Chuẩn bị tổ chức hội thảo về thể chế, chính sách, nguồn lực phát triển văn hóa
Ngày 7/11, tại Nhà Quốc hội, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhất là kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí chủ trương tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.
Theo đồng chí Trần Thanh Mẫn, thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã tích cực triển khai Kết luận của Tổng Bí thư trong Hội nghị văn hóa toàn quốc, đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, một trong những điểm nghẽn lớn nhất trong triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về văn hóa mà Tổng Bí thư đã chỉ ra là “việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối văn hoá của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả”, văn hóa chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao…
Hội thảo lần này được tổ chức nhằm tìm ra giải pháp thể chế hoá kịp thời đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi, phù hợp với đặc thù của hoạt động văn hoá, nghệ thuật trong bối cảnh mới; phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hóa.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã nghe báo cáo tình hình công tác chuẩn bị Hội thảo. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về công tác chuẩn bị nội dung, phương án truyền thông, công tác hậu cần và điều kiện bảo đảm cho hội thảo; các nội dung trọng tâm cần thực hiện và các vấn đề cần xin ý kiến Ban chỉ đạo.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; quán triệt, thực hiện tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; hướng đến kỷ niệm 80 năm ngày Đảng ta ban hành Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vào năm 2023.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, công tác chuẩn bị cho hội thảo được tiến hành rất kỹ lưỡng. Nhấn mạnh Diễn đàn Kinh tế-Xã hội năm 2022 đã được đánh giá rất thành công, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng tin rằng sự kiện này sẽ thêm một lần nữa khẳng định về cách tiếp cận mới của Quốc hội, để tập trung trí tuệ của cả hệ thống chính trị vào những nội dung rất quan trọng của đất nước.
Được biết, Hội thảo Văn hóa năm 2022 sẽ tập trung làm rõ 3 nhóm vấn đề. Đó là cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để xây dựng, ban hành thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa; thể chế, chính sách cho phát triển văn hóa; nguồn lực cho phát triển văn hóa (bao gồm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính)./.