Vai trò của công tác tuyên truyền miệng trong phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Sơn La

Từ một tỉnh miền núi khó khăn, trong những năm qua Sơn La ngày càng phát triển năng động. Đây là kết quả nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, trong đó có một phần đóng góp tích cực của công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên cơ sở.

Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn tỉnh Sơn La đã không ngừng đổi mới, chất lượng từng bước được nâng lên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sơn La là một tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh và quan hệ giao thương thuận lợi với các tỉnh: Điện Biên, Hòa Bình, Yên Bái, Lai Châu... và nước bạn Lào. Chính vì thế trong những năm qua, Sơn La luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân cả nước.

Tổng diện tích tự nhiên của Tỉnh Sơn La lớn (14.109,83km2), đứng thứ 03/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Tỉnh có 274 km đường biên giới giáp với tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào. Dân số tỉnh có trên 1,3 triệu người với 12 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 53,69%, dân tộc Kinh chiếm 16,49%, dân tộc Mông chiếm 15,79%, dân tộc Mường chiếm 7,15%, các dân tộc khác chiếm 6,88%. Đảng bộ tỉnh có 17 đảng bộ trực thuộc, gồm 12 đảng bộ huyện, thành phố, 03 đảng bộ lực lượng vũ trang. Tỉnh có 610 tổ chức cơ sở đảng (356 đảng bộ, 254 chi bộ), 4.397 chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở với 90.079 đảng viên.

Sơn La có hai cao nguyên: Mộc Châu và Nà Sản. Cao nguyên Mộc Châu có độ cao trung bình 1.050 m so với mực nước biển, mang đặc trưng của khí hậu cận ôn đới, đất đai màu mỡ, thuận lợi cho phát triển cây chè, cây ăn quả và chăn nuôi bò sữa. Cao nguyên Nà Sản có độ cao trung bình 800 m, chạy dài theo trục quốc lộ 6, đất đai màu mỡ thuận lợi cho phát triển cây mía, cà phê và cây ăn quả,… phát triển các vùng nguyên liệu thu hút đầu tư các nhà máy chế biến các sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu. Sơn La có 40.000 ha mặt nước lòng hồ Thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình, thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch.Tỉnh có nền văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc Tây Bắc; truyền thống lịch sử, cách mạng hào hùng, đoàn kết dân tộc. Những lợi thế đó đã tạo điều kiện thuận lợi để Sơn La phát triển kinh tế - xã hội.

Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, công tác tuyên truyền miệng đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Chất lượng công tác tuyên truyền miệng từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thường xuyên chú trọng xây dựng lực lượng tuyên truyền miệng có uy tín trong cộng đồng dân cư nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc, tôn giáo.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 7.820 báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở, trong đó: 05 đồng chí là Báo cáo viên Trung ương; 50 đồng chí là Báo cáo viên Tỉnh uỷ; 383 đồng chí báo cáo viên cấp huyện và tương đương; 7.382 đồng chí tuyên truyền viên cấp xã. Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư (khóa X) về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tổ chức 168 hội nghị Báo cáo viên Tỉnh uỷ với khoảng 500 chuyên đề được báo cáo cho 11.760 lượt đại biểu tham dự. Các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc đã tổ chức khoảng 3.060 hội nghị Báo cáo viên với 9.180 chuyên đề và 153.000 lượt đại biểu tham dự.

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Sơn La thường xuyên mời các đồng chí lãnh đạo các Ban, ngành Trung ương làm báo cáo viên cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, tình hình thời sự trong nước và quốc tế.

Hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, giải pháp lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời chủ động mời các đồng chí lãnh đạo Ban, ngành Trung ương làm báo cáo viên cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, tình hình thời sự trong nước và quốc tế. Chú trọng tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác tuyên truyền miệng… Với những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác tuyên truyền miệng được tiến hành cùng với các hoạt động văn hoá văn nghệ, cổ động trực quan để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Ngoài ra, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cũng quan tâm thông tin phản hồi của đối tượng được tuyên truyền, nhất là các vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để tham mưu đề xuất lãnh đạo tỉnh kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc…

Đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên của Tỉnh thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền miệng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, từ một tỉnh miền núi khó khăn, Sơn La ngày càng phát triển năng động, có mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 5,46%/năm. Năm 2022, GRDP bình quân đầu người của Sơn La ước đạt 48,96 triệu đồng/người/năm (vượt 1,96 triệu đồng so với kế hoạch). Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 8,71% so với năm 2021 (tăng 1,51 điểm phần trăm so với kịch bản tăng trưởng đã đề ra). Thu ngân sách ước đạt 4.550 tỷ đồng, vượt 20,5% dự toán Trung ương giao, bằng 100% kế hoạch Hội đồng nhân dân tỉnh giao. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền miệng trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế, khó khăn như: Một số ít cấp ủy cơ sở chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, dẫn đến thiếu sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, định hướng nội dung và hình thức tuyên truyền miệng. Việc bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên có mặt còn hạn chế. Lực lượng tuyên truyền viên tuy đông nhưng về chất lượng, hiệu quả có mặt chưa cao. Việc thành lập đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở, cũng như việc trả thù lao cho đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở chưa thống nhất trong toàn Tỉnh.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của công tác tuyên truyền miệng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, thời gian tới Tỉnh Sơn La tiếp tục chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên theo tinh thần Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư (khoá X).

Đồng thời, tập trung chỉ đạo đội ngũ báo cáo viên các cấp, tuyên truyền viên cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đẩy mạnh tuyên truyền những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng; các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của đất nước, của tỉnh; tuyên truyền về thi đua xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo; phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch.../.

Phạm Thị Đào

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La