Xây dựng văn hóa, con người là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Bình Phước

Trong chuyến công tác tại Bình Phước, ngày 11/8, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường; các nhà khoa học và đông đảo nhân dân tỉnh Bình Phước.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tìm hiểu nét văn hóa, con người Bình Phước qua Trưng bày Chuyên đề “Di sản văn hóa Bình Phước”.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã đánh giá cao việc Bình Phước tổ chức Hội nghị văn hóa năm 2023. Đây là bước cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh, nhất là các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí và hành động, đồng lòng dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cống hiến vì quê hương, đất nước.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị tỉnh Bình Phước tiếp tục đổi mới nâng cao nhận thức, chuyển đổi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa và xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững, theo đúng quan điểm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo”. Phải xác định việc xây dựng văn hóa, con người là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Bình Phước.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Xây dựng văn hóa, con người là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh Bình Phước.

Tỉnh cần tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Bình Phước trong thời kỳ mới. Phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực then chốt cho công tác quản lý văn hóa và cho các ngành văn hóa đặc thù. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, truyền thông, đáp ứng yêu cầu chuyển tải các giá trị văn hóa đến công chúng.

Tỉnh cần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa và xây dựng Bình Phước thành một địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa; chủ động đón nhận thời cơ, thách thức để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, con người Bình Phước, tiến tới xuất khẩu các sản phẩm văn hóa của tỉnh. Sớm có chủ trương, giải pháp, đề án, kế hoạch cụ thể về lĩnh vực văn hóa để “Văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng”, “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, góp phần đưa tỉnh Bình Phước phát triển bứt phá, khát vọng vươn lên, sớm trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2030.

Ngày 1/1/1997, tỉnh Sông Bé chia tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Tỉnh Bình Phước phần lớn là khu vực đồi núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tình hình kinh tế, xã hội hết sức khó khăn. Với ý chí và nghị lực vươn lên, Bình Phước đến nay đã khoác lên mình bộ áo mới với 41 dân tộc anh em sinh sống tạo nên sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, vùng, miền.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đại biểu dự Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023.

Bên cạnh đó, Bình Phước là mảnh đất cách mạng với nhiều di tích lịch sử có giá trị văn hóa cao. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 25 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê; 45 di tích được xếp hạng.

Hội nghị văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023 đã nhận được hơn 30 bài tham luận, trình bày về nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh trong lĩnh vực văn hóa ở Bình Phước, trong đó có 7 bài của các chuyên gia, nhà khoa học./.