vướng mắc để khắc phục; biểu dương, phê bình, xử lý tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên trong việc học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng. Lấy kết quả thực hiện chương trình hành động thực hiện nghị quyết là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, đánh giá tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan đơn vị hằng năm và trong cả nhiệm kỳ.

- Các cấp ủy cần phân công đồng chí thường vụ, cấp ủy viên, cán bộ tuyên giáo theo dõi, kiểm tra, giám sát việc tổ chức quán triệt học tập, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghị quyết của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới.

- Chú trọng và thực hiện có hiệu quả công tác sơ kết, tổng kết đánh giá và biểu dương, khen thưởng những cá nhân, địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt. Phê bình những cá nhân, địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện không tốt; kỷ luật, kiểm điểm những trường hợp làm sai, làm trái nghị quyết và các chương trình hành động.

Thứ năm, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tăng cường tuyên truyền, phổ biến nghị quyết của Đảng tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân

Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng… kịp thời xây dựng kế hoạch, tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, đảm bảo nghị quyết của Đảng đến với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân nhanh nhất, hiệu quả nhất.

4. Một số kinh nghiệm báo cáo nghị quyết của Đảng

(1) Chuẩn bị đề cương báo cáo

Các báo cáo viên phải chuẩn bị đề cương báo cáo nghị quyết một cách công phu, khoa học. Để có đề cương tốt, cần làm tốt những việc sau:

Một là, nghiên cứu kỹ các loại tài liệu

- Văn kiện Đại hội, hội nghị Trung ương (bài phát biểu khai mạc, bế mạc, thông báo hội nghị; Bản giải trình của Đoàn Chủ tịch tại Đại hội hay Bộ Chính trị, Thường vụ cấp ủy, tại hội nghị Trung ương, hội nghị cấp ủy; nghị quyết).

- Văn kiện Đảng liên quan.

- Các loại tài liệu do Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan khác biên soạn.

- Các tài liệu liên quan của địa phương, đơn vị (văn kiện hội nghị, báo cáo tổng kết, sơ kết...), v.v…

Hai là, nắm chắc trình độ học vấn, hiểu biết của đối tượng học tập nghị quyết của Đảng.

Ba là, soạn đề cương báo cáo theo những nội dung thật cơ bản và mới, chú ý gắn với thực tiễn và những vấn đề cần thiết phải thực hiện ở cơ quan, địa phương, đơn vị.

Đề cương phải rõ ràng, ngắn gọn, không nên viết nhưu bài luận.

Cần lưu ý: Khi chuẩn bị đề cương báo cáo, báo cáo viên cần phân bổ thời gian cho từng vấn đề, phân bổ càng chi tiết về thời gian và thực hiện nghiêm túc quỹ thời gian đã phân bổ sẽ khắc phục được tình trạng “cháy giáo án”, hoặc tránh được tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, mất cân đối trong báo cáo...

(2) Nội dung và phương pháp báo cáo nghị quyết của Đảng

Căn cứ vào đối tượng để lựa chọn nội dung và hình thức, phương pháp và cách trình bày và phân bố thời gian cho hợp lý.

a - Về nội dung

- Nắm chắc và sâu sắc nghị quyết, nhất là những điểm mới trong nghị quyết. Tập trung trình bày những điểm mới trong mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp. Chú ý làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của những điểm mới Làm chủ kiến thức trình bày.

- Nắm rõ đặc điểm của người học để chủ động lựa chọn nội dung và phương pháp trình bày.

- Bám sát nội dung nghị quyết, đồng thời coi trọng gợi mở trong thực tiễn.

- Phối hợp chặt chẽ với các báo cáo viên khác trong trường hợp trình bày các chuyên đề trong nghị quyết (nhất là nghị quyết đại hội) để tránh trùng lặp.

b - Về phương pháp

Báo cáo viên có thể áp dụng các phương pháp sau:

Thứ nhất, phương pháp hiện đại nhất:

- Người học đọc tài liệu trước, nêu vấn đề yêu cầu báo cáo viên trình bày, giải đáp.

