Công tác tuyên giáo thực hiện 5 kiên định, 4 yêu cầu, 3 tập trung và 2 kiện toàn
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh nội dung về năm kiên định, bốn yêu cầu, ba nhóm tập trung, hai nhiệm vụ cần kiện toàn của ngành Tuyên giáo trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương toàn Ngành đã nêu cao tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra và những nhiệm vụ mới phát sinh từ thực tiễn. Với những thành tựu nổi bật trong năm qua, ngành Tuyên giáo đã tiếp tục đảm nhận vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng; tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong Đảng và xã hội, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Để phát huy hơn nữa vai trò, hiệu quả trong hoạt động của công tác Tuyên giáo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã nhấn mạnh tới năm kiên định, bốn yêu cầu, ba nhóm tập trung, hai nhiệm vụ cần kiện toàn của ngành Tuyên giáo. Cụ thể:
- Năm kiên định gồm: Tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong thời kỳ mới. Tư tưởng đó phải được thấm sâu trong từng cán bộ, đảng viên và Nhân dân, không cho phép ai được ngả nghiêng dao động với mục tiêu cao cả ấy và phải để nó trở thành bản lĩnh, niềm tin; Kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; Kiên định con đường đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Kiên định những nguyên tắc cơ bản của Đảng; Kiên định phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
- Bốn yêu cầu gồm: Yêu cầu dứt khoát phải có tính đảng, tính chiến đấu, phải truyền cảm hứng xuống tới cơ sở, tạo được sự đồng thuận trong đảng viên. Công tác giáo dục và thuyết phục phải được nâng cao, đặc biệt là chú trọng tới tính thực tiễn, nêu cao vai trò trách nhiệm, từ đó mới chống được quan liêu trong tư tưởng, hành động; Yêu cầu phải triển khai toàn diện, đồng bộ nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, có khâu đột phá; Yêu cầu trong công tác luôn phải đặt quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; Chủ động, thiết thực, kịp thời, hiệu quả, không để vùng trắng về công tác tư tưởng.
- Ba tập trung gồm: Nâng cao chất lượng hiệu quả tham mưu đối với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tham mưu về thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, công tác lý luận không thể chậm trễ và cần phải dự báo được một số chiều hướng về tư tưởng, từ đó có giải pháp chủ động, có sự chỉ đạo kịp thời, hiệu quả, xử lý tốt các tình huống phát sinh. Cần thẳng thắn chia sẻ thuận lợi, khó khăn để có giải pháp phù hợp vì lợi ích chung; Đổi mới công tác học tập nghị quyết để các nghị quyết đi vào cuộc sống được nhanh chóng, kịp thời, phát huy hiệu quả thiết thực; Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng cũng như nâng tầm tham mưu đối với lĩnh vực khoa giáo của Đảng. Đây là những lĩnh vực được Nhân dân rất quan tâm và mang ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
- Hai kiện toàn gồm: Cần kiện toàn tổ chức bộ máy Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tuyên giáo các cấp để đảm bảo hoạt động ngày càng hiệu quả; Xây dựng quy chế làm việc nội bộ, quy chế làm việc giữa ngành Tuyên giáo với các bộ ngành, đơn vị.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Đây không phải là những vấn đề mới, song cần phải thường xuyên quán triệt, phải được xác định là cẩm nang và nòng cốt trong tư tưởng, hành động./.