Đà Nẵng thực hiện tốt công tác lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng địa phương

Quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư khoá XII về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, năm 2022, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử đấu tranh cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng.

Các công trình lịch sử Đảng được in ấn, xuất bản trong năm vừa qua đã đáp ứng đúng yêu cầu đề ra, đạt chất lượng tốt về nội dung và hình thức. Giá trị khoa học và thực tiễn của các công trình góp phần quan trọng vào công tác truyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống cách mạng của địa phương. 

Hội thảo đánh giá, nghiệm thu bản thảo công trình "Lịch sử Đảng bộ Quân sự thành phố Đà Nẵng (giai đoạn 1945-2020)” – một trong những công trình lịch sử Đảng bộ được hoàn thành trong năm 2022.

Hoàn thành nghiên cứu, biên soạn nhiều công trình lịch sử giá trị

Tập sách Đà Nẵng - Khát vọng phát triển phồn vinh và hạnh phúc là một trong những công trình tiêu biểu được Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng biên soạn, xuất bản trong năm 2022. Tập sách đăng tải 07 bài viết của các đồng chí lãnh đạo thành phố và 12 bài viết về những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là tài liệu hữu ích đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố, góp phần khơi dây ý thức, trách nhiệm cùng nhau xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại.

Ngoài công trình nêu trên, năm vừa qua Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chỉ đạo biên soạn công trình Lịch sử Đà Nẵng từ khởi thủy đến năm 2020. Hiện nay, Ban cán sự đảng UBND thành phố đang xin ý kiến Ban Chỉ đạo công trình để phê duyệt và triển khai thực hiện.

Ở khối các ban, ngành, đoàn thể, một số công trình tiêu biểu có thể kể đến: Lịch sử Đảng bộ Công an thành phố Đà Nẵng (1945-2015); Lịch sử Công an thành phố Đà Nẵng (1997-2020); Lịch sử Đảng bộ Quân sự thành phố Đà Nẵng (1945-2020). Nhân kỷ niệm 25 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1997-2022), Quận ủy Liên Chiểu đã xuất bản tập sách Lịch sử căn cứ lõm B1 Hồng Phước (1960-1975) và Quận ủy Ngũ Hành Sơn biên soạn, xuất bản tập sách K20 - căn cứ giữa lòng dân. Huyện ủy Hòa Vang xuất bản sách Căn cứ Huyện ủy Hòa Vang...

Nhìn chung, các công trình lịch sử đảng bộ được xuất bản đều đáp ứng yêu cầu về hình thức, nội dung theo hướng dẫn của Viện Lịch sử Đảng, đảm bảo tính đảng, tính khoa học và giáo dục truyền thống; phản ảnh sinh động, khách quan, toàn diện quá trình đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của các đảng bộ cũng như những đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình dựng xây, phát triển quê hương, đất nước.

Công tác phát huy giá trị các công trình lịch sử Đảng cũng được chú trọng. Kết quả nghiên cứu các công trình được xây dựng thành các bộ tài liệu giảng dạy trung cấp lý luận chính trị, hành chính, các chương trình bồi dưỡng đảng viên… hoặc thậm chí đưa vào Chương trình Giáo dục địa phương ở các cấp học. Tiêu biểu như quận Hải Châu hoàn thành xây dựng bộ tài liệu Đề cương giảng dạy, giáo dục lịch sử Đảng bộ quận Hải Châu để đưa vào giảng dạy tại các trường học trên địa bàn quận (cấp tiểu học và trung học cơ sở). Quận Sơn Trà hoàn thành xây dựng bộ tài liệu Đề cương giảng dạy, giáo dục lịch sử Đảng bộ quận Sơn Trà vào các trường học trên địa bàn quận. Huyện Hòa Vang tiếp tục đưa nội dung lịch sử Đảng bộ huyện Hòa Vang và Lịch sử Quảng Xương - Hòa Vang thắm tình kết nghĩa vào giảng dạy cho học sinh khối trung học cơ sở…

Quận Hải Châu xây dựng bộ tài liệu Đề cương giảng dạy, giáo dục lịch sử Đảng bộ để đưa vào giảng dạy tại các trường học trên địa bàn.

Để phục vụ công tác tuyên truyền, phát huy lịch sử truyền thống, các địa phương, ban, ngành, đoàn thể các cấp của Đà Nẵng đã tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ địa phương gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố. Không chỉ dừng ở những công trình sách giấy, nhiều bộ phim tài liệu lịch sử cũng đã được các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai, thực hiện trên cơ sở kết quả các công trình lịch sử Đảng được biên soạn.

Tiếp tục nâng cao toàn diện chất lượng các mặt công tác lịch sử Đảng

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng vẫn còn một số khó khăn, bất cập, nhất là về công tác bảo quản, lưu trữ, phục vụ tra cứu hồ sơ, tài liệu; công tác bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị các di tích cách mạng...

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử Đảng còn hạn chế; do các quận, huyện và xã, phường không có cán bộ chuyên trách làm công tác nghiên cứu lịch sử. Việc đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong trường học và tổ chức ngoại khóa còn gặp nhiều khó khăn, do quy định về khung chương trình giảng dạy chính khoá về bố trí thời gian và kinh phí thực hiện.

Để công tác nghiên cứu lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng của các địa phương ngày càng phát huy hiệu quả cao hơn, yêu cầu đặt ra là cần phải có sự hướng dẫn kịp thời, thường xuyên, liên tục từ Trung ương cùng các chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử Đảng. Cần chú trọng việc phổ biến những kinh nghiệm, cách làm hay của các địa phương trong lĩnh vực này, quan tâm mở các lớp tập huấn chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác lịch sử Đảng của các địa phương. Có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời các địa phương, đơn vị, cá nhân thực hiện tốt công tác biên soạn, giới thiệu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, nhất là việc đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong các trường học...

Tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhằm làm sáng tỏ các chặng đường lịch sử và vai trò lãnh đạo của Đảng; tổng kết thực tiễn, những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ mới.

Bám sát quan điểm nêu trên, năm 2023, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng sẽ tiếp tục tham mưu tiếp tục nâng cao toàn diện chất lượng các mặt công tác lịch sử Đảng. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, biên soạn thông sử Lịch sử Đà Nẵng từ khởi thủy đến năm 2020 theo yêu cầu đề ra. Chỉ đạo, ban hành văn bản hướng dẫn về việc phát huy các công trình lịch sử đã xuất bản, phục vụ công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, ngành tuyên giáo Thành phố sẽ tiếp tục tăng đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng ta, nhất là trên không gian mạng. Khuyến khích các hoạt động biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử, văn hóa và con người Đà Nẵng. Chú trọng trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng, phòng truyền thống. Tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo quản tài liệu; đề xuất, phối hợp với cơ quan liên quan trong việc xây dựng kế hoạch số hóa tài liệu lịch sử Đảng được lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng./.

Đinh Văn Dũng

Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng