Vướng mặt bằng, Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang có tiến độ rất chậm

Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang đang có tiến độ chậm chễ do công tác mặt bằng thi công trên toàn tuyến không liên tục.

Nhà thầu thi công nền đường dự án cao tốc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Với việc công tác bàn giao mặt bằng còn gặp nhiều vướng mắc, Dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang đang bị lụt tiến độ và có nguy cơ chậm về đích theo kế hoạch đề ra vào năm 2025.

Mặt bằng bàn giao chậm và không liên tục

Theo ông Nguyễn Quang Giang, Cục phó Cục Đường cao tốc Việt Nam, Dự án cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có tổng chiều dài khoảng 77km, qua địa phận các huyện Yên Sơn, Hàm Yên, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng. Đoạn qua tỉnh Hà Giang có chiều dài 27,5km.

Đến nay, dự án đoạn qua tỉnh Tuyên Quang đã bàn giao mặt bằng được 56,96/69,7km (đạt 81,72%), còn 12,74km chưa được bàn giao do vướng mắc về đất các lâm trường đang quản lý; đất lúa vượt hạn mức đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác; công tác di dời hạ tầng kỹ thuật và xây dựng khu tái định cư còn chậm.

“Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo yêu cầu tỉnh Tuyên Quang tập trung chỉ đạo hoàn thành các công việc giải phóng mặt bằng và bàn giao toàn bộ mặt bằng cho dự án trước ngày 30/8/2024. Tuy nhiên, thực tế mặt bằng thi công trên toàn tuyến không liên tục, đặc biệt gói thầu số 24 mới bàn giao mặt bằng 17/22 cầu ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án,” ông Giang cho hay.

Dự án đã khởi công từ tháng 1/2024 với tổng số 7 gói thầu xây lắp, các đơn vị thi công đã đồng loạt triển khai thi công 6/7 gói thầu xây lắp; còn lại gói thầu số 25 (thi công xây dựng hệ thống điện chiếu sáng) chưa triển khai thi công, thời gian thực hiện dự án đến nay khoảng 11,5 tháng/24 tháng theo hợp đồng, tuy nhiên, theo ông Giang, sản lượng mới chỉ đạt khoảng 14,55% giá trị hợp đồng (đạt 58% so với kế hoạch đề ra).

“Như vậy có thể thấy tiến độ hiện tại của dự án đoạn qua địa bàn tỉnh Tuyên Quang là rất chậm,” ông Giang đánh giá.

Bù đắp tiến độ thế nào?

Để đảm bảo mục tiêu hoàn thành dự án trong danh mục 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ, Cục Đường cao tốc Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương rà soát, tăng cường năng lực chuyên môn, tổ chức bộ máy và nhân sự quản lý dự án bảo đảm đáp ứng năng lực, kinh nghiệm theo quy định pháp luật để triển khai, thực hiện dự án đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các đơn vị liên quan, chủ đầu tư phối hợp với các sở, ban, ngành giải quyết các thủ tục liên quan, các khó khăn, vướng mắc để sớm thu hồi diện tích đất còn lại đảm bảo tiến độ hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cầu Hàm Yên là cây cầu lớn nhất của Dự án Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Đối với công tác triển khai thi công, Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị chủ đầu tư căn cứ các điều kiện triển khai thực tế của từng gói thầu, xây dựng lại tiến độ chi tiết, đề xuất các giải pháp phù hợp để bù đắp phần tiến độ bị chậm; xác định cụ thể các mốc thời gian khống chế, đặc biệt là công tác thi công nền đường và các công trình trên tuyến, lưu ý nghiên cứu thời gian dự phòng cho phù hợp, làm cơ sở đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án năm 2025 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Trước diễn biến của một số cơn bão gây mưa lũ kéo dài làm ngập lụt, sạt lở, Cục Đường cao tốc đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn, nhà thầu và các đơn vị liên quan rà soát kỹ các hồ sơ khảo sát (thủy văn, địa hình, địa chất), đặc biệt lưu ý các vị trí bị ngập lụt, sạt lở (nếu có) trong khu vực dự án, trên cơ sở đó kiểm tra lại hồ sơ thiết kế (cao độ mặt đường, thiết kế nền đường, gia cố mái taluy, bố trí hệ thống thoát nước...) để điều chỉnh cho phù hợp (nếu cần); đảm bảo độ tin cậy và an toàn khai thác công trình lâu dài.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo chủ đầu tư nghiên cứu, tổ chức thực hiện công tác đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh đảm bảo hoàn thành, đưa vào sử dụng đồng bộ với đường cao tốc./.