- Báo cáo viên trình bày, giải đáp và gợi mở (cả lý luận và thực tiễn).

Thứ hai phương pháp đối thoại, trao đổi

- Người học nêu vấn đề hoặc báo cáo viên nêu vấn đề.

- Báo cáo viên cùng người học trao đổi, thảo luận.

Thứ ba, phương pháp giảng giải (lâu nay vẫn sử dụng)

Báo cáo viên trình bày thật rõ ràng những nội dung cơ bản và mới, chú ý gợi mở trong thực tiễn và cũng nên dành một số thời gian để trao đổi.

(3) Thực hiện tốt các nguyên tắc trong báo cáo

- Nguyên tắc tính đảng: Khi truyền đạt nghị quyết cần phải bảo đảm tính đảng. Đó là những vấn đề về thế giới quan, lập trường, quan điểm của người báo cáo và người học.

- Nguyên tắc tính khoa học: Đó là tính chính xác của kiến thức được truyền đạt. Tính khoa học còn thể hiện ở việc xác định rõ đối tượng, nội dung và phương pháp báo cáo.

- Nguyên tắc tính vừa sức: Đó là khối lượng kiến thức cần phải phù hợp với đối tượng người học; phù hợp với khả năng tiếp thu của người học.

- Nguyên tắc tính trực quan: Đó là cách tác động vào trực giác của người học bằng lời nói, hình ảnh, bằng các giáo cụ và những phương tiện báo cáo.

- Nguyên tắc lý luận gắn liền với thực tiễn, học đi đôi với hành: Nguyên tắc này không chỉ đòi hỏi nội dung báo cáo phải gắn liền với thực tiễn mà còn đòi hỏi phải rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo, động hình đối với người học.

II. MỘT SỐ KỸ NĂNG BÁO CÁO NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG

1. Thực hiện tốt các thao tác

Trước khi triển khai, báo cáo viên cần làm tốt các thao tác sau:

(1) Rà soát lại nội dung: Một trong những yêu cầu về nội dung là tính thời sự nên báo cáo viên phải rà soát bỏ đi những thông tin cũ, đưa vào những thông tin có tính thời sự. Thực tế, đề cương bài giới thiệu nghị quyết được soạn trước đó và có thể dùng nhiều lần ở nhiều đơn vị, đối tượng khác nhau nên việc rà soát nội dung còn để giúp cho bài báo cáo phù hợp hơn với đối tượng, từ đó đảm bảo tính thiết thực về nội dung. Sau khi chỉnh sửa xong đề cương, báo cáo viên, nhất là những báo cáo viên mới vào nghề cần hình dung lại toàn bộ bài báo cáo nghị quyết; nắm chắc đề cương; suy nghĩ về nội dung và cách trình bày những nội dung quan trọng nhất. Có thể tiến hành luyện tập cá nhân hoặc theo nhóm với sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ (quay lại quá trình luyện tập để đo tốc độ lời nói, kiểm tra âm lượng, quan sát ngôn ngữ cơ thể để từ đó có điều chỉnh thích hợp…).

(2) Phối hợp với các bộ phận chức năng chuẩn bị địa điểm: Địa điểm hợp lý có đóng góp đáng kể cho chất lượng buổi báo các nghị quyết. Hội trường cần đủ ánh sáng, khuôn mặt của báo cáo viên phải được chiếu sáng vừa đủ. Không nên tổ chức buổi nói chuyện trong các phòng chật chội, nóng bức, nơi có nhiều tiếng động, ồn ào.

(3) Chuẩn bị về thể chất và tinh thần, sức khỏe và tâm lý. Thể chất và tinh thần, sức khỏe và tâm lý ảnh hưởng nhiều đến chất lượng báo cáo.

(4) Chuẩn bị về diện mạo. Diện mạo là tổng thể vẻ bề ngoài của mỗi con người. Nó được tạo bởi quần áo, tóc, giày dép, phụ kiện. Chọn trang phục lịch sự, phù hợp với thời tiết, với vóc dáng và với địa điểm nơi đứng nói. Báo cáo viên nữ có thể trang điểm đậm hơn so với giao tiếp bình thường, v.v...

(5) Chuẩn bị phương tiện, thiết bị trình bày bài báo cáo nghị quyết. Máy tính, các giáo cụ trực quan khác đã đầy đủ chưa…

(6) Chuẩn bị phương án ứng phó với những tình huống phát sinh. Một số tình huống có thể kể đến như: mất điện, máy tính không kết nối được, có kết nối nhưng không hiển thị lên màn hình, người nghe đến muộn, người nghe đến ít hơn/ nhiều hơn so với số lượng đã triệu tập, người nghe liên tục đặt ra những câu hỏi chất vấn, sơ hở trong trang phục…

2. Kiểm soát tốt một số tình huống

(1) Báo cáo viên hồi hộp: Hồi hộp là một trạng thái tâm lý biểu hiện của xúc cảm tự nhiên. Những người có kinh nghiệm phát biểu trước đông người lâu năm vẫn có biểu hiện này. Hồi hộp vừa có tác dụng tích cực vừa có tác dụng tiêu cực. Tích cực ở chỗ nó có thể giúp người nói hưng phấn hơn, giọng nói truyền cảm hơn. Nó chỉ tiêu cực khi cảm xúc này kéo dài và người nói không biết cách điều tiết. Hồi hộp có thể dẫn đến việc kìm hãm sự vận động của báo cáo viên, bị ức chế về tâm lý và do đó thường không có khả năng tư duy định hướng, lúng túng, không làm chủ được lời nói. Biểu hiện của sự hồi hộp thường là: dễ xúc động, tay chân run, khô môi, tái nhạt mặt hoặc đỏ mặt, thở nhanh, động tác thừa lặp đi lặp lại với tần suất cao...

Để xử lý trạng thái hồi hộp có thể thực hiện một vài biện pháp sau:

Thứ nhất, thở sâu vài ba lần.

Thứ hai, làm dịu về thể chất bằng cách tiến hành một việc gì đó chẳng hạn, đặt chai nước và cốc nước mà ban tổ chức chuẩn bị sẵn từ phải sang trái, điều chỉnh micro...

Thứ ba, đưa mắt tìm kiếm những nét mặt đáng chủ ý, có thiện cảm với mình và dừng lại ở đó một lúc. Tuy nhiên, cách tốt nhất để khắc phục là chuẩn bị tốt nội dung bài báo cáo nghị quyết, luyện tập cẩn thận.

(2) Người nghe ồn ào, không tập trung nghe báo cáo. Trong trường hợp này cách khắc phục tốt nhất là nói to và rõ ràng khi bắt đầu báo cáo nghị quyết. Cách khắc phục này dựa trên quy luật tâm sinh lý: Con người chỉ tiếp thu những tác nhân kích thích âm thanh nào trội hơn, có khả năng tương phản với các kích thích âm thanh khác.

3. Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ

- Trong quá trình giới thiệu nghị quyết, báo cáo viên tác động đến người nghe chủ yếu bằng phương tiện là ngôn ngữ, gồm 3 yếu tố: ngôn từ, cận ngôn ngữ và ngoại ngôn ngữ.

Ngôn từ là tất cả các đơn vị của một thứ tiếng nào đó cùng với các quy tắc cấu tạo từ đơn vị nhỏ đến đơn vị lớn hơn như: từ, cụm từ, câu, đoạn văn, văn bản.

Cận ngôn ngữ là những yếu tố luôn đi cùng với ngôn từ như: cao độ, trường độ, tốc độ, trọng âm, sự ngừng giọng.

