Triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, trong quá trình thực hiện Đề án, Hòa Bình cần quan tâm hơn nữa đến việc phát huy vai trò của chủ thể văn hóa là nhân dân trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; xây dựng và hoàn thiện cơ chế hợp tác bền vững giữa nhà nước-nhà khoa học-doanh nghiệp-cộng đồng chủ thể…
Ngày 17/1, tại tỉnh Hòa Bình, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã tới dự Hội nghị triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa biểu dương những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hòa Bình.
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Việc triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” tại tỉnh Hòa Bình là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, khẳng định quyết tâm chính trị và tinh thần hành động của lãnh đạo tỉnh trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII và phát biểu chỉ đạo rất quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021.
Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023-2030 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc Mường nói riêng và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nói chung.
Để thực hiện hiệu quả Đề án, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, gắn kết chặt chẽ tổng thể các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hòa Bình; nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện Đề án, Hòa Bình cần quan tâm hơn nữa đến việc phát huy vai trò của chủ thể văn hóa là nhân dân trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; xây dựng và hoàn thiện cơ chế hợp tác bền vững giữa nhà nước-nhà khoa học-doanh nghiệp-cộng đồng chủ thể.
Tỉnh Hòa Bình cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu số; thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật, gắn với phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian trong sáng tạo và trao truyền các giá trị di sản, phù hợp với yêu cầu của thời đại mới.
Tỉnh cũng tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Bên cạnh đó, Hòa Bình chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tăng cường phát triển văn hóa đối ngoại. Tỉnh tiếp tục phát huy giá trị 2 di sản văn hóa lớn là Mo Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” để nghiên cứu, lập hồ sơ, đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa thế giới.
Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tin tưởng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình sẽ đạt được những kết quả đột phá quan trọng trong triển khai thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” tại tỉnh Hòa Bình; phát huy cao độ giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của con người Hòa Bình, để tiếp tục đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trước đó, ngày 24/11/2023, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023-2030" trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nhằm nghiên cứu, đánh giá việc bảo tồn giá trị của nền "Văn hóa Hòa Bình" và bản sắc văn hóa dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình.
Qua đó, khơi dậy, phát huy tiềm năng giá trị di sản văn hóa, hướng tới hình thành một số không gian văn hóa dân tộc Mường, không gian bảo tồn nền "Văn hóa Hòa Bình"; huy động nguồn lực đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, di sản văn hóa khảo cổ gắn với phát triển du lịch bền vững, góp phần thúc đầy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Đề án sẽ tập trung đầu tư xây dựng một số khu bảo tồn, khu không gian bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Mường, Mo Mường; phục chế giá trị văn hóa vật thể; bảo tồn và phát triển 5 điểm du lịch cộng đồng; phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể dân tộc Mường; tăng cường quảng bá, phát huy nền “Văn hóa Hòa Bình”…