“Ngoại ngôn ngữ là thông điệp không được mã hoá bằng ngôn từ”. Ngoại ngôn ngữ gồm ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ vật thể và ngôn ngữ môi trường.

Ngôn ngữ cơ thể gồm: ánh mắt, nét mặt, nụ cười, cử chỉ đôi tay, điệu bộ;

Ngôn ngữ vật thể gồm: quần áo, phụ kiện (túi xách, bút, kính, đề cương bài báo cáo nghị quyết, máy tính, đồng hồ đeo tay...

Ngôn ngữ môi trường gồm: vị trí đứng, khoảng cách giao tiếp, địa điểm phát biểu...

- Các yếu tố trên đây tác động lên thị giác và thính giác của người nghe, có tác dụng nâng cao hiệu quả tri giác thông tin của họ. Chúng còn được kết hợp phù hợp với tính chất nội dung thông tin và với các yếu tố ngôn từ để nâng cao chất lượng bài báo cáo nghị quyết. Nhiều chuyên gia nghiên cứu về ngôn ngữ đã cung cấp con số như sau: Hiệu quả của ngôn từ trong giao tiếp chỉ chiếm 7%, cận ngôn ngữ là 38% và ngoại ngôn ngữ là 55%. Các báo cáo viên cần biết và thực hành các loại phương tiện ngôn ngữ nói trên để tối ưu hoá tác động của chúng đến người hoc tập nghị quyết.

4. Tạo lập sự chú ý của người nghe

Có thể áp dụng một số kỹ năng sau:

(1) Thay đổi ngữ điệu lời nói để không tạo ra cảm giác đều đều, nhàm chán trong quá trình cung cấp thông tin.

(2) Sử dụng yếu tố bất ngờ, cách trình bày độc đáo:

(3) Dùng từ láy, ẩn dụ, thành ngữ, tục ngữ, trích dẫn thơ, nhạc…

(4) Biến số liệu thành những con số biết nói.v.v..

5. Tái lập sự chú ý của người nghe

- Báo cáo viên phải biết nắm bắt thái độ của người nghe qua giao tiếp bằng ánh mắt và chủ động tìm cách khắc phục.

- Nếu thấy người nghe nói chuyện riêng, báo cáo viên nên rời bục giảng tiến gần về phía họ. Không dừng lại ở đó, cần đặt câu hỏi để họ trả lời hoặc để họ suy nghĩ về câu hỏi. Nếu làm như vậy tức là báo cáo viên đang sử dụng thủ thuật thay đổi trạng thái giao tiếp chuyển từ độc thoại sang đối thoại.

- Nói to lên hoặc nhỏ lại, thậm chí là im bặt.

- Sử dụng các phương tiện trực quan sinh động như sơ đồ, bản đồ, biểu bảng, video clip, vật dụng....

- Sử dụng biện pháp gây cười như: dùng giọng nói, nét mặt hài hước, chơi chữ, nói lái, nói thiếu, nói tước bỏ ngữ cảnh, kể một câu chuyện cười phù hợp để giảm bớt sự căng thẳng, khôi phục sự chú ý.

6. Kết thúc bài giới thiệu nghị quyết

- Cần kết thúc báo cáo nghị quyết sớm hơn giờ quy định từ 5 đến 7 phút, không nên kéo dài dù là vài phút. Báo cáo viên tiến hành 3 thao tác: cảm ơn, chúc và chào tạm biệt.

Lưu ý về lời chúc, người nói trong mọi bối cảnh đều chúc người nghe những lời chúc giống nhau: sức khoẻ, hạnh phúc, thành đạt. Tránh thực tế này, báo cáo viên khi kết thúc buổi báo cáo nghị quyết cần tìm lời chúc cho phù hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh, từng giai đoạn. Như vậy vừa tạo ra sự khác biệt vừa củng cố chủ đề chính của buổi tuyên truyền miệng, giúp người nghe ghi nhớ tốt hơn về nội dung nghị quyết